Thứ Hai, ngày 14 tháng 7 năm 2025

Loạt bài “Tích cực thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”

Bài 4: Bác bỏ những ý kiến lệch lạc

Tích cực thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là góp phần làm môi trường mạng xã hội trở nên có ích, lành mạnh. (Tranh minh họa)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ, năm 2018, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật An ninh mạng thì đã có nhiều ý kiến phản đối, công kích. Đến khi luật được ban hành (và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), thì ở một số diễn đàn, những người thuộc nhóm “truyền thông đen”, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động lại ra sức xuyên tạc với những luận điệu cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam “ban hành đạo luật vi phạm nhân quyền”, “ép buộc người dân phải tuân thủ những quy tắc vi phạm quyền tự do ngôn luận chính đáng của nhân dân trên mạng xã hội”, “bóp nghẹt dân chủ”, “đàn áp bất đồng chính kiến”, “chống lại loài người”… Họ cho rằng luật “tạo rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí cho doanh nghiệp”, “thêm giấy phép con”, “lạm quyền”, “cấm sử dụng Facebook, Google”…

Từ đó, họ kích động người dân phản đối, đòi hủy bỏ quy định trên, thực hiện cái gọi là “trao trả quyền tự do ngôn luận, báo chí cho nhân dân”. Đây là những thông tin hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc, với mục đích cản trở hoặc gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc làm này cũng nhằm làm rối loạn thông tin và kích động sự bất mãn của một bộ phận người dân thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin về các vấn đề chính trị, xã hội.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, nhìn chung, Luật An ninh mạng đã có tác dụng tốt với không gian mạng nói riêng và xã hội nói chung, nhất là đã hạn chế được tình trạng đưa thông tin giả, tin sai sự thật, giúp cảnh tỉnh nhiều người dùng không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng phải cẩn trọng khi đưa tin, dẫn nguồn tin… Luật đã bảo vệ tốt hơn lợi ích của người dân trên không gian mạng, hạn chế những hệ lụy do rò rỉ thông tin hoặc bị kẻ xấu chiếm đoạt thông tin, hình ảnh cá nhân. Luật đã có những quy định rõ nhằm bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia trên không gian mạng, giúp doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, người dân yên tâm làm ăn, công tác…

Đến nay, số vụ tấn công mạng giảm 30% kể từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực. Theo công bố của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2019 Việt Nam đã tăng 50 hạng về chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu. Đến năm 2020, Việt Nam đã tăng 25 bậc, vươn lên vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 trong ASEAN[1]. Đây là tiến bộ vượt bậc của môi trường an ninh mạng Việt Nam.

Người dùng mạng xã hội phải luôn cảnh giác với các tin giả, tin xuyên tạc. (Tranh minh họa) Người dùng mạng xã hội phải luôn cảnh giác với các tin giả, tin xuyên tạc. (Tranh minh họa)

Khi Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ra đời, cũng có một số ý kiến phản đối tương tự như với Luật An ninh mạng. Chẳng hạn, có người cho rằng chính quyền sẽ lợi dụng Bộ Quy tắc này để “tăng cường đàn áp đối với những người ‘bất đồng chính kiến’”, “hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân”, “biến công chức nhà nước trở thành những kẻ chỉ điểm trên không gian mạng, khi yêu cầu họ phải “thông báo tới cơ quan chủ quản” khi bắt gặp các thông tin trái chiều, vi phạm pháp luật”, “biến các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội trở thành công cụ kiểm duyệt cho nhà nước”... Những ý kiến này tuy phiến diện, xuyên tạc sự thật, không có tính chất xây dựng nhưng có thể làm dao động một số người, nhất là những người đề cao tinh thần “tự do vô chính phủ”, thiếu trách nhiệm trong việc sử dụng mạng xã hội…

Các loại ý kiến đó thực ra chỉ là sự suy diễn chủ quan, không có cơ sở và từ thực tế khách quan của việc thực hiện Luật An ninh mạng, chúng ta cũng dễ dàng thấy rằng các luận điểm đó sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Bởi thời gian qua, các quốc gia trên thế giới đều thiết lập hệ thống pháp luật và các quy tắc điều chỉnh mọi hành động trên không gian mạng nói chung, trên mạng xã hội nói riêng. Chẳng hạn, từ năm 2002, Trung Quốc đưa ra “Cam kết cộng đồng về nguyên tắc cơ bản trong ngành công nghiệp internet”; năm 2016, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử chống lại những thông tin gây thù hận, nói xấu bất hợp pháp trên mạng”; các tổ chức, cá nhân, cơ quan các nước Mỹ, châu Âu và phát triển trên thế giới đều ban hành quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho đội ngũ ký hợp đồng lao động với mình… Như vậy, việc xây dựng các quy chuẩn để tạo môi trường lành mạnh trên mạng xã hội là nhu cầu và đòi hỏi tất yếu của tất cả các quốc gia, không phân biệt thể chế chính trị.

Do đó, xét về nhiều mặt, mục đích chính của Bộ Quy tắc ứng xử là nhằm xây dựng mạng xã hội Việt Nam lành mạnh. Bộ Quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, thúc đẩy việc mạng xã hội Việt Nam sẽ trở nên lành mạnh, hữu ích hơn. Chẳng hạn, đối với trẻ em, Bộ Quy tắc có vai trò như một thiết bị “bộ lọc” giúp kiểm soát thông tin và từ đó tác động đến hành vi, ứng xử, đồng thời tránh sự tác động tiêu cực từ các trang thiếu lành mạnh.

Theo thống kê, tính tới tháng 1/2021, số lượng người dùng internet ở Việt Nam là gần 69 triệu người, chiếm hơn 70% dân số; số lượng người sử dụng mạng xã hội là khoảng 72 triệu, chiếm gần 74% tổng dân số. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh khác, Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia kém văn minh nhất trên internet trong số 25 quốc gia được khảo sát, theo kết quả được Microsoft công bố tháng 2/2020[2]. Tất nhiên, đánh giá này chỉ mang tính tham khảo nhưng cũng nên quan tâm vì qua thực tế, chúng ta đều thấy có hiện tượng này.

A dua, phụ họa với người khác trên mạng xã hội một cách thiếu cân nhắc là hành vi không lành mạnh. (Tranh minh họa) A dua, phụ họa với người khác trên mạng xã hội một cách thiếu cân nhắc là hành vi không lành mạnh. (Tranh minh họa)

Theo kết quả một khảo sát năm 2017 của Chương trình Nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), 78% số người được hỏi đều khẳng định từng là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội, hoặc có biết những trường hợp tương tự. Các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thể hiện tập trung vào: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị người khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)… . Dĩ nhiên, các số liệu này cũng chỉ để tham khảo nhưng ít nhiều đã phản ánh một thực tế đáng chú ý!

Mới đây, ngay sau trận đội tuyển bóng đá Việt Nam thua đội Các tiểu vương quốc Ả rập (UAE) ngày 15/6/2021, hàng chục ngàn người sử dụng mạng xã hội trong nước đã tấn công trang facebook cá nhân của trọng tài người Iraq Ali Sabah điều khiển trận đấu này, với rất nhiều bình luận khiếm nhã, miệt thị. Điều này cũng đã xảy ra tương tự nhiều lần trước đó. Trong khi chúng ta phê phán những người sử dụng mạng xã hội ở vài nước tấn công cầu thủ của Việt Nam khi họ thi đấu xuất sắc, góp phần đánh bại đội tuyển quốc gia nước đó, thì người sử dụng mạng xã hội của chúng ta lại hành xử không hay! Điều đó rất đáng tiếc.

Từ thực tiễn đó, với số lượng người dùng mạng xã hội lớn như ở Việt Nam thì việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử để điều chỉnh mọi hành vi trên mạng xã hội là việc làm rất cần thiết và lẽ ra phải ban hành sớm hơn. Vì vậy, những ý kiến sai trái về Bộ Quy tắc này thực sự là lạc điệu, cần phải được phê phán và loại bỏ!

Vân Tâm

__________________

[1] Nguồn: Báo Quân đội nhân dân, ngày 1/7/2021.

[2] Nguồn: Báo Tuổi trẻ, ngày 24/2/2020.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo