BS.NGND Trần Hữu Nghiệp (Ảnh tư liệu) (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 21/2, Hội Nhà văn TPHCM và NXB Tổng hợp TP đã tổ chức buổi trò chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của Bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân (BS.NGND) Trần Hữu Nghiệp và tác phẩm "Thời gian trong mắt tôi" - Hồi ký tái bản sau 30 năm của BS.NGND Trần Hữu Nghiệp - với đông khách văn chương và nhiều nhân vật nổi tiếng trong ngành y tế nhiều thời kỳ. Có các đại biểu của tỉnh Bến Tre quê hương ông.
Cuốn sách gần 400 trang với nhiều tư liệu bổ sung, vẫn đầy tính thời sự. Thậm chí ngày càng thời sự hơn trước thực tế nóng bỏng của đất nước, về lý tưởng cống hiến, sự rèn luyện giữ nhân cách khi thực tế đang có nhiều vụ việc sai phạm liên quan tới ngành y tế.
Sách có 2 phần (Hồi ký và Tùy bút, khảo luận), vừa giàu tư liệu lại rất văn học. Phần Hồi ký nổi rõ lên phẩm chất của người trí thức, nhà giáo góp công trong đào tạo ngành Y suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Người đọc đã cảm nhận rõ chuyện đời, phẩm chất hy sinh của người trí thức thầy thuốc cách mạng và một kẻ sĩ Nam bộ - quê hương Bến Tre.
Nhiều câu chuyện hay từ làng xã, người Tây học về có phòng khám tư nổi tiếng từ những năm trước cách mạng, từ bỏ đời “nhà giàu Nam bộ” đi kháng chiến. Ra Bắc làm bác sỹ riêng của bác Tôn Đức Thắng, làm “cây đa” đào tạo lực lượng y tế cho đất nước, làm thầy của những người thầy. Nhiều năm cuối đời ông sống, làm việc tại TPHCM. Con người không vụ lợi - “đi kháng chiến, làm sỹ phu của cách mạng” - kẻ sĩ Nam bộ điển hình.
Sách còn kể nhiều chuyện thật hay về các nhân vật lớn như Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hy sinh giữa rừng già Tây Ninh - sốt rất cao vẫn gắng tiếp nhận nghe các thầy thuốc chiến trường về báo cáo. Chính Bác sĩ Nghiệp đã cùng khiêng linh cữu Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đi an táng nơi tả ngạn Vàm cỏ Đông. “Kiểm kê tài sản” chỉ có một đồng hồ cũ mèm, bút máy và sổ ghi chép. Kiểm kê nhà ở Hà Nội ngoài cái đài thu thanh Bộ cho mượn nghe tin tức, lục cả nhà không có gì đáng giá 100 đồng.
Chuyện Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Luật sư Trịnh Đình Thảo, Bác sĩ Huỳnh Bá Nhung sa vào tay địch, Bác sĩ Lê Văn Trí, Lý Văn Thân…. mà theo tác giả “để giải đáp làm người Việt Nam thực sự là như thế nào”. Với ông, “viết ra thật thà để tặng nhau - mến nhớ bạn thầy thuốc”. Vậy mà nhờ đó, chúng ta biết được bao con người vĩ đại của dân tộc.
Qua cuốn sách, người đọc sẽ thấy triết lý chữa trị của người thầy thuốc yêu nước yêu con người. Dù Tây học nhưng rất gắn với thực tế đất nước, hiểu nông thôn và cây cỏ Việt Nam, ông chú trọng phát triển điều trị theo Đông Y với thái độ khoa học - “Thuốc sẵn trong tay, không đòi hỏi gì nhiều tiền bạc với người vốn có rất ít tiền”. Hoàn cảnh kháng chiến vẫn đảm bảo khoa học y tế, ông truyền dạy “chú ý công tác phòng bệnh, giúp nhân dân biết cách bảo vệ sức khỏe mình”, “tìm phương pháp chuẩn bệnh đơn giản, điều trị đơn giản hiệu quả”.
Về văn phong viết đã lâu, vậy mà tác giả - Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đúng là “người kể chuyện” (story teller) hợp với đặc điểm thời đại truyền thông hôm nay. Ông giúp người đọc khám phá nhiều ý nghĩa và triết lý sống sâu sắc qua những sự việc rất thông thường, câu nói, quan niệm ta gặp suốt trong đời. Ông vui vẻ “mượn chuyện xưa để nói, ai có tật phải giật mình, phải thấy nhột”.
Các quan điểm sống giản dị mà hiện đại, chân thật: “Mến lo cho con cháu là đại nghĩa”, “Sáng việc chung mà tối việc riêng là tự gây cho mình tai họa”, thói xấu rỉ tai báo cáo lươn lẹo “nói sự thật theo…đường cong, kẻ cơ hội thời nào cũng có”, nhân và nghĩa của người thầy thuốc Việt Nam…
Bìa cuốn hồi ký "Thời gian trong mắt tôi" Mục đích viết sách của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng rất giản dị mà hiện đại như quan niệm sống của ông “Đi theo cách mạng luôn được nhiều niềm vui…là thầy thuốc luôn tin vào tác dụng tốt của niềm vui trên các bệnh tật (dù bệnh thể xác, tư tưởng hay của cả xã hội”. Ông viết sách “chỉ muốn suốt đời trung thực trong ý nghĩ, việc làm của mình…”. “Tôi bằng lòng mình, cho đến chết đã được hưởng một kiếp người luôn luôn tin tưởng và lạc quan yêu cuộc sống”.
Thật biết ơn ông đã tận hiến cho dân tộc, yêu thương con người, có một cuộc đời và nhân cách tuyệt đẹp luôn sống theo “chữ nhân ái được xem là nền tảng của Y đức học”. Cảm ơn những người con và gia đình ông đã tìm tư liệu và cho tái bản cuốn sách giá trị này. Chị Trần Kiều Lan và gia đình ông vẫn đang tiếp tục noi gương cha làm nhiều việc nghĩa - họ thực hiện quỹ học bổng Trần Hữu Nghiệp giúp con em quê hương Bến Tre có thêm điều kiện theo học Y khoa để phục vụ nhân dân và quê hương.
Đọc sách - càng kính yêu thương nhớ, muốn sống tốt đẹp hơn và hiểu rằng có thể sống đẹp dù cuộc đời có thế nào - mỗi khi đi trên con đường ở TPHCM mang tên ông - Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.
Cảm ơn ông đã để thêm “toa thuốc” cần cho lẽ sống hôm nay.