Công an TP Thủ Đức làm việc từ sáng đến khuya để tiếp nhận hồ sơ và thực hiện việc cấp Căn cước công dân gắn chip cho người dân, tại số 371 đường Đoàn Kết (phường Bình Thọ). Ảnh chụp hồi tháng 3/2021. (Ảnh: vnexpress.net)(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Năm 1960, Bác Hồ đến thăm Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 338, đóng ở Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Đây là một vùng đất khô cằn, đồng cỏ nhiều, đất bạc màu, cây rất ít. Từ quốc lộ vào nơi đóng quân, thấy một số đồng bào đứng dưới gốc cây tránh nắng, nón trên tay quạt đều, sau khi đi thăm và nói chuyện với bộ đội, Bác hỏi Trung đoàn trưởng: “Các chú có thể làm một cái ghế băng đặt dưới gốc cây gần đơn vị để đồng bào ngồi nghỉ nắng được không?”. “Thưa Bác, được ạ!”, Trung đoàn trưởng đáp. Ít lâu sau, Tỉnh ủy Sơn Tây cho biết Bác sẽ đến thăm Tỉnh ủy và Trung đoàn. Lúc này Trung đoàn trưởng mới sực nhớ lời hứa với Bác, liền cho đơn vị khẩn trương đóng ghế. Hôm sau Bác đến, nhìn thấy cái ghế băng, Người hỏi: “Các chú làm xong ghế từ bao giờ?”. Trung đoàn trưởng đành nhận lỗi với Bác. Người bảo: “Như thế là các chú thật thà”.
Qua câu chuyện này, chúng ta lại thêm một lần nữa xúc động trước lòng nhân ái bao la và thái độ tôn trọng nhân dân của Bác. Dường như trong từng suy nghĩ, Người đều mong mỏi chăm lo cho nhân dân, từ những việc rất nhỏ, mà nhiều người chưa nghĩ đến hoặc không xem đó là điều phải thực hiện. Một cái ghế băng đặt dưới gốc cây ở dọc đường có thể không phải là trách nhiệm của các chiến sĩ Trung đoàn 2 nhưng với Bác Hồ, hễ việc gì có ích cho nhân dân thì có thể là trách nhiệm của bất kỳ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nào, ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ lúc nào.
Câu chuyện còn một chi tiết thú vị khác về việc giữ lời hứa, sự trung thực và thái độ nhận lỗi. Là cán bộ, đảng viên khi hứa trước Đảng, trước nhân dân thì nhất định không được quên, vì lời hứa ấy không phải chỉ của cá nhân đồng chí đó mà còn là đại diện cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, có khi là của Đảng, Chính phủ…, hứa với nhân dân. Vì nhân dân là mục tiêu phục vụ mà tất cả mọi cán bộ, đảng viên đều hướng tới nên lời hứa với nhân dân phải luôn được tôn trọng và thực hiện cho bằng được. Nếu vì lý do nào đó (dù là khách quan) thì phải trung thực thừa nhận lỗi, chân thành xin lỗi và kiên quyết khắc phục. Đương nhiên, việc thừa nhận lỗi, việc xin lỗi không phải chỉ với cấp trên mà chính là với nhân dân, vì lời hứa trước đó là với nhân dân chứ không phải với cấp trên.
Chúng ta cũng không khó nhận ra sự bao dung của Bác Hồ. Người chỉ nói một câu ngắn “Như thế là các chú thật thà” thì đã đủ thể hiện sự nhắc nhở sâu sắc đối với cán bộ. Và, chỉ bao nhiêu đó thì cán bộ được Bác nhắc có thể sẽ ghi nhớ cả đời và không bao giờ mắc lỗi lần nữa.
Cái ghế băng ấy có lẽ đã đi vào lòng dân tại nơi Trung đoàn 2 đóng quân. Chỉ một cái ghế nhưng có thể để lại rất nhiều điều quý báu cho Trung đoàn, cho quân đội, cho Đảng… Người dân địa phương hẳn sẽ rất trân quý thái độ, tình cảm, việc làm của các chiến sĩ, từ đó, tinh thần đoàn kết quân dân càng thêm bền chặt. Và các hoạt động tuyên truyền, vận động sau này chắc hẳn sẽ được người dân tin tưởng, ủng hộ, làm theo.
Nếu ở các nơi đều có những “cái ghế băng nhỏ” trong lòng dân như thế thì niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước, đối với Đảng sẽ thêm sâu sắc.
Lâu nay, chúng ta không khó nhận ra rất nhiều “cái ghế băng nhỏ” khác ở khắp nơi, trong các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp… Nhiều năm qua, ở các cơ quan nhà nước (như trụ sở UBND các cấp, các nơi tiếp dân, các đơn vị giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, bệnh viện, cơ quan thuế…), người dân khi đến liên hệ công tác đã được bố trí nơi ngồi thoải mái, có quạt, có tivi, thậm chí nhiều nơi còn lắp máy lạnh, bình nước uống, quầy sách báo, internet miễn phí… Trong lúc chờ tới lượt được giải quyết nhu cầu hành chính, người dân có thể được tuyên truyền, giới thiệu về các chủ trương, chính sách, được phổ biến các thông tin có ích hoặc các kiến thức cần thiết…, từ các bảng thông tin, sách báo, tờ rơi có sẵn… Ở tâm thế đó, hẳn người dân có thể tiếp nhận thông tin một cách chủ động, nhẹ nhàng, tự nhiên mà không có cảm giác bị gò ép để nghe phổ biến những điều mình không quan tâm hoặc phải tiếp nhận một cách thụ động, miễn cưỡng.
Ở một góc độ khác, thời gian qua, việc nhận lỗi và xin lỗi người dân khi chậm trễ, sai sót khi giải quyết các nhu cầu hành chính của người dân đã được thực hiện khá thường xuyên. Yếu tố “thường xuyên” ở đây không phải do các cơ quan, đơn vị mắc lỗi nhiều lần mà việc làm này đã được thực hiện một cách cụ thể, chân thành ở nhiều nơi. Hình thức nhận lỗi có thể là phát biểu công khai ở các hội nghị, trả lời báo chí, khẳng định ở các cuộc họp tiếp xúc với nhân dân… Hình thức xin lỗi có thể là phát biểu chính thức và được báo chí đăng tải công khai, nói lời xin lỗi trực tiếp với người dân khi được phản ánh, chất vấn, gửi thư xin lỗi một cách trang trọng và cầu thị…
Xin lỗi đã trở thành một đòi hỏi bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có lỗi với người dân, nhất là từ khi thực hiện “4 xin, 4 luôn” (gồm: “xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ”) trên tinh thần Đề án Văn hóa công vụ theo Quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, với sự giám sát ngày càng chặt chẽ của người dân thông qua báo chí, mạng xã hội, các cán bộ, công chức, viên chức gần như không tránh né được việc phải xin lỗi khi có khuyết điểm hoặc chưa thực hiện đầy đủ lời hứa, chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Đó là một biểu hiện rõ nét của nền hành chính phục vụ, đúng với tinh thần nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Những “cái ghế băng nhỏ” tương tự dĩ nhiên nên được đặt ở mọi nơi để phục vụ nhân dân, để thu phục lòng dân. Đồng thời, phải triệt để chấn chỉnh các hiện tượng chưa hay, chưa đẹp như nơi thì thiếu ghế, nơi thì cái ghế bị long chân, chỗ thì đầy bụi bặm, chỗ thì ghế bị mục gãy hay bị xếp đặt lệch chỗ…