Chủ Nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024

Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève (21/7/1954 – 21/7/2024)

Ý nghĩa sâu sắc và tầm vóc lịch sử to lớn của Hiệp định Genève

Phiên họp toàn thể bế mạc Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ở Geneve tháng 7/1954. (Ảnh: Viện Lưu trữ Phim ảnh Nhà nước Nga)

(Thanhuytphcm.vn) - Với thế giới, chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 của quân dân Việt Nam là chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nhưng với thực dân xâm lược Pháp đó là đòn đau chí tử, làm lung lay dữ dội cuồng vọng của giới cầm quyền vốn rất ngoan cố. Ngay ngày hôm sau, 8/5/1954, chúng buộc phải ngồi vào Hội nghị Genève (tại thành phố Genève của Thụy Sĩ) bắt đầu bàn về vấn đề lặp lại hòa bình ở Đông Dương. Thành phần tham dự gồm 9 đoàn Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam (chính quyền Bảo Đại), Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn.

Phải trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp với 7 phiên toàn thể và 24 phiên cấp trưởng đoàn cùng các cuộc tiếp xúc đằng sau các hoạt động công khai, ngày 21/7/1954 hội nghị Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia mới kết thúc và thông qua Tuyên bố chung. Tuyên bố chung gồm nhiều nội dung quan trọng như đình chỉ chiến sự, lặp lại, duy trì và củng cố hòa bình, tổng tuyển cử thống nhất đất nước...

Bản hiệp định đình chiến ở Việt Nam đã khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quy định quân đội nước ngoài phải rút hết khỏi Việt Nam, xác định vị trí 17 là giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời sau 2 năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất đất nước.

Thế là cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Genève đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, cũng là chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam. Đó là kết tinh thành quả của đấu tranh quật cường của quân và dân ta trong suốt 9 năm hy sinh gian khổ từ “mùa thu rồi ngày 23” đến những chiến dịch lớn như Biên giới, Hòa bình, chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954.

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III) Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Hiệp định Genève mở ra thời kỳ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam. Ta có miền Bắc, có thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, bắt tay xây dựng Chủ nghĩa xã hội; miền Nam tạm thời đặt dưới quyền thống trị của đế quốc Mỹ sau khi chúng hất cẳng Đế quốc Pháp, tiếp tục tiến hành cách mạng dân chủ nhân dân. Miền Bắc là hậu phương lớn, vững chắc hết lòng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam theo tinh thần Nam - Bắc là cây một cội, là con một nhà, không một thế lực nào có thể chia cắt được.

Hiệp định Genève là thắng lợi chung của ba nước Đông Dương, đồng thời là thắng lợi của các dân tộc bị áp bức trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Trong một thập kỷ từ năm 1954, có tới 17 trong 22 thuộc địa của Pháp đã giành được độc lập. Riêng năm 1960, có tới 17 nước châu Phi tuyên bố độc lập. Thành quả này thật đáng tự hào, có ý nghĩa sâu sắc và mang tầm vóc lịch sử to lớn.

Hiệp định Genève còn được đánh giá là một mốc son lịch sử của nền ngoại giao nước ta. Ngược thời gian, trong Hiệp định sơ bộ năm 1946, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là “quốc gia tự do nằm trong Khối Liên hiệp Pháp”, thì đến năm 1954, với Hiệp định Genève, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước tham dự hội nghị Genève thừa nhận. Đây là cơ sở chính trị pháp lý rất quan trọng để nhân dân ta đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao trong công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước sau này.

Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Genève có thể rút ra những bài học quý báu về nguyên tắc, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao mang đậm bản sắc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Bài học trước tiên là kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc. Tiếp đến là bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái góc “bất biến” là Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, còn “vạn biến” là trong lúc chưa thể thực hiện được trọn vẹn mục tiêu cuối cùng, có thể linh hoạt và biến hóa trong sách lược để rồi từng bước tiến tới đạt được mục tiêu “bất biến”. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho đến Hiệp định Paris năm 1973 về sau. Bài học về nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình cũng là bài học sâu sắc “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” để từ đó “biết tiến, biết thoái”, “biết cương, biết nhu”.

Toàn cảnh hội nghị quán triệt tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang  đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Thành ủy TPHCM tổ chức vào ngày 2/7/2024. (Ảnh: Long Hồ) Toàn cảnh hội nghị quán triệt tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Thành ủy TPHCM tổ chức vào ngày 2/7/2024. (Ảnh: Long Hồ)

Hội nghị Genève đã để lại một bài học mang tính thời đại về giải quyết bất đồng và xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay đang diễn ra nhiều xung đột phức tạp. Bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng.

Tròn 70 năm qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới, chúng ta luôn nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đó là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo, không ngừng phát triển, để hôm nay, nền ngoại giao cách mạng Việt Nam mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam” ưu việt “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, luôn giữ vững được vị thế của mình trên chính trường thế giới.

Trương Nguyên Tuệ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo