Thứ Ba, ngày 13 tháng 5 năm 2025

Ý chí của những chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 14/6, Bệnh viện Quân Y 175 tổ chức Tọa đàm Bệnh viện Quân y 175 với chặng đường 10 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, kể chuyện về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Quân đội Nhân dân Việt Nam và động viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 5 sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Phải có quyết tâm để thực hiện

Tại chương trình, các đại biểu đã được chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn nhiệm vụ quân y tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc. Đó là những câu chuyện về khó khăn và những kinh nghiệm thực tế trên thực địa trong công tác tổ chức trong những ngày đầu tiên và việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ quân y Việt Nam khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc.

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, từ kết quả việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc cho thấy, đây là một trong những chủ trương đúng đắn, kịp thời, mang tính chiến lược của nước ta. Đây là một dấu ấn đáng tự hào của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó các bác sĩ của Bệnh viện Quân Y 175 là một trong những lực lượng chủ lực.

Kể về thời gian đầu khi Việt Nam triển khai lưc lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ, với lưc lượng gìn giữ hòa bình, tiêu chuẩn của Liên Hợp quốc rất cao. Qua khảo sát, toàn quân có 4 bệnh viện có thể đáp ứng yêu cầu, trong đó có Bệnh viện Quân Y 175. “Tiêu chuẩn quá cao và việc này chưa bao giờ làm. Khi đó, nếu lựa chọn sai đơn vị tham gia là hỏng. Không chỉ có trình độ chuyên môn, đầu tiên phải quyết tâm thực hiện để có giải pháp” - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.  

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, với lực lượng Bệnh viện Quân Y 175, tham gia gìn giữ hòa bình Liêp Hợp quốc đã được đánh giá cao, nhất là về chuyên môn.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện 175 nhớ lại, dù đã triển khai một loạt hoạt động bệnh viện dã chiến của bệnh viện nhưng khi triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc vẫn gặp khó khăn nhiều thứ: cơ sở vật chất, con người, điều kiện, hoàn cảnh... Vấn đề đầu tiên là phải quyết tâm thực hiện tinh thần đã đi phải thắng. “Chúng ta đã quyết tâm và khắc phục được khó khăn và chúng ta đã thành công” - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Đoàn kết để vượt qua những khó khăn

Tại chương trình, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, nguyên Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, khi đó chúng không thể chọn đơn vị có nghi ngờ khả năng thành công để xuất quân đi làm nhiệm vụ lớn này. Bệnh viện Quân y 175 đã sáng suốt khi cử một Phó Giám đốc trực tiếp sang chỉ huy ngay những ngày đầu tiên. Chính những sáng kiến, năng lực chuyên môn và niềm kiêu hãnh của Bộ đội Cụ Hồ khi thực hiện nhiệm vụ trên nước bạn đã làm lên thành công của Bệnh viện dã chiến số 2.

Là một trong những thành viên tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc tại Nam Sudan từ tháng 10/2018 đến tháng 11/2019, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Ngân, nguyên bác sĩ Khoa khám bệnh, Bệnh viện Dã chiến 2 số 1 nhớ lại, dù trước khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc các thành viên đã chuẩn bị nhiều thứ: ngoại ngữ, chuyên môn, tìm hiểu trước tình hình khí hậu, mô hình bệnh tật, các bệnh truyền nhiễm của nước bạn nhưng thực tế còn nhiều khác biệt với suy nghĩ ban đầu. “Với tôi, sau 13 tháng làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc tại Nam Sudan, tôi đã trường thành rất nhiều. Mỗi ngày làm nhiệm vụ tại Nam Sudan là một kỷ niệm đáng nhớ với tôi. Có khi đi ra ngoài, người dân biết được mình đến từ Việt Nam họ đã chụp ảnh cùng. Những tình cảm đó cũng là động lực để chúng tôi thực hiện tốt nhiệm vụ tại đây" - Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân xúc động.

Ng. Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo