Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xuân về, đọc lại thơ Tố Hữu càng thêm thi vị

(Thanhuytphcm.vn) - Mùa xuân vốn là bạn muôn đời của thi nhân. Từ rất xa xưa rồi, mùa xuân là đề tài quen thuộc, muôn thuở của thi ca dân tộc. Nói đến mùa xuân, mỗi nhà thơ bằng phong cách riêng của mình thể hiện vẻ đẹp riêng của xuân. Trong quan niệm của người phương Đông, giữa con người và vũ trụ luôn có một sự tương thông, giao hòa. Mùa xuân gắn với sự sinh sôi nảy nở, sự phát triển của tạo vật, sự tươi vui của đất trời.

Trong mối giao cảm sâu sắc, mùa xuân đã trở thành một hình tượng nghệ thuật mà thi nhân gửi gắm vào trong đó nỗi niềm sâu kín. Tố Hữu là một trong số những nhà thơ đã tiếp nối truyền thống thơ xưa khi viết về mùa xuân. Có lẽ ít có ai say mê mùa xuân, dành cho mùa xuân nhiều trang thơ đặc sắc, đắm say lòng người như Tố Hữu. Chính vì vậy, hơi thở mùa xuân nồng nàn, thấm đậm trong từng trang thơ của một nhà thơ. Thơ xuân của Tố Hữu rộn ràng, nồng nàn hơi thở của gió sớm, óng ánh sương mai, long lanh nắng dọi, xào xạc lá hát, hoa cười…

Mùa xuân trong thơ Tố Hữu không chỉ là một trong bốn mùa của năm. Nhà thơ đã gửi gắm trong mùa xuân nỗi niềm sâu kín, tình cảm trong sáng, hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ, phong phú. Đọc thơ Tố Hữu, một điều dễ nhận thấy mùa xuân đã trở thành một đề tài vĩnh cửu, quen thuộc gần như có mặt trong hầu hết thơ ông.

Hầu hết những tập thơ của Tố Hữu đều nhắc đến từ xuân. Và không ít những bài thơ không nói đến xuân nhưng đã có cảm xúc xuân tràn trong đó: Việt Bắc, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Trên đường thiên lý, Đêm giao thừa, Đêm đầu năm.... Có nhiều bài thơ tiêu đề bài thơ trực tiếp nói về mùa xuân: Tập thơ Từ ấy có 4 bài: Ý xuân, Xuân đến, Xuân nhân loại. Gió lộng có 3 bài thơ mùa xuân: Trên miền Bắc mùa xuân, Bài ca mùa xuân 1961, Giữa ngày xuân. Máu và Hoa có 2 bài: Với Đảng mùa xuân, Một khúc ca xuân.

Đặc biệt hơn cả là tập thơ Ra trận với 7 bài thơ trực tiếp nói về mùa xuân: Tiếng hát sang xuân, Xuân sớm, Chào xuân 67, Bài ca xuân 68, Xuân 69, Bài ca xuân 71, Xtalingrat - một ngày xuân.

Mùa xuân trong thơ Tố Hữu gắn liền với khúc ca ra trận, là mệnh lệnh tiến công và lời kêu gọi, cổ vũ hào hùng của cả dân tộc trong cuộc chiến đấu ở cả hai miền Nam - Bắc:

Anh chị em ơi! Hãy giương súng lên cao chào Xuân 68

Xuân Việt Nam, xuân của lòng dũng cảm” (Bài ca Xuân 68).

Mạch thơ cuồn cuộn chảy khi nói về xuân song hành cùng hình ảnh đẹp đẽ của anh chiến sĩ giải phóng quân:

“Ai đến kia rộn rã cùng Xuân? Hoan hô anh Giải phóng quân

Kính chào Anh con người đẹp nhất

Lịch sử hôn Anh chàng trai chân đất

Sống hiên ngàng bất khuất trên đời

Như Thạch Sanh của thế kỷ 20” (Bài ca Xuân 68).

Nặng lòng với mùa xuân, duyên nợ với mùa xuân, Tố Hữu lấy mùa xuân là đối tượng miêu tả, diễn đạt, thể hiện âm sắc, cung bậc tình cảm của tâm hồn. Với Tố Hữu, mùa xuân luôn mang ý nghĩa biểu trưng, biểu trưng cho cái đẹp, cho sức mạnh của tuổi trẻ, cho tương lai tương sáng của dân tộc, của đất nước, cho những con người đẹp đẽ, kiên trung, cho niềm vui ngập tràn niềm hạnh phúc. Mùa xuân trong thơ Tố Hữu rất đẹp, duyên dáng, mặn mà:

“Ôi những nàng xuân rất dịu dàng

Hát câu quan họ chuyến đò ngang

Nhẹ nhàng tay cấy bên sông ấy

Súng khoác trên lưng chẳng ngỡ ngàng” (Xuân sớm). Hay:

Mùa đông đã hết em ơi

Mà con én đã gọi người sang xuân

Hẳn là sương giá chưa tan

Nên con én mới kết đoàn đưa xuân” (Tiếng hát sang Xuân)…

Một điều rất xúc động là khi viết về mùa xuân, Nhà thơ Tố Hữu thường liên tưởng, nhớ đến Bác Hồ. Tố Hữu luôn dành cho Bác Hồ tình yêu thương chân thành nhất, nồng ấm nhất, với sự biết ơn sâu sắc nhất. Nhà thơ luôn đặt Bác bên mùa xuân, Bác là mùa xuân của dân tộc:

“Bác ơi Tết đến giao thừa đó

Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần

Ríu rít đàn em vui pháo nổ

Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân”.

Đặc biệt, cuộc đời tươi đẹp, vĩ đại của Bác Hồ được Tố Hữu dệt thành những lời thơ tuyệt đẹp và bay bổng nhất:

“Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng

Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay” (Theo chân Bác),

“Xin lắng nghe... Phút giao thừa đang chuyển

Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến”(Bài ca Xuân 68)…

Trong không khí rộn rã của mùa xuân, ngọt ngào của ngày Tết, đọc lại thơ Tố Hữu viết về mùa xuân càng thêm thi vị. Sức hút thơ Tố Hữu nói chung và thơ viết về mùa xuân đem đến cho người đọc cảm giác tràn đầy sức trẻ, niềm tin và hy vọng vào cuộc đời tươi đẹp. Thơ xuân của Tố Hữu mãi mãi đi cùng năm tháng, hẹn hò với mùa xuân và lan tỏa nồng nàn trong hương hoa gió sớm, hòa quyện với đất trời, tô thắm cuộc đời ngày càng rạng rỡ và hạnh phúc.

Hoài Nguyễn


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo