Đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề nghị Quốc hội xem xét liên thông công chức trong bộ máy nhà nước từ cấp Trung ương đến cấp xã(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Các quy định về cán bộ, công chức cấp xã và việc liên thông; hình thức kỷ luật giáng chức và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là những nội dung trong dự thảo Luật được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có nhiệm vụ, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chế độ tuyển dụng, quản lý, sử dụng khác với đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện trở lên và hiện có khoảng 22 vạn người, trong đó có khoảng 9,5 vạn chưa có trình độ đại học. Từ trước đến nay, cán bộ, công chức cấp xã luôn được điều chỉnh bằng các quy định tách bạch với đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên.
Đóng góp ý kiến về việc liên thông cán bộ, công chức cấp xã, nhiều đại biểu cho rằng, bộ máy cơ quan nhà nước ở nước ta được tổ chức theo những nguyên tắc chung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo thành một cơ chế đồng bộ để thực hiện chức năng nhiệm vụ của nhà nước và tương ứng với bộ máy này là lực lượng công chức làm việc trong các cơ quan ấy. Vậy thì tại sao phải tách công chức cấp xã thành một thiết chế riêng, trong khi cấp xã là một cấp không thể thiếu trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, trong thực tiễn hoạt động, cấp xã đã thực hiện tốt nhiệm vụ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là nơi tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Và ở chiều ngược lại, là nơi phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến Đảng và Nhà nước. Hiện tại, công chức cấp này cũng đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước và được tuyển dụng, sử dụng không khác gì so với quy trình tuyển dụng công chức cấp huyện, có khác chăng chỉ là ở cấp tổ chức tuyển dụng. Nếu đặt vấn đề là trình độ khi tuyển dụng thấp hơn so với công chức cấp huyện là chưa thực sự thỏa đáng, vì đây chỉ là quy định của chúng ta.
Ở một góc độ khác, đại biểu Nguyễn Quốc Hận phân tích, với việc tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội, theo đó các phường này không còn là cấp chính quyền mà chỉ là cánh tay nối dài của quận trong quản lý địa bàn, như vậy công chức làm việc ở đây đương nhiên là công chức cấp quận. Từ những cơ sở trên, để giải quyết những vướng mắc về pháp luật, tạo sự thống nhất trong bộ máy nhà nước, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề nghị Quốc hội xem xét liên thông công chức trong bộ máy nhà nước từ cấp Trung ương đến cấp xã.
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân phát biểu Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đánh giá, báo cáo có nêu 9,5 vạn công chức cấp xã chưa có trình độ đại học, đây là khuyết điểm của công tác tổ chức cán bộ các cấp thời gian qua. Trong khi đó, trên thực tế, những người có trình độ đại học, thạc sỹ còn thất nghiệp rất nhiều và chúng ta không thể thay thế được. Đại biểu cho rằng cần phải có quy định trong luật hoặc nghị định là có lộ trình đưa công chức cấp xã vào đội ngũ cán bộ, công chức các cấp và quy định lộ trình để cán bộ còn trẻ được đào tạo nâng trình độ.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng đề nghị quy định rõ trong Luật hệ quả pháp lý nhất định về vật chất, tinh thần mà người bị kỷ luật phải chịu. Một số ý kiến đề nghị tách quy định này thành một điều riêng. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện. Do đó, đề nghị trong Luật chỉ quy định một số nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, hệ quả của hình thức xử lý kỷ luật.
Góp ý về hình thức kỷ luật công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu, dự thảo Luật quy định xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, nhiều đại biểu cho rằng quy định này chưa hợp lý. Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), rất khó giải thích thế nào là tư cách chức vụ và trong các văn bản bổ nhiệm các chức vụ hiện nay không có văn bản nào dùng từ khái niệm là tư cách chức vụ. Quy định hình thức xử lý kỷ luật trên không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự và các quy định về xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức đương chức. Quy định này cũng tạo sự tranh cãi không cần thiết về hệ quả pháp lý đối với những văn bản, quyết định người này ký khi còn đương chức thì khi xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm có còn hiệu lực pháp lý hay không.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức“Không nên quy định xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm mà nên quy định hình thức kỷ luật giảm, truất lương hưu vĩnh viễn, kèm theo hệ quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng gồm lương hưu, danh hiệu, danh xưng, huân huy chương”, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề xuất.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hồng Vân chỉ ra, khi cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu về địa phương thì không còn trong biên chế, không hưởng lương ngân sách mà hưởng lương hưu qua hệ thống bảo hiểm xã hội, đưa đối tượng này vào luật rất là khó, nghe chừng khiên cưỡng. Đồng tình với sự cần thiết phải đưa biện pháp xử lý đối tượng này vào trong luật và vấn đề ở đây là đối với cán bộ bị xóa tư cách, đại biểu Nguyễn Hồng Vân cho rằng, xem xét hệ quả vật chất, chúng ta chỉ có thể dễ dàng tước bỏ của họ các phụ cấp đặc thù hoặc quyền lợi đi khám bảo vệ sức khỏe, còn lương không thể cắt được vì họ hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đại biểu, vấn đề cần quan tâm là hệ lụy pháp lý, tức những quyết định, bằng cấp mà người đó khi còn đương chức đã ký thì khi xóa tư cách của họ, các văn bản, giấy tờ này còn hiệu lực hay không, đó là vấn đề vướng mắc.