Thứ Ba, ngày 13 tháng 5 năm 2025

Xây dựng nếp sống văn hóa từ việc không nói tục!

Phải giáo dục, uốn nắn hành vi nói tục, chửi tục, viết tục đối với học sinh, sinh viên

(Thanhuytphcm.vn) - TPHCM đang xây dựng đô thị mà các trụ cột quan trọng là văn minh, hiện đại, nghĩa tình, thì trong yếu tố văn minh, cần quan tâm đến các biểu hiện của lối sống, của cách ứng xử của người dân. Trong đó, có một vấn đề rất đáng chú ý là phải hạn chế nạn nói tục, chửi tục, viết tục…, đặc biệt là trong giới trẻ.

Cần phân biệt một chút: chửi tục (chửi thề) là dùng lời lẽ thô tục để nói nặng với ai đó (cụ thể hoặc không cụ thể), có thể nhằm xúc phạm, hạ nhục một đối tượng nào đó; còn nói tục là phát ngôn ra lời thô tục mà không nhất thiết nhằm vào ai, có khi buột miệng thốt ra, hoặc dùng những tiếng đệm không hay trong giao tiếp, ứng xử…; viết tục là viết ra chữ những lời chửi tục hoặc nói tục, dù dưới hình thức rõ nghĩa hoặc viết tắt, viết tránh nhưng người đọc vẫn hiểu đó là lời chửi tục, nói tục. Chửi tục có khi là một phản ứng nhằm tự thỏa mãn sự bức xúc, tức giận hoặc sợ hãi, còn nói tục và viết tục phần nhiều chỉ là một thói quen thiếu kiểm soát hoặc để tỏ ra cho phù hợp với một hoàn cảnh, một đối tượng giao tiếp nào đó.

Cả chửi tục, nói tục, viết tục đều ít nhiều gắn với vấn đề tính dục, các hoạt động và sự vật có liên quan đến giới tính; một số trường hợp sử dụng những lời lẽ liên quan đến người trên trước cũng có thể coi là dung tục. Phổ biến nhất là những từ có liên quan đến hành vi tính giao và bộ phận sinh dục (cả nam và nữ), dĩ nhiên bằng những từ thô tục, tiếng lóng, chứ không phải dùng từ của sách vở, văn chương. Khi buộc phải viết ra, người ta hay viết tắt câu chửi thề thông dụng hoặc dùng một lối ẩn dụ. Bên cạnh đó, việc xúc phạm đến người trên trước của đối phương cũng là một hình thức chửi tục, mà trên mạng hiện nay, người ta hay viết tắt thành “cmn” (ở một trang từ điển tiếng Việt trên mạng, người ta giải thích: “Đây là một từ mang nghĩa thô tục trong tiếng Việt, một hình thức chửi thề, nhưng chỉ viết chữ cái đầu nên độ thô tục giảm bớt đi”).

Trên thực tế, với sự phát triển của mạng xã hội, chửi tục, nói tục đã “lây lan” sang môi trường mạng và hình thành nên lối viết tục khá phổ biến. Chẳng hạn, khi ai đó nói “Ngon vãi l..” thì hầu hết đều hiểu câu đó có nghĩa là “rất ngon”, thế nhưng nếu nói “rất ngon” thì quá bình thường, không “hợp với trào lưu”, không thể “hòa đồng” với mọi người, nên người ta chuyển sang dùng câu đó và lối nói đó thường được diễn đạt bằng hai ký tự “vl”. … Đáng nói là có sự “biến tấu” lạ lùng để chuyển từ “đ..” thành “không” hoặc thể hiện ý phủ định, ý phản đối.

Buồn lòng ở chỗ là nói tục, chửi tục, viết tục xảy ra không hiếm trong giới trẻ, cả học sinh, sinh viên và nhiều người vẫn xem nó là cách sử dụng ngôn từ và biểu thị một trạng thái cảm xúc khá bình thường, chứ không cho nó là tục. Và, khi các bạn trẻ này lớn lên, có thể vẫn giữ thói quen đó và biến những lời dung tục thành những lời bình thường và không cần giữ ý tứ nữa, hẳn chúng ta hình dung xã hội sẽ ra sao!

Chửi tục gần như là một “sản phẩm” của loài người, dù là dân tộc nào. Tất nhiên, mỗi dân tộc có “kiểu” chửi khác nhau. Nhưng gần như dân tộc nào cũng có lối chửi liên quan đến việc ám chỉ hành vi tính dục hoặc các biểu hiện giới tính. Năm 1970, Paul Cohen, một thanh niên Mỹ 19 tuổi, được triệu tập vào tòa án Los Angeles để làm chứng trong một vụ án. Thời điểm này, chiến tranh tại Việt Nam đang lên cao và thanh niên Mỹ đang bị động viên vào lính. Cohen mặc áo khoác có dòng chữ “FUCK THE DRAFT” (“đ.m. quân dịch”) và nhiều người trong tòa, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đã nhìn thấy dòng chữ này. Thế là anh ta bị bắt về tội gây rối trật tự công cộng… Dù đó là “chửi đổng” hoặc “nói tục vu vơ” (không nhắm vào cá nhân hay tổ chức nào cụ thể) nhưng vẫn là một hành vi phản văn hóa.

Dù có thể không phải trường hợp nào cũng xác định được thế nào là “tục” nhưng trong nhiều tình huống, người ta (người có ít nhiều có văn hóa) cảm thấy xấu hổ khi chửi một câu nào đó trước mặt phụ nữ hoặc trẻ em. Như vậy, yếu tố tục có khi không định lượng mà phải định tính, tức là, ta cảm giác, ta nhận biết câu đó, lời đó là một sự chửi bới có tính dung tục. Chửi tục có quan hệ rất gần với nói tục; người có thói quen nói tục thì cũng dễ chửi tục, viết tục.

Ở Hà Nội dạo nọ, người ta xem xét việc phạt người nói tục, chửi thề. Tất nhiên khó có thể ban hành một quy định như thế, vì không thể lập một “từ điển”, một “bảng liệt kê” những từ nào được cho là tục, nhưng điều đó thực sự có ý nghĩa tuyên truyền, nhắc nhở mọi người nên chú ý lời ăn tiếng nói, nhất là trước mặt con trẻ và quan tâm đến việc giáo dục trẻ tránh sa vào cách nói, cách viết dung tục.

Tại TPHCM, báo chí đã nhiều lần cảnh báo về hiện tượng tương tự, nhất là trong giới trẻ. Để không trở thành một thứ “dịch” đến độ phải đề xuất ra quy định thì các cơ quan, nhất là báo chí và nhà trường, phải tuyên truyền, nhắc nhở, động viên, bằng nhiều hình thức, trong đó phải thực sự quan tâm đến các tác phẩm văn nghệ... Ở nhà, người cha nói tục, chửi thề thì không tránh được việc trẻ em sẽ bắt chước. Ở trường, nghe học sinh nói tục mà giáo viên không nghiêm khắc nhắc nhở thì sẽ thành thói quen. Trên sân khấu, nhất là các chương trình tấu hài, các miếng đối đáp chửi qua lại đang không thể hiện được tính văn hóa, đồng thời, có thể khiến một số người bắt chước, và nhất là lối nói đó có thể sẽ trở thành bình thường khi được lặp lại mãi, thì không ai buồn lên án nữa…

Xây dựng nếp sống văn hóa đương nhiên có rất nhiều việc phải làm, cả vĩ mô lẫn vi mô. Tuy nhiên, có một điều có thể được xem là “rất vi mô” là nói tục, chửi tục, viết tục cũng cần được quan tâm khắc phục, uốn nắn để không trở thành thói quen, không trở nên phổ biến, có thể làm vẩn đục môi trường sống của nhiều người.

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo