Thực hiện có hiệu quả yêu cầu phát triển của văn học, nghệ thuật TPHCM
Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, qua 15 năm triển khai Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, được nâng lên, đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả yêu cầu phát triển của văn học, nghệ thuật TPHCM. Một trong những kết quả nổi bật là Cuộc vận động sáng tác, quảng bá, tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố về giá trị, tích cực của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội, góp phần tuyên truyền, cổ vũ khẳng định mục đích, ý nghĩa to lớn của việc học tập, và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp xây dựng, phát triển TPHCM. Đồng thời, nâng cao nền tảng đạo đức, văn hóa trong cán bộ, đảng viên và những người hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Kết quả đó, đã góp phần quan trọng làm cho thành phố ngày càng phát triển năng động sáng tạo, đem lại cho người dân, một đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú, đáp ứng nhu cầu phát triển thành phố trong thời kỳ mới.
Cùng với đó, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thành phố (Ban Tuyên giáo Thành ủy là Thường trực Hội đồng) đã từng bước phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động, đẩy mạnh công tác phê bình văn học, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin truyền thông đã góp phần tích cực cho văn học, nghệ thuật phát triển đúng hướng, đồng thời đấu tranh chống lại các quan điểm lệch lạc, sai trái trong hoạt động văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó, nhiều chương trình hội thảo, tọa đàm lý luận, phê bình được tổ chức với các đề tài phong phú giúp cán bộ làm công tác văn học và lực lượng văn nghệ sĩ có định hướng đúng đắn. Từ đó có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng giáo dục, phục vụ cho công chúng, được Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trao giải thưởng về văn học, nghệ thuật. Có thể nói, việc thành lập Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cấp thành phố là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Đối với việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về văn học, nghệ thuật, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết, công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật có nhiều đổi mới về cải cách hành chính, về thẩm định, duyệt, cấp phép cho hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày càng đi vào nề nếp. Song đó là xây dựng ngành công nghiệp văn hóa có tính nghệ thuật cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, tham mưu lĩnh vực văn học, nghệ thuật không ngừng được củng cố, kiện toàn, trình độ năng lực ngày càng được chuẩn hóa, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển văn học, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay.
Cùng với thường xuyên định hướng hoạt động sáng tác, biểu diễn, hoạt động văn học, nghệ thuật phát triển ổn định; thành phố đã “đặt hàng”, khuyến kích, văn nghệ sĩ tập trung sáng tác các tác phẩm về chủ đề truyền thống yêu nước, cách mạng của dân tộc, ngợi ca sự phát triển của thành phố, vinh danh những tấm gương tiêu biểu, những mô hình tiêu biểu, sáng tạo, tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại.
Thành phố cũng luôn tập trung, quan tâm, chăm lo đời sống cho lực lượng hoạt động văn học, nghệ thuật. Nhiều chuyến về nguồn do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật, các hội chuyên ngành tổ chức; các trại sáng tác đã góp phần tạo nguồn cảm xúc sáng tạo cho văn nghệ sĩ về đề tài truyền thống cách mạng, sự đổi mới, phát triển của thành phố và đất nước; nhiều tác phẩm hay có ý nghĩa được ra đời, khích lệ tinh thần văn nghệ sĩ hăng hái tham gia các hoạt động của hội. Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, mọi hoạt động kinh tế - xã hội phải tạm dừng, nhưng Liên hiệp và các hội văn học, nghệ thuật thành phố đã phát động trong hội viên, văn nghệ sĩ thành phố cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19 và tích cực sáng tác để cổ vũ lực lượng tuyến đầu, kêu gọi người dân chấp hành quy định phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều tác phẩm có giá trị đã được sáng tác vào đợt dịch cao điểm, góp phần kêu gọi toàn dân chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của dịch bệnh; tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và các chính sách, giải pháp hiệu quả của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, “Đội tình nguyện viên nghệ sĩ” với hơn 130 nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực tham gia hoạt động tình nguyện.
Đoàn Văn nghệ sĩ TPHCM làm lễ dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị.Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động văn học, nghệ thuật
Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, thời gian tới TPHCM tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo các tổ chức Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền thành phố, các ban ngành đoàn thể. Đồng thời khuyến khích tạo điều kiện đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố thâm nhập thực tế, tạo nguồn cảm hứng sáng tạo ra nhiều sản phẩm văn học, nghệ thuật thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, có giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật, có tác dụng sâu sắc trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của Nhân dân.
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy, Kế hoạch của UBND TPHCM về thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 với các công trình trọng điểm, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với mục tiêu “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Phát huy đặc trưng văn hóa, tính cách của con người thành phố luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình. Quy hoạch và phát triển các cơ sở văn hóa, các chương trình nghệ thuật thường niên gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố, là nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố mang tên Bác”.
Tham luận cũng nhấn mạnh đến tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật của TPHCM phát triển ngang tầm với vị trí là một trung tâm của cả nước; xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, gắn với tiếp thu cái mới. Đồng thời quản lý, chế tài ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trong sáng tác, truyền bá sản phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung, tư tưởng, nghệ thuật thiếu tính định hướng, ảnh hưởng xấu đến xã hội. Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ có phẩm chất chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng giàu tính sáng tạo, có tinh thần yêu nước, gắn bó với Nhân dân, với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố. Đa dạng hóa các loại hình văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của nền văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Cùng với đó là đổi mới, đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, tìm tòi thể nghiệm nhằm nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động văn học, nghệ thuật. Củng cố phát triển văn học, nghệ thuật truyền thống mang nét đặc trưng tiêu biểu của dân tộc, của vùng Nam bộ. Phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp gắn liền thực tiễn đời sống xã hội góp phần định hướng, hoạt động văn học, nghệ thuật thành phố, định hướng thẩm mĩ cho công chúng; gợi mở thúc đẩy sáng tạo nhiều kênh tiếp cận, cảm thụ tác phẩm văn học, nghệ thuật; củng cố, đào tạo lực lượng làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Tiết mục Hát chèo, Quan họ Bắc Ninh trong ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2022)TPHCM tiếp tục đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các công trình nghiên cứu văn học, nghệ thuật, các cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phát huy vai trò của Đảng đoàn Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật và 9 hội chuyên ngành, xây dựng tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng ở các đoàn nghệ thuật thành phố trong sạch, vững mạnh; giáo dục chính trị, tư tưởng, thẩm mĩ cho văn nghệ sĩ; quan tâm bồi dưỡng, kết nạp vào Đoàn, kết nạp vào Đảng những văn nghệ sĩ trẻ tuổi, yêu nghề, có lý tưởng cao đẹp. Song song đó là phát triển phong trào văn hóa, văn học, nghệ thuật quần chúng, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức thẩm mỹ của công chúng trong hưởng thụ văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ; phát huy mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm, văn học, nghệ thuật có giá trị nội dung, tư tưởng, có tính định hướng thẩm mĩ đến với công chúng.
Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, văn học, nghệ thuật TPHCM không chỉ có vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội ở thành phố và cả nước, mà còn trong việc phát triển chiến lược văn hóa của dân tộc Việt Nam trước dòng chảy toàn cầu hóa, hiện đại hóa. Là một trung tâm lớn của cả nước về kinh tế - văn hóa, TPHCM có vai trò, trách nhiệm tiếp tục phát triển văn học, nghệ thuật một cách toàn diện, phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới của đất nước.