Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xây dựng đại học tinh hoa: Con đường khó khăn nhưng vẫn phải đi

Thầy và trò ngày càng được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm giáo dục sáng tạo

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 15/1/2020, Trường Đại học VinUni đã chính thức khánh thành tại đại đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội), sẵn sàng chào đón các sinh viên đầu tiên của niên khóa 2020 - 2021. Đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam công bố sẽ là trường đại học tinh hoa và tư thục phi lợi nhuận. Liệu việc xây dựng một đại học tinh hoa có thành công ở Việt Nam, vẫn là một mong chờ phía trước.

Đại học tinh hoa: một khái niệm còn khá mới mẻ với Việt Nam

Sự ra đời của Trường Đại học VinUi được chú ý bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, đó là trường đại học của Tập đoàn Vingroup – một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước ta. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định thành lập Trường Đại học VinUni (VinUni) vào ngày 17/12/2019 với tổng đầu tư lên tới 6.500 tỷ đồng từ Tập đoàn này. Trong đó, 3.500 tỷ đồng chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và 3.000 tỷ đồng dành để cấp học bổng tài năng, hỗ trợ tài chính cho sinh viên cũng như bù lỗ vận hành cho 10 năm đầu tiên. Với tiềm lực của mình, sau 14 tháng triển khai thần tốc, Trường VinUni đã hoàn thiện xong trên tổng diện tích 23 ha, hệ thống cơ sở vật chất được xây dựng theo các tiêu chuẩn QS 5 sao của Quacquarelli Symonds - tổ chức kiểm định giáo dục hàng đầu thế giới. Kiến trúc trường, cảnh quan và nội thất do các công ty thiết kế danh tiếng hàng đầu thế giới đảm nhiệm khi hình thành ra mắt đã mang tới sự “choáng ngợp” cho không ít nhiều người. Có thể nói, đó là trường đại học Việt Nam có dáng vẻ “diễm lệ” nhất hiện nay.

Thứ hai, đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam công bố sẽ là trường đại học tinh hoa và tư thục phi lợi nhuận. Ngay từ khi công bố chủ trương đầu tư, VinUni đã nói rõ là sẽ theo mô hình đại học tinh hoa, đào tạo và phát triển nhân tài cho tương lai. Mục tiêu của VinUni là trở thành một trong 50 trường đại học trẻ hàng đầu thế giới. Vì vậy, ngay từ khi khởi sự, VinUni đã hợp tác chặt chẽ với hai trường Đại học tinh hoa hàng đầu thế giới là Đại học Cornell và Đại học Pennsylvania. Hai đối tác chiến lược thuộc nhóm Ivy League (Mỹ), thuộc Top 20 Đại học hàng đầu thế giới - Cornell và Penn đã tham gia toàn diện vào VinUni từ quản trị, phát triển chương trình cho đến tuyển dụng, tuyển sinh và kiểm định chất lượng.

Có thể nói, đại học tinh hoa là một khái niệm còn khá mới mẻ đối với giáo dục đại học Việt Nam, dù nó đã khá quen thuộc trên thế giới. Các trường đại học tinh hoa trên thế giới thường là các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực tinh hoa dồi dào, có trình độ cao, kỹ năng tốt, có năng lực hành động và khát vọng cống hiến hết mình. Các nhân tài được đào tạo từ đây không chỉ được kỳ vọng phát triển tối đa tiềm năng của bản thân mà còn đóng góp cho sự thịnh vượng của xã hội và tác động tích cực tới nền kinh tế tri thức của quốc gia và toàn cầu. Các nước phát triển trên thế giới đều quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển các trường đại học trở thành các trung tâm đào tạo tinh hoa, nghiên cứu trình độ cao và thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp. Đơn cử như các trường đại học thuộc nhóm IVY League của Mỹ, Nhóm các trường C9 thuộc top các trường đại học của Trung Quốc, nhóm 5 trường đứng đầu Hàn Quốc...

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các trường đại học tinh hoa, đẳng cấp thế giới đặc trưng bởi 3 yếu tốt cốt lõi: thu hút được nhiều tài năng (gồm giảng viên, sinh viên, nhà nghiên cứu); dồi dào về nguồn lực đầu tư; mô hình quản trị đại học hiện đại (tự do học thuật, văn hóa đề cao sáng tạo...). Điều này, chưa một trường đại học nào ở Việt Nam dám công bố sứ mệnh này. Vậy thì Đại học VinUni, với sự non trẻ của mình, có làm được điều đó? Với hành lang pháp lý của giáo dục đại học của chúng ta hiện nay, liệu Việt Nam có xây dựng được đại học tinh hoa? Đó là câu hỏi mà bất cứ ai quan tâm đến giáo dục Việt Nam đều chờ được trả lời?

Con đường nhất định phải đi

Những năm gần đây Nhà nước đã khuyến khích các thành phần đầu tư cho giáo dục, khoa học. Hiện đã có 25% số trường là tư thục dân lập, trong đó có khoảng 10 trường đại học tư thục được đầu tư quy mô lớn, có cơ sở vật chất hiện đại hơn nhiều so các trường công. Đặc biệt trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã thành công trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác đã dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đại học và nghiên cứu khoa học, trong đó có việc xây dựng các trường đại học. Nhiều chuyên gia cho rằng, nhà nước sẽ rất có ít khả năng bỏ kinh phí xây dựng thêm các trường đại học lớn, bởi nguồn lực đất nước có hạn, mà Chính phủ mong tinh thần, trách nhiệm đầu tư của các doanh nghiệp được nhân rộng. “Chúng ta sẽ có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia vào đầu tư cho khoa học, giáo dục. Đó không chỉ tốt cho công việc của doanh nghiệp mình mà còn là trách nhiệm với xã hội, với tương lai đất nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng hy vọng Việt Nam sẽ có đại học tinh hoa để đào tạo ra những nhân lực tinh hoa. Bởi thực tế, đầu tư cho khoa học giáo dục là tầm nhìn sáng suốt của tất cả mọi quốc gia, và mỗi quốc gia đều cần thể hiện tầm nhìn đó bằng hành động. Kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học một số nước trong khu vực như Malaysia hay Hàn Quốc, những nước có hơn 70% cơ sở giáo dục đại học là tư thục, cho thấy nếu Chính phủ có chính sách đúng đắn phát huy sự tham gia của các doanh nghiệp, xã hội vào giáo dục đại học thì chỉ trong khoảng hơn 2 thập kỷ, có thể xây dựng được các trường đại học tư thục đứng trong bảng xếp hạng top 50 của khu vực và thế giới.

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều hạn chế, việc một số tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư có chiến lược đầu tư và khát vọng phát triển các trường đại học đạt trình độ quốc tế cần được khuyến khích và tạo điều kiện. Đây là một xu hướng phù hợp với chủ trương tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, xã hội vào sự phát triển của giáo dục đại học. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 99 hướng dẫn một số điều của Luật được ban hành gần đây là một bước đột phá về chính sách trong tạo môi trường pháp lý bình đẳng, rõ ràng, minh bạch cho sự phát triển của các trường đại học tư thục, đặc biệt là các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận.

Vấn đề còn lại là các trường đại học sẽ chuẩn bị điều kiện mở ngành, tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học như thế nào để đạt tới mục tiêu là đại học tinh hoa như đã công bố với xã hội. Họ sẽ phải biến cam kết, khát vọng thành hiện thực để tạo dựng được lòng tin của xã hội. TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, để một trường đại học đào tạo ra những người có khả năng dẫn dắt xã hội thì phải có tài chính, quản trị, giảng viên tốt, tìm được sinh viên tốt. Nhưng quan trọng hơn cả là vấn đề thể chế. Chính phủ sẽ phải có các cơ chế chính sách thí điểm, đột phá để cho các trường đại học tinh hoa phát triển, không thể để các trường “tự bơi”.

Con đường xây dựng đại học tinh hoa của Việt Nam, dù còn nhiều khó khăn, chông gai, nhưng nhất định phải đi, dù là đại học tư thục hay đại học công lập. Bởi, chỉ xây dựng được đại học tinh hoa, xây dựng được những trường đại học đẳng cấp quốc tế, thì chúng ta mới có được nguồn nhân lực chất lượng cao, những trí tuệ giúp mang lại đột phá cho quốc gia trong tương lai.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo