Thứ Năm, ngày 10 tháng 7 năm 2025

Xây dựng 7 kịch bản về y tế trong phòng chống dịch Covid-19

Các đại biểu tham dự tại cuộc họp.

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 19/11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM đã họp báo về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP. Đồng chí Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch TP chủ trì buổi họp báo.

Củng cố lại hệ thống y tế

Thông tin tại buổi họp báo, Phó trưởng Ban Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 17/11, có 451.696 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố. Hiện đang điều trị 12.935 bệnh nhân, trong đó có 636 trẻ em dưới 16 tuổi, 302 bệnh nhân nặng đang thở máy, 9 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 17/11, có 1.447 bệnh nhân nhập viện, 1.076 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 266.410), 42 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 17.305).

Trước phản ánh về một số trường hợp là F0 không được chăm sóc tốt, gọi điện thoại nhưng nhân viên y tế không nghe máy, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, Sở Y tế đã có công văn chấn chỉnh đối với các đơn vị trực thuộc. Ngoài việc chấn chỉnh đối với một số đối tượng trong hệ thống y tế, Sở cũng đã củng cố lại các lực lượng để hỗ trợ. Cụ thể, vừa rồi Sở Y tế TP đã kích hoạt lại hệ thống mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”; duy trì hoạt động tổng đài 1022 nhánh số 3, số 4 để hỗ trợ, tư vấn  cho người dân.

Về khái niệm bệnh viện “xanh”, Sở Y tế đã có buổi làm việc với giám đốc các bệnh viện trên địa bàn TP và đã có chỉ đạo. Theo đó, hiện nay, bệnh viện “xanh” không phải là bệnh viện không Covid mà bệnh viện “xanh” trên địa bàn TP được xác định là bệnh viện có những quy trình an toàn, xử lý an toàn, có thể tiếp nhận, thu dung, điều trị đối với những người bệnh có khả năng bị nhiễm Covid đến bệnh viện khám. Đồng thời xử lý tốt, cách ly, thu dung tốt, không để lây nhiễm cho các khoa khác.

Trả lời về ngưỡng đáp ứng của y tế TP đối với dịch Covid-19, Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện nay với mục tiêu chung của TP là cần đáp ứng, duy trì, bảo vệ thành quả đã đạt được trong công tác phòng chống dịch thời gian qua. Mục tiêu phải kéo giảm được các ca nhập viện, ca tử vong và củng cố lại hệ thống y tế. Với tinh thần đó, Sở Y tế cùng với các sở ngành bàn các giải pháp và xây dựng từng kịch bản cụ thể. Theo đó, đối với hai lực lượng nhân sự cần thiết để đáp ứng kịp thời khi có sự cố F0 tăng nhanh thì hiện nay TP có trên 9.100 bác sĩ  và trên 19.600 điều dưỡng. Lực lượng này đã được cọ xát rất tốt trong thời gian chống dịch đợt 4 vừa qua, đã nhuần nhuyễn để có thể xử lý được mọi tình huống. Với số giường bệnh, giường oxy và ICU thì khả năng đáp ứng có thể tiếp nhận, điều trị trên 120.000 F0 tại cùng thời điểm. Sở Y tế đã xây dựng 7 kịch bản đáp ứng được cho từng số lượng F0.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Thị Kim Ngọc phát biểu tại buổi họp báo. Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Thị Kim Ngọc phát biểu tại buổi họp báo.

Mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết

Trao đổi về việc TP cho phép quán ăn bán đồ uống có cồn theo các cấp độ dịch, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, ngày 16/11 UBND TP đã ban hành văn bản số 3818. Trên tinh thần công văn này đã có những rút kinh nghiệm qua việc thí điểm bán đồ uống có cồn tại Quận 7 và TP Thủ Đức. Sau đó, cho tổ chức thí điểm kinh doanh tại chỗ cho bán đồ uống có cồn tại quán ăn và được phân ra ở các cấp độ. Việc kiểm tra giám sát sẽ được giao cho các quận huyện, TP Thủ Đức và sẽ thí điểm nội dung này từ ngày 16/11. Sau đó, Sở sẽ có tổng hợp và báo cáo UBND TP.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường, spa, massage, quán bar sau hai ngày cho phép mở lại có điều kiện, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP cho biết, quan điểm của TPHCM là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Tuy nhiên, chúng ta đang sống và làm việc trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường nên nguyên tắc đặt ra là an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn. Vì vậy, Quyết định số 3900 của UBND TP ban hành ngày 16/11 đã tạo điều kiện tốt cho người dân, doanh nghiệp, nhưng căn cứ vào tình hình diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ của dịch bệnh, đặc biệt trong những ngày qua nên UBND thành phố có quyết định dừng hoạt động các dịch vụ trên.

Đồng chí Phạm Đức Hải phân tích thêm về những nguy cơ tiềm ẩn trên địa bàn. Trong đó, số ca mắc mới mỗi ngày vẫn còn cao, có ngày 1.000, có ngày 1.200 thậm chí trên 1.400 ca. Số bệnh nhân nặng thở máy vẫn ở mức cao và ngày càng tăng. Ngoài ra, số ca nhập viện thời gian gần đây luôn cao hơn số ca xuất viện, khác với những ngày trong tháng 10. Một trong những con số đáng lo ngại khác đó là số ca tử vong chưa giảm, thậm chí còn tăng. Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy còn nhiều người chưa thực hiện nghiêm về quy định 5K, ra đường vẫn không đeo khẩu trang, tụ tập, giữ khoảng cách không đúng, việc khử trùng ít có đơn vị thực hiện tốt. Từ những điều đó cho thấy TP cần có những giải pháp phù hợp. “TP mong người dân, doanh nghiệp chia sẻ, đồng cảm, đồng thuận với những quyết định khó khăn này, với mục đích là bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết cũng như bảo vệ thành quả phòng chống dịch vừa qua” - Đồng chí Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo