Thứ Bảy, ngày 12 tháng 7 năm 2025

Xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi): 50 năm kiên cường chiến đấu, phát triển

Đường xá nhà cửa ở Thái Mỹ đã sạch đẹp, khang trang hơn

(Thanhuytphcm.vn) - Dấu vết chiến tranh có lẽ đã chôn vùi rất lâu trong ký ức của người dân xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Lịch sử đáng tự hào của vùng đất anh hùng là điểm tựa đi lên. Quá khứ đã bồi đắp rất nhiều cho sự đổi mới hôm nay. Từ địa phương còn nghèo và bị tổn thất nặng nề sau chiến tranh, bằng sức người, sức của cùng sự đồng thuận của ý Đảng, lòng dân, xã Thái Mỹ từng bước chuyển mình trở nên ngày càng giàu đẹp.

Còn mãi với thời gian

Để chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Củ Chi – với vai trò là hậu phương lớn – được giao nhiệm vụ mở đường, phá một số đồn bót cho quân chủ lực thọc sâu vào nội thành. Bên cạnh việc tổ chức lại và tăng cường sức chiến đấu cho các đơn vị võ trang, Củ Chi còn chuẩn bị lương thực, dân công cho chiến dịch, kết hợp với võ trang mật tấn công thị trấn Củ Chi.

Xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi trong thời kháng chiến chống Mỹ là căn cứ “bàn đạp” của ta, để từ đó xâm nhập xuống vùng ven và vào nội đô Sài Gòn. Đây cũng là căn cứ chuyển giao vũ khí cho trận đánh Tết Mậu Thân. Vũ khí chuyển từ vùng giải phóng về xã Thái Mỹ được các cơ sở ngụy trang chuyển ra suối Sâu để lực lượng bảo đảm tiếp nhận chuyển vào Sài Gòn cho Biệt động thành trong sự kiểm soát dày đặc, chặt chẽ của địch.

Chuyện anh em gia đình ông Dương Văn Đây, Dương Văn Ten dùng xe bò chở vũ khí được giấu trong cần xé hàng bông, giỏ trúc, tủ thờ… chuyển cho Biệt động thành tấn công Tòa Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập trong trận Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã trở thành một huyền thoại của cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam chống xâm lược, giải phóng đất nước.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã đi vào lịch sử dân tộc, như một bản anh hùng ca sáng chói. Người dân Thái Mỹ nói riêng và Củ Chi nói chung không thể quên hình ảnh và tinh thần chiến đấu kiên cường của những người con trên quê hương Củ Chi. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, với phương châm Đảng bám dân, dân bám đất, lực lượng võ trang bám thắt lưng địch mà đánh và bằng thế trận lòng dân, dân quân du kích vừa sản xuất, vừa chiến đấu dũng cảm, cùng nhân dân miền Nam và cả nước tiến tới ngày toàn thắng, thống nhất đất nước.

Quân dân Thái Mỹ chiến đấu 9.300 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 1.235 tên địch, phá hủy 54 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi và bắn hỏng 38 máy bay. Đảng bộ xã Thái Mỹ liên tục vận động nhân dân đấu tranh chính trị, huy động trên 10.000 người tổ chức trên 300 cuộc đấu tranh với địch.

Ngược lại, vùng đất Thái Mỹ đã bị giặc càn quét, bắn phá. Hàng trăm tấn bom đạn đã dội xuống mảnh đất này; hàng trăm căn nhà bị thiêu hủy, vật nuôi, vườn tược bị tàn phá tan hoang.

Qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Thái Mỹ đã hiến dâng 483 người con cho Tổ quốc; trên một trăm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh một phần thân thể và 106 Bà mẹ được công nhận Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Quyết tâm kiến thiết lại quê nhà

Những ngày mới giải phóng, Thái Mỹ ngổn ngang trăm bề, khó khăn. Ruộng đất ở ấp Bình Hạ, Bình Thượng, ấp Tháp hoang hóa, bạc màu, khô cằn. Dưới lòng đất nhiều mìn, lựu đạn, chưa được tháo gỡ. Trong 2 năm đầu thực hiện chiến dịch “Trả lại màu xanh cho quê hương”, 4.000 quả mìn trên đất Thái Mỹ đã được tháo gỡ, trả lại 820 ha đất để bà con đưa vào sản xuất chống đói.

Năm 1976, lúa trồng chỉ đạt 1 - 1,2 tấn/ha; diện tích trồng trọt chỉ mới thực hiện 700 ha, chiếm 30% diện tích đất tự nhiên của xã. Từ một xã nghèo nhất của huyện Củ Chi, xã Thái Mỹ quyết tâm xây dựng và kiến thiết lại quê hương.

Thái Mỹ xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất tiểu thủ công nghiệp mũi nhọn là hàng đan đát tre trúc. Từ đó, nhiều chính sách hỗ trợ vốn về sản xuất, xóa đói giảm nghèo được thực hiện. Trong nông nghiệp, những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; nhiều loại giống tốt và quy trình canh tác đạt hiệu quả cao được hướng dẫn cho bà con. Chính quyền đã vận động người nông dân đưa vào trồng trọt, chăn nuôi những mô hình cây, con cho giá trị kinh tế cao. Trong ngành nghề thủ công, xã đã thành lập tổ hợp tác, xây dựng quan hệ liên kết giải quyết các mặt hàng đan đát truyền thống, mây tre, ký hợp tác xuất khẩu và giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động tại địa phương.

Việc xây dựng hạ tầng cơ sở sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế của xã. Thấy được điều đó, bằng sự đầu tư của thành phố, huyện cùng với tinh thần tự lực cao của Đảng bộ và nhân dân xã theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã tập trung phát triển mạng lưới điện, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và thủy lợi.

Trên bước đường đổi mới, xã Thái Mỹ xác định mục tiêu khá quan trọng là tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ; phát huy vai trò quản lý Nhà nước trên các mặt đời sống xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhằm huy động các nguồn lực của xã hội phục vụ cho công cuộc xây dựng quê hương.

Xã Thái Mỹ nhận cờ thi đua xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Bộ Công an năm 2014. Xã Thái Mỹ nhận cờ thi đua xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Bộ Công an năm 2014.

Niềm vui từ sự đổi thay

Xe chạy băng băng trên đường nhựa vào Thái Mỹ. Đến Thái Mỹ ngày nay ai cũng nghĩ đây là một thị tứ. Ấp liền ấp, xã liền xã bằng những con đường được mở rộng, hiện đại hóa bằng bê tông hoặc trải nhựa sạch sẽ. Nằm dọc theo con lộ thông thoáng của ấp là những căn nhà tường, rộng rãi, hiện đại và có cả những ngôi biệt thự lớn với dãy hàng rào cây xanh, hoa kiểng. Đó là hình ảnh nông thôn hôm nay và trong tương lai còn đẹp giàu hơn nữa…

Với những chính sách được đề ra, với sự quyết tâm kiến thiết, xây dựng lại quê hương cộng với Thái Mỹ được chọn thực hiện thí điểm mô hình xã nông thôn mới (2010 – 2012) như làn gió mới làm cho quê hương Thái Mỹ bắt đầu đổi thay.

Thái Mỹ là một trong những xã điển hình của huyện trong việc huy động sức dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Có 1.296 hộ dân đã tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc với gần 106 tỷ đồng; góp phần mở rộng, nâng cấp nhựa hóa, cấp phối sỏi đỏ 49 tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; nâng cấp sửa chữa 66 công trình bê-tông hóa kênh tưới, đáp ứng nhu cầu sản xuất, giao thương hàng hóa.

Cùng với các địa phương trong huyện, Thái Mỹ đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyển đổi vật nuôi - cây trồng, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Nhiều cách làm hay trong các mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao được triển khai đến người dân. Nhờ đó, nhiều người dân xã Thái Mỹ đã thành công với những mô hình sản xuất hiệu quả, tiếp cận với khoa học - công nghệ, đưa máy móc hiện đại vào phục vụ sản xuất.

Như ở cơ sở sản xuất đan giỏ trạt xuất khẩu của bà Lê Thị Huých, hàng chục thiết bị trị giá 5 - 10 triệu đồng đang “bung” hết công suất sản xuất. Sản phẩm của cơ sở được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Đài Loan, Singapore, giải quyết việc làm thường xuyên cho 40 lao động (thu nhập 5 triệu đồng/lao động/tháng) và 800 hộ làm việc thời vụ (chủ yếu là nông dân trên địa bàn xã).

Hay như mô hình trồng bắp cho sản lượng 10 tấn/ha, doanh thu hơn 200 triệu đồng/năm, đồng thời sản xuất lúa 2 vụ/năm của nông dân sản xuất giỏi Trần Văn Út,… Và còn nhiều nhà vườn chuyên canh về trồng rau sạch, trồng hoa lan, cá kiểng,… hàng năm cũng cho thu nhâp ổn định.

Hiện nay, mức thu nhập trung bình của mỗi người dân xã Thái Mỹ đạt 32 triệu đồng/người/năm. Riêng những hộ trong chuẩn nghèo, xã xây dựng những phương án giảm nghèo cụ thể cho từng hộ; tạo điều kiện cho các hộ này tiếp cận nhiều nguồn vốn, cung cấp cây con giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nâng cao thu nhập thoát nghèo bền vững. Toàn xã hiện còn 231 hộ nghèo, chiếm 6,43% tổng hộ dân và đến năm 2020, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1%.

Trong thời bình, chính quyền và nhân dân xã cùng chung tay chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo trên địa bàn. Năm 2000, nhà ngói chiếm 70% số nhà toàn xã; năm 2003, Thái Mỹ đã xóa hết nhà tranh tre. Đến nay, có 252 căn nhà tình nghĩa, 549 căn nhà tình thương được xây dựng, giúp cho người dân xã Thái Mỹ an cư lạc nghiệp.

Những kết quả đó chưa thể nói hết sự phát triển vượt bậc nhưng đã cho thấy, Thái Mỹ hôm nay đã mang một diện mạo mới, một sức sống mới ở vùng quê cách mạng với những bước chuyển mình mạnh mẽ. Với sự hỗ trợ của Trung ương, Thành phố, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy Củ Chi, sự giúp đỡ đầy tình nghĩa của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Thái Mỹ sẽ kế thừa, phát huy truyền thống của các bậc cha anh, tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xã Thái Mỹ có diện tích tự nhiên 2.414ha, với 13.158 nhân khẩu. Đảng bộ có 241 đảng viên. Thái Mỹ là một trong những Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh (từ năm 2008 đến nay); được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3 trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Huân chương Lao động hạng nhì trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Kiều Ngân


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo