Thứ Hai, ngày 14 tháng 7 năm 2025

Vở diễn Câu hò đất mẹ: làm kịch cách mạng cho người trẻ

Vở kịch Câu hò đất mẹ khai thác đề tài về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bí thư Thành ủy đầu tiên của TPHCM Nguyễn Thị Minh Khai.

(Thanhuytphcm.vn) - Nhiều năm qua, đề tài chiến tranh cách mạng luôn là thử thách đối với người làm sân khấu, càng khó hơn khi đưa những tượng đài lịch sử sống lại và đến gần công chúng hôm nay. Ê-kíp thực hiện vở diễn Câu hò đất mẹ đã chấp nhận thử thách khi tái hiện hình tượng người nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Thị Minh Khai, Bí thư Thành ủy đầu tiên của TPHCM, trên sân khấu kịch.

Tác phẩm do Trường Đại học Văn hóa TPHCM phối hợp Công ty tổ chức biểu diễn Phiêu Linh thực hiện này sẽ tham dự Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc (đợt 2) diễn ra tại TPHCM trong tháng 1/2022.

Thực tế, câu chuyện cuộc đời hoạt động cách mạng và tình yêu tuyệt đẹp của hai người đồng chí, hai người cộng sản chân chính, cũng là đôi vợ chồng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai là chất liệu không hề mới của giới nghệ thuật khi đã từng có những tác phẩm điện ảnh, cải lương và kịch nói khai thác nhiều lần trước đây. Th.S - đạo diễn Hoàng Duẩn, người đứng mũi chịu sào cho vở diễn, ắt hẳn phải hiểu rất rõ điều này và anh đã nỗ lực để có được một tác phẩm thực sự mới, không ở tình tiết, sự kiện – người biên kịch, đạo diễn có sáng tạo đến đâu không thể vượt ngoài vòng sử liệu đã quá quen thuộc – mà chính ở phong cách.

“Kịch cách mạng không cứ phải là “đao to búa lớn”, tôi muốn dựng kịch cách mạng thật trẻ và đời để chính các bạn trẻ có thể thấy được chính mình trong những tấm gương của người đi trước”, đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ. Với đối tượng khán giả chủ đạo là sinh viên mà các sinh viên Đại học Văn hóa TPHCM, nơi Th.S Hoàng Duẩn đang giảng dạy, tham gia vào chính vở kịch và cũng là những khán giả đầu tiên thì cảm nhận, góc nhìn của những người trẻ về lịch sử đã tạo cảm hứng rất lớn cho Hoàng Duẩn.

Mạch kịch được khai thác từ những tình cảm thiêng liêng, sâu lắng và cả lãng mạn nhất trong mỗi con người. Nguyễn Thị Minh Khai bị tòa án thực dân Pháp kết án tử hình khi vừa 31 tuổi. Trước giờ thi hành án tử, lắng lòng, chị nhớ quê hương; nhớ bậc sinh thành; nhớ đứa con bé bỏng chỉ một tháng tuổi đã phải rời bầu sữa để mẹ đi làm cách mạng; nhớ  chồng, người đồng chí, người chỉ huy – anh Lê Hồng Phong – với tình yêu thương đôi lứa quyện hòa với tình yêu đất nước, quê hương; nhớ những người đồng đội vì lý tưởng cách mạng đã cùng sẻ chia gian khổ, hy sinh…

Ê-kíp vở diễn Câu hò đất mẹ đến dâng hương tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Khu tưởng niệm Liệt sĩ Ngã ba Giồng – nơi Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều chiến sĩ kiên trung của Đảng ta bị thực dân Pháp xử bắn. Ê-kíp vở diễn Câu hò đất mẹ đến dâng hương tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Khu tưởng niệm Liệt sĩ Ngã ba Giồng – nơi Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều chiến sĩ kiên trung của Đảng ta bị thực dân Pháp xử bắn.

Những tình cảm riêng - chung của người chiến sĩ cộng sản cũng là của một người con, người vợ, người mẹ, người phụ nữ, người dân khát khao độc lập cho quê hương hòa quyện nên những cảm xúc giản dị, chân thật, sâu sắc mà cũng rất đỗi hào hùng. Vì những tình cảm thiêng liêng đó mà Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai son sắt một niềm tin vào Đảng, trước họng súng quân thù vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu tin vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng.

Thời nào cũng có những người trẻ và những người trẻ yêu nước bằng cách này hay cách khác. Ở đây, một ê-kíp sáng tạo trẻ đã thể hiện tấm lòng của mình với đất nước, với tiền nhân khi cùng nhau kể về câu chuyện tuổi trẻ của những người đi trước. “Dù là những anh hùng hiên ngang bất khuất trước quân thù thì họ vẫn có một thời tuổi trẻ biết yêu, biết sống hết mình cho lý tưởng và đó là mạch nối đồng điệu với giới trẻ hôm nay – một thế hệ cởi mở, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm mong muốn đưa hình ảnh đất nước vươn xa”, đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ.

Vở kịch Câu hò đất mẹ (kịch bản: Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn: Hoàng Duẩn) có sự tham gia của các diễn viên: Bảo Trí, Như Huỳnh, Võ Tấn Phát, Cẩm Linh, Mai Dũng, Kim Tuyết, Hoàng Trịnh này cũng là tác phẩm được thực hiện nhằm hưởng ứng cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chủ đề “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Vở diễn dự kiến ra mắt khán giả, cũng là đêm diễn dự thi Liên hoan kịch nói toàn quốc (đợt 2), vào ngày 9/1 cũng nhằm kỷ niệm Ngày Học sinh - Sinh viên Việt Nam.

Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, vở diễn sẽ đến với rộng rãi học sinh, sinh viên và khán giả TPHCM.

Minh Khang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo