Vở cải lương thể nghiệm Nhật thực truyền tải nhiều thông điệp về việc giữ gìn nghệ thuật dân tộc. (Thanhuytphcm.vn) - Trở lại hoạt động sau thời gian tạm dừng vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sân khấu nhỏ Sen Việt của “ông bầu” Lê Nguyên Đạt nhận được tín hiệu khá tích cực khi lượng khán giả vẫn đến ổn định. Đặc biệt, suất diễn tối 13/3 với vở cải lương thể nghiệm Nhật thực (kịch bản: Lê Duy Hạnh, chuyển thể cải lương: Nguyên Phương, đạo diễn: Nguyên Đạt) đã đón những vị khách từ Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc.
Nhật thực là vở cải lương thể nghiệm đã gây tiếng vang tại Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế 2019 (Hà Nội). Vở diễn như tuyên ngôn của người nghệ sĩ cải lương đối với việc trân trọng giữ gìn những giá trị bất biến của loại hình nghệ thuật đặc sắc này của dân tộc. Vở diễn đã thành công trong việc giới thiệu với bạn bè quốc tế những nét đặc trưng nhất của nghệ thuật cải lương, dù ngôn ngữ bất đồng, đó là âm nhạc cải lương da diết, sâu lắng mà cũng rộng mở như tâm hồn người phương Nam, là những trình thức vũ đạo đẹp mắt và sự cuốn hút trong phong cách biểu diễn của người nghệ sĩ. Với 90 phút một mình làm chủ sân khấu biến hóa qua các nhân vật: người nghệ sĩ trẻ - nhà vua - trung thần - gian thần, NSƯT Lê Trung Thảo đã xuất sắc nhận chiếc huy chương vàng cá nhân tại Liên hoan.
Có mặt tại đêm diễn, một khán giả đã bày tỏ mình đã xem vở diễn đến 4 lần, có cả lần bay ra Hà Nội đồng hành cùng các nghệ sĩ tại Liên hoàn Sân khấu thể nghiệm quốc tế, vì cảm nhận sâu sắc thông điệp giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như xúc động trước sự lao động nghệ thuật miệt mài của người nghệ sĩ.
Riêng những người bạn Hàn Quốc cho biết lần đầu được xem và tìm hiểu về nghệ thuật cải lương của Việt Nam cảm thấy rất cuốn hút. Dù không hiểu được lời ca nhưng cả âm nhạc và vũ đạo, diễn xuất của nghệ sĩ đều rất ấn tượng, vẫn có thể hiểu được thông điệp vở diễn muốn truyền tải.
Đạo diễn Nguyên Đạt cho biết Sân khấu nhỏ Sen Việt hướng đến việc không chỉ gầy dựng thêm một điểm diễn cho nghệ thuật cải lương mà còn tập trung cho các tác phẩm thử nghiệm, tìm tòi cái mới cho sân khấu cũng như các hoạt động giao lưu gắn kết với khán giả, nhất là giúp khán giả trẻ tiếp cận và tìm hiểu thêm về nghệ thuật dân tộc và cả điểm giao lưu văn hóa, giới thiệu văn hóa Việt Nam cho du khách. “Hiện Sen Việt vẫn đang trên con đường mày mò, đi từng bước chậm rãi cho mục tiêu mình đặt ra, mong rằng tiếp tục nhận được sự ủng hộ của khán giả vì vị trí xứng đáng của nghệ thuật cải lương trong nền văn hóa dân tộc”, đạo diễn Nguyên Đạt chia sẻ.
Vở cải lương thể nghiệm Nhật thực vẫn được diễn mỗi cuối tuần tại Sân khấu Sen Việt và có kế hoạch lưu diễn các trường học và các tỉnh thành trong thời gian tới.