Thứ Tư, ngày 15 tháng 1 năm 2025

Vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga trở lại sau 30 năm

Cảnh trong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga. (Ảnh: Quốc Thanh)

(Thanhuytphcm.vn) - Tối 6/5, suất diễn đầu tiên của bản dựng mới vở cải lương kinh điển Thái hậu Dương Vân Nga (kịch bản: Hoa Phượng - Chi Lăng chuyển thể cải lương từ kịch bản chèo của Trúc Đường, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) đã ra mắt công chúng tại Nhà hát Bến Thành (Quận 1). Công trình chào mừng 100 năm ra đời sân khấu cải lương (1918 – 2018) do NSƯT Hoa Hạ và các cộng sự thực hiện này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả.

Ấn tượng mới

Trong lịch sử 100 năm sân khấu cải lương, Thái hậu Dương Vân Nga là một trường hợp đặc biệt khi không chỉ là tác phẩm sân khấu kinh điển thể hiện những vẻ đẹp chuẩn mực của nghệ thuật cải lương mà còn gắn với một giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” của đất nước – chiến tranh biên giới phía Bắc, đã góp phần cổ vũ khí thế, lan tỏa làn sóng đấu tranh yêu nước đến mọi tầng lớp nhân dân. Đến nay, nhiều văn nghệ sĩ, nhiều khán giả lớn tuổi vẫn không thể quên những đêm diễn thăng hoa khẳng định sức mạnh của “binh chủng nghệ thuật” trong công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Cùng với đó, hình tượng Thái hậu Dương Vân Nga qua sự thể hiện của NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu hay cố NSƯT Thanh Nga cũng là đỉnh cao khó thể vượt qua.

Chia sẻ về dự án đầy mạo hiểm của mình, NSƯT Hoa Hạ cho biết, chị không cố vượt qua cái bóng quá lớn của bản dựng kinh điển cũ mà tạo ra một bản dựng mới với góc nhìn mới hợp lý hơn, gần với khán giả hiện đại hơn. Có một thực tế là do Thái hậu Dương Vân Nga quá xuất sắc ở giá trị văn chương cũng như nghệ thuật diễn xuất nên số đông khán giả đã bỏ qua nhiều chi tiết phi logic và hư cấu có phần sai lệch lịch sử. Việc xây dựng hình tượng Định Quốc công Nguyễn Bặc và Ngoại giáp Đinh Điền – những công thần của nhà Đinh được lưu danh sử sách và đến nay vẫn còn đền thờ – là những kẻ phản diện bán nước cầu vinh ở bản dựng trước đây đã bị dòng dõi hai vị ở Hoa Lư - Ninh Bình phản đối, khiếu nại.

Ở bản dựng mới, NSƯT Hoa Hạ đã cố gắng khắc phục hạn chế trên qua việc đào sâu tâm lý các trung thần triều Đinh, lý giải những mâu thuẫn nội bộ là do những quan điểm khác nhau về việc giữ nước cũng như lòng trung thành của những bậc “khai quốc công thần” không muốn thấy cảnh “thay triều đổi ngôi”. Nhưng cuối cùng, mọi người đã gạt bỏ những bất đồng, sự vị kỷ cá nhân để sát cánh cùng Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn chống quân xâm lược nhà Tống vì đất nước đâu chỉ của riêng một dòng họ nào.

Sự hòa hợp của lòng người trong việc chuyển giao quyền lực từ triều Đinh sang triều Lê cũng là điểm nhấn nổi bật của tác phẩm. Việc khoác áo long bào, trao ấn kiếm cho Lê Hoàng là thuận theo lòng dân, là biểu tượng của ý chí độc lập tự cường, và là bài học muôn đời trong dựng nước và giữ nước: quyền lợi quốc gia dân tộc là trên hết!

Không khỏi hoài niệm

Thái hậu Dương Vân Nga đã nhận được sự cổ vũ rất nồng nhiệt của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Những tràng pháo tay vang lên không ngớt với những lớp diễn đầy khí thế hào hùng hay những lời thoại mà từ khán phòng không ít người đã lẩm nhẩm đọc theo: “Đất này có chủ, nước này có vua. Thần dân có xã tắc để khuôn phò. Xã tắc có thần dân tông miếu để hợp thành khí thiêng sông núi. Từ lâu rồi Việt - Tống biên thùy đà chia cõi, cụm rừng, dãy núi, con suối, dòng sông đứng làm ranh mảnh đất của vua Hùng, còn vọng mãi tiếng trống đồng dựng nước. Đất hẹp, người thưa nhưng không là tiểu nhược!”…

Thế nhưng, với nhiều khán giả, đặc biệt là những người từng xem bản dựng trước đây thì không tránh khỏi hoài niệm. Ông Huỳnh Anh Tuấn, người từng say mê theo dõi Thái hậu Dương Vân Nga tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ngày nào nhận định: “Sẽ là khập khiễng nếu so sánh những nghệ sĩ vào vai Dương Vân Nga hôm nay với Bạch Tuyết hay Ngọc Giàu trước đây. Nhưng cái hay nhất chính là lời văn với rất nhiều những câu thoại gần như đã thành “tuyên ngôn” mà nhiều khán giả cũng nằm lòng và qua nghệ thuật diễn xuất cùng cách nhấn nhá thoại của các nghệ sĩ mà cảm xúc người xem được nâng lên. Hôm nay, tôi lại không cảm nhận được cái hay đó khi nghệ sĩ cả thoại, ca và diễn đều có phần vội quá, không có những khoảng dừng lắng đọng để khán giả cảm nhận được chiều sâu tâm lý nhân vật. Vì thế, dù đã có nhiều cố gắng nhưng những lớp diễn hay nhất mà mỗi lần nghệ sĩ cất tiếng làm người xem phải “nổi da gà” đã không còn”.

Tuy nhiên cũng khó trách khi ngày trước các nghệ sĩ tập tuồng ròng rã 3 - 4 tháng trời mới lên diễn, diễn hàng trăm suất, đã qua rất nhiều điều chỉnh, nghệ sĩ ngày càng “ngấm” nhân vật và diễn ngày càng hay thì mới được quay hình chiếu rộng rãi cho công chúng. Với thực trạng sân khấu cải lương hiện nay, đó là điều không thể. Một nhà báo theo dõi sân khấu lâu năm đã không khỏi tiếc rẻ: “Tiếc quá, vở chỉ diễn được 2 suất, nếu diễn nhiều hơn, ê-kíp vở diễn có thời gian để điều chỉnh, nghệ sĩ cũng nhập tâm hơn thì rất có thể sẽ khác!”.

Vở Thái hậu Dương Vân Nga có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực: NSƯT Phượng Loan, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Quỳnh Hương, các nghệ sĩ Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Lê Trung Thảo của sân khấu cải lương; các nghệ sĩ kịch nói Đại Nghĩa, Xuân Trang, Gia Bảo; các ca sĩ Phương Thanh, Quốc Đại… Vở diễn sẽ tiếp tục đến với khán giả vào tối 13/5.

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo