Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương (Thanhuytphcm.vn) - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương - người bị CIA cưa chân 6 lần – vừa về nơi an nghỉ cuối cùng. Kẻ thù gọi ông là “sinh vật bằng thép”, “thỏi sắt hình người” nhưng với chúng ta ông mãi là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, biểu tượng cho ý chí kiên định, tinh thần bất khuất của một người Việt Nam yêu nước.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Lộc Hưng - Trảng Bàng - Tây Ninh, cả cha và mẹ đều là liệt sĩ, Nguyễn Văn Thương (thường gọi là Hai Thương) đã lớn lên trong vòng tay những người đồng chí, đồng đội của ba mẹ cũng như nung nấu ý chí nối tiếp con đường cách mạng cứu dân, cứu nước mà bậc sinh thành đã dấn thân. Năm 1959, khi cha là một chiến sĩ quân báo bị bắt và xử theo Luật 10/59, Hai Thương cũng lên đường nhập ngũ. Năm 1961, được chuyển về đơn vị trinh sát, giữ nhiệm vụ bảo vệ cho đồng chí Võ Văn Kiệt (Bí thư Thành ủy T4 Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ), rồi được giới thiệu sang ngành tình báo dưới sự huấn luyện trực tiếp của Đại tá Nguyễn Nho Quý (Trưởng Ban Tình báo khu Sài Gòn - Chợ Lớn).
Có mặt từ những ngày đầu xây dựng Phòng tình báo Miền, được cấp trên tin cẩn đưa đi nhiều cụm tình báo, đến năm 1967 về làm mũi trưởng giao liên Cụm tình báo A36 chuyên chuyển thông tin quan trọng từ các điệp viên đã “luồn sâu, leo cao” vào hàng ngũ địch về Trung ương Cục (R). Trong gần 10 năm, đến trước khi bị bắt vào ngày 10/2/1969, Hai Thương đã lăn lộn ngang dọc khắp Suối Sâu (Trảng Bàng) đến Phú Hoà Đông, Bình Mỹ (Củ Chi), các xã Nam Bến Cát, dọc Quốc lộ 13… nhận tài liệu từ nội đô đem về căn cứ.
Khác với nguyên tắc luôn đơn tuyến, ngăn cách của ngành tình báo, Hai Thương lại nắm được tất cả các mạng lưới tình báo quan trọng. Ngay cả 2 bản tài liệu mà anh kịp bảo vệ không để rơi vào tay giặc - đến lúc trở về mới biết được - chính là tài liệu của 2 anh hùng tình báo: Ba Quốc (Thiếu tướng Đặng Trần Đức) và Hai Trung (Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn). Nguy cơ tổn thất nặng nề cho cách mạng nếu những Ba Quốc (đã nhập vai sĩ quan cao cấp của CIA suốt 24 năm), Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang)… bị lộ một khi Nguyễn Văn Thương không chịu nổi tra tấn của kẻ thù mà cung khai.
Thế nhưng người chiến sĩ Nguyễn Văn Thương đã đứng vững và chiến thắng giữa sào huyệt kẻ thù dù là trước những “viên đạn bọc đường” hay lưỡi cưa thép. Trước khi chịu những cực hình man rợ như thời trung cổ, Hai Thương đã trải qua 100 ngày đấu tranh nội tâm dữ dội trước những “cạm bẫy ngọt ngào” của kẻ thù: cuộc sống được cung phụng đầy đủ bên trong một biệt thự hoa lệ, tấm séc ký sẵn trị giá 100.000 USD (thời điểm 1969), bộ quân phục 2 bông mai cấp trung tá, tấm vé máy bay đến bất cứ quốc gia đồng minh nào của Mỹ cùng một người đẹp luôn ở bên ân cần chăm sóc.
Lúc sinh thời, Thiếu tá Nguyễn Văn Thương cũng từng thừa nhận lúc ấy không có đủ ý chí và quyết tâm thì “thua chắc”. Điều tiếp thêm sức mạnh ý chí cho Hai Thương chính là hình ảnh người vợ hiền, đứa con vẫn còn thơ dại và đồng đội mà nhiều người đã gục ngã ngay trước mắt mình. Những hình ảnh như cuốn phim quay chậm cứ tua trong đầu đã giúp Nguyễn Văn Thương vẫn bình thản trước những cám dỗ có thể đánh gục bất cứ ai.
Biết được vai trò quan trọng của Nguyễn Văn Thương, quân Mỹ bằng mọi giá phải có được lời khai của người tù binh đặc biệt này. Mua chuộc không được thì cực hình tra tấn. Chúng lần lượt bẻ gãy 10 ngón chân rồi đập nát 2 bàn chân người chiến sĩ tình báo. Và đỉnh điểm của sự man rợ là 6 lần cưa chân trong 3 tháng, mỗi lần cưa 1 đoạn, chữa trị gần lành vết thương lại cưa tiếp với những lời dọa dẫm lẫn dụ dỗ.
Lần cuối cùng nhìn lại, đôi chân người chiến sĩ tình báo từng lặn lội khắp nơi mang tin tức quan trọng về cho cách mạng đã không còn, một chân cụt lên tới bẹn. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Thiếu tá Nguyễn Văn Thương chia sẻ không thể diễn tả được nỗi đau thể xác lúc đó, cứ như chết đi sống lại, nhưng: “Nếu mình không có niềm tin là mất tất cả. Có niềm tin mình sẽ thắng!”. Và Nguyễn Văn Thương đã chiến thắng thực sự khi qua 7 tháng giở mọi thủ đoạn khai thác, câu trả lời kẻ thù nhận được vẫn vỏn vẹn: “Tên là Nguyễn Trường Hân, là thanh niên trốn lính”. Và chúng không hề biết rằng cái tên “Trường Hân” đó bật ra khi người tù binh hình dung đến trùng trùng đoàn quân vượt Trường Sơn với không khí hân hoan vào giải phóng miền Nam.
Ở tuổi 81, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương, chú Hai Thương, ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng đội và bao người yêu kính, ngưỡng mộ người anh hùng với những chiến công thầm lặng, mà câu chuyện bị giặc cưa chân 6 lần chỉ là một nốt trầm hùng trong sự nghiệp cách mạng của người chiến sĩ tình báo.
Nhà văn Mã Thiện Đồng, người chấp bút quyển sách Người bị CIA cưa chân sáu lần (NXB Tổng hợp phát hành) - được xem như hồi ký của Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương, từng chia sẻ rằng nếu là một người nước ngoài, không hiểu biết về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, thậm chí nhiều người trẻ hôm nay lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa rất khó mà tin được câu chuyện về sức chịu đựng phi thường của người anh hùng, huống chi là vài thế hệ nữa. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải kể tiếp câu chuyện trên, phải giữ được ngọn lửa truyền thống cách mạng mà thế hệ những Nguyễn Văn Thương đã dùng máu xương của mình để thắp sáng.