Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đọc báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)(Thanhuytphcm.vn) - Trong phiên làm việc sáng 8/11 của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, để tránh việc gửi tố cáo tràn lan đến nhiều cơ quan, tổ chức, bao gồm cả những nơi không có thẩm quyền giải quyết gây tốn kém, lãng phí và ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhận đơn khi phải xem xét, phân loại, chuyển đơn và trả lời, Ủy ban này đề nghị bổ sung trong Luật Tố cáo (sửa đổi) nghĩa vụ của người tố cáo là: “Tố cáo đến đúng cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết”.
Đồng thời, bổ sung quy định về các loại trách nhiệm pháp lý khác (như kỷ luật, hành chính, hình sự) đối với người cố ý tố cáo sai sự thật ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự. Việc bổ sung các quy định chặt chẽ nêu trên sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người tố cáo, hạn chế tình trạng lạm dụng tố cáo, tố cáo sai sự thật.
Xử lý, giải quyết tố cáo với đối tượng đã nghỉ hưu
Theo Báo cáo của Chính phủ, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật được tiếp thu theo hướng không quy định về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đã nghỉ hưu (nguyên là cán bộ, công chức, viên chức) vì Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức chưa có quy định này.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, khi thấy có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, người tố cáo báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật tiếp diễn, khắc phục các hậu quả của hành vi vi phạm và cuối cùng mới là xử lý đối với người vi phạm (người bị tố cáo). Vì vậy, khi tiếp nhận tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ bất kể người có hành vi vi phạm còn đang đương chức hay đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác thì cơ quan có thẩm quyền đều có trách nhiệm xem xét, thụ lý và giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo và pháp luật có liên quan.
Do đó, tuy không cần ghi ngay tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh nhưng việc quy định rõ trong Luật này về thẩm quyền xem xét, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay không còn là cán bộ, công chức, viên chức như đã thể hiện tại khoản 4 Điều 12 của dự thảo Luật là phù hợp. Đây là nội dung bổ sung rất quan trọng và kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi còn đương chức; góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.
Tán thành với quan điểm này, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng, về nguyên tắc trong Luật vẫn xử lý cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi còn đương chức. Điều đó phù hợp với thực tiễn hiện nay là Đảng, Nhà nước đã chủ trương và trong thực tế đã xử lý nhiều trường hợp, bao gồm cả cán bộ, công chức có chức vụ cao đã nghỉ hưu, có vi phạm pháp luật trong thời gian đương chức. Quy định này cũng phù hợp với lòng dân trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong hoạt động thi hành công vụ.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông) băn khoăn về việc Luật cán bộ, công chức, viên chức lại chưa quy định hình thức xử lý kỷ luật, do vậy, khi bổ sung quy định này vào dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) sẽ khó cho việc xử lý, giải quyết tố cáo đối với những đối tượng đã nghỉ hưu.
“Nếu bổ sung quy định xử lý cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu thì các luật liên quan và Luật cán bộ, công chức cũng phải xác định thẩm quyền giải quyết, xử lý vi phạm như thế nào, các hình thức xử lý kỷ luật… Cần lưu ý, nếu trong trường hợp chưa bổ sung vào các luật nội dung trên thì việc bổ sung trình tự, nguyên tắc xác định thẩm quyền ở luật này cũng không có ý nghĩa mấy”, đại biểu Nguyễn Trường Giang phân tích.
Bổ sung hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại
Về hình thức tố cáo, theo Ủy ban Pháp luật không nên chỉ giới hạn ở 2 hình thức tố cáo là bằng đơn và tố cáo trực tiếp để phù hợp hơn với trình độ phát triển của xã hội, của công nghệ như hiện nay. Việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo trên. Vì vậy, đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định tố cáo có thể thực hiện bằng đơn và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (hình thức khác có thể bao gồm: thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định).
Đứng về phía quan điểm của Ủy ban Pháp luật, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nhận định, nếu bỏ hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thì dường như cơ quan soạn thảo thiếu đi sự cầu thị trong việc tiếp nhận tố cáo. “Bản chất của tố cáo là gì? Là việc cơ quan có thẩm quyền mong muốn nhận được những phản ánh, những thông tin từ công dân. Mà công dân có phải lúc nào cũng làm đơn, lúc nào cũng đến trực tiếp để tố cáo được, đó là chưa loại trừ việc bất an khi đến trực tiếp”, đại biểu Bộ phân tích.
Đại biểu Bộ cũng cho rằng Hiến pháp đã ghi nhận công dân có quyền tố cáo. Việt Nam đã tham gia công ước về nhân quyền về chính trị, chưa thể hiện điều này trong luật chuyên ngành là nghịch lý. Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) không quy định đối với hình thức này là không đồng bộ với hệ thống pháp luật trong đó có Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Tố tụng hình sự, sẽ tạo ra sự mâu thuẫn lập pháp trong chính dự thảo luật này. Bởi Điều 19 chỉ quy định 2 hình thức tố cáo là đơn hoặc trực tiếp nhưng Điều 24 lại quy định cơ chế tiếp nhận tố cáo không phải dạng đơn, hoặc trực tiếp. Không thừa nhận nhưng lại có cơ chế để tiếp nhận là không phù hợp.