Các hoạt động vệ sinh làm “sạch biển” luôn được huyện quan tâm tổ chức thực hiện. (Thanhuytphcm.vn) - Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Cần Giờ luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, các hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường ngày càng đa dạng, sinh động, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện cùng chúng sức với chính quyền địa phương thực hiện.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều mô hình phát triển du lịch trên địa bàn huyện luôn gắn với công tác bảo vệ môi trường sạch - xanh và thân thiện, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và du khách.
Với mong muốn, huyện Cần Giờ sẽ là một huyện biển văn minh, xanh, sạch, đẹp với tiềm năng lớn mạnh về phát triển du lịch sinh thái, Nghị quyết số 07-NQ/ĐH ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cần Giờ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 26 chỉ tiêu; trong đó, có 3 chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực môi trường đến nay, huyện cơ bản đã hoàn thành. Cụ thể, tại chỉ tiêu “Xóa tất cả các điểm ô nhiễm môi trường và điểm ngập phát sinh trong giai đoạn 2020 - 2025”, theo danh mục công trình giai đoạn 2020 - 2025, có 50 điểm ô nhiễm môi trường và điểm ngập trên địa bàn huyện. Bằng sự nỗ lực, đến nay, 50 công trình đều được bố trí vốn và thông qua chủ trương đầu tư thực hiện với tổng kinh phí hơn 142 tỷ đồng. Đối với chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt từ 95% trở lên, đến thời điểm hiện tại, huyện đã hoàn thành đạt tỷ lệ 95,3%, đây là kết quả đáng phấn khởi, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện đối với công tác này.
Các cấp ủy, tổ chức đảng tham gia nhiều công trình thiết thực bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Xác định nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã có nhiều cuộc họp nhằm chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp để tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp thực hiện thu gom, xử lý chất thải rắn. Theo đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện với chức năng là cơ quan tham mưu thường xuyên phối hợp với các xã để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thu gom, xử lý rác, phối hợp các Hội, đoàn thể triển khai, thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải hiệu quả, làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn huyện.
Một trong những nét nổi bật của huyện Cần Giờ thông qua việc đăng ký các mô hình, công trình thiết thực về bảo vệ môi trường của các cấp ủy đã góp phần thực hiện thành công chỉ tiêu “Hàng năm, các cấp ủy, tổ chức Đảng có ít nhất 1 công trình thiết thực bảo vệ môi trường (đối với Chi bộ) và 2 công trình (đối với Đảng bộ). Các tổ chức chính trị - xã hội huyện có ít nhất 1 công trình” mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Cần Giờ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra. Trong đó, phải kể đến là chương trình giảm rác thải nhựa và túi nilong khó phân hủy. Được biết, thời gian qua, UBND huyện đã triển khai nhiều chương trình liên quan đến giảm rác thải nhựa, cụ thể như: chương trình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng 1 lần trên địa bàn xã đảo Thạnh An, tại điểm du lịch sinh thái Rừng phòng hộ và chương trình thu gom rác thải nhựa trong học đường… nhằm truyền thông nâng cao ý thức người dân, khách du lịch trong việc giảm sử dụng sản phẩm nhựa hoặc nếu có sử dụng phải được thu gom, chuyển giao cho đơn vị có chức năng tái chế, xử lý, tái sử dụng và cơ bản đến nay cũng đã đạt được một số kết quả nhất định.
Lễ nghiệm thu công trình lắp đặt 12 pano tuyên truyền kết hợp tuyến đường hoa tại khu dân cư ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An Chia sẻ thêm về vấn đề này, đồng chí Võ Hữu Thắng, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trước đây, UBND huyện đã tổ chức thí điểm trên địa bàn xã đảo Thạnh An; hiện nay, đã nhân rộng mô hình đến Khu Du lịch Sinh thái Dần Xây, theo đó, đã lắp đặt 12 bảng truyền thông về hạn chế túi ni lông khó phân hủy, nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần dọc các tuyến tham quan tại Điểm du lịch sinh thái Dần Xây. Trong năm, huyện đã phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ xung kích bảo vệ môi trường tại các xã, thị trấn nói chung, Tổ tự quản bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng, Tổ vận động tuyên truyền hạn chế giảm sử dụng túi nilông khó phân hủy, Tổ kiểm soát hành khách sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần tại 2 bến đò khách trên địa bàn xã đảo Thạnh An. Duy trì mô hình “Tổ may Xanh” và “Thùng rác tuần hoàn” nằm trong chuỗi dự án “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ” trong năm 2024...
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, huyện thường xuyên đăng tải các poster tuyên truyền thông qua trang mạng xã hội, Fanpage, Facebook; hướng dẫn, tuyên truyền và trao đổi túi ni lông hơn 18 ngàn lượt du khách đến tham quan, thu về hơn 6.000 túi ni lông khó phân hủy và khoảng 200 kg rác thải nhựa sử dụng một lần. Đồng thời, trao đổi khoảng 1.500 túi thân thiện môi trường cho học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập và trải nghiệm tại Điểm Du lịch sinh thái Dần Xây. Trên cơ sở hiệu quả thực hiện của mô hình trên tại Điểm du lịch Sinh thái Dần Xây, UBND huyện tiếp tục triển khai đến các điểm, khu du lịch và cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện theo Kế hoạch số 6745/KH-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2024 của UBND huyện.
Huyện duy trì Dự án “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ” Một số mô hình tiêu biểu khác trong bảo vệ môi trường cũng được các đoàn thể chính trị - xã hội, ban ngành nhân rộng như: Mô hình “Chợ xanh”, “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”, “Chương trình đổi rác lấy quà tặng”, “Chợ xanh – Đổi rác thải nhựa lấy quà tặng” được tổ chức nhằm tuyên truyền vận động người dân tham gia thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường”, giảm sử dụng rác thải nhựa, tác động của rác thải nhựa đối với môi trường biển. Qua đó, phát 1.400 tờ rơi tuyên truyền, phát 820 phần quà trị giá 34.000.000 đồng và thu gom được 5.400 rác thải nhựa các loại, thu hút 1.638 đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia.
Có thể khẳng định, với những việc làm nói trên đã góp phần lan tỏa và làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt..., tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần và thay thế bằng sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.
Đồng thời, đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm và hành động bảo vệ môi trường, đẩy mạnh và phát huy quyền của người dân cùng tham gia và hành động bảo vệ môi trường thiên nhiên, góp phần xây dựng huyện Cần Giờ xanh, sạch, đẹp và văn minh.