Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng những bước chân của hai cô vẫn nhanh thoăn thoắt trên con đường mòn xuyên qua tán rừng dẫn vào khu căn cứ. Chợt cô Tiêu Hải Vân nói với chúng tôi: “Để cô tìm lá trung quân cho tụi con xem”. Vậy là cô băng sâu vào mép rừng, hái một bó lá và giơ cao: “Lá trung quân đây rồi”. Cả đoàn chúng tôi ai cũng đồng thanh “ồ”.
Cô Vân kể, cô có 7 năm sống ở chiến khu này, nhiệm vụ chính là tham gia tải đạn. Ngày cô thoát ly gia đình đi “R” chỉ mới 16 tuổi. Đó là vào năm 1968. Ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới, mỗi khi được đơn vị phân công vào rừng hái lá trung quân cô rất vui. Song, những ngày đầu, trong quá trình đi theo các anh, các chị, có lúc ngủ quên, rồi lạc đường... cuối cùng chỉ còn vài chiếc lá trên tay khi tìm gặp lại đồng đội.
Cô cười và nói: “ Suốt thời gian ở “R”, những chiếc lá trung quân đã tạo cho cô rất nhiều kỷ niệm. Những chiếc lá ấy đã che chở cho mọi người vượt qua bom đạn quân thù. Đặc biệt, bản thân cô đã đạt rất nhiều thành tích trong những lần thi hái và chằm lá trung quân. Tự hào lắm, hãnh diện lắm”.
Nhắn nhủ với thế hệ trẻ hôm nay, cô Vân nói rằng, các con hãy không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân, phải làm việc hết mình, sống có tâm và giữ gìn một sức khỏe tốt để cống hiến, để phục vụ cho đất nước.
Còn theo chia sẻ của cô Hoàng Thị Khánh, những chiếc lá trung quân ấy đã nhắc nhớ một thời gian khó mà hào hùng, thiên nhiên kỳ vĩ mà ấm tình đến lạ lùng! Chuyến về thăm lại chiến khu này cũng gợi cho cô nhớ lại những ngày tháng tham gia chiến đấu, những cảm xúc khi đất nước hòa bình, cũng như kinh nghiệm hoạt động Công đoàn trong những ngày đất nước còn khó khăn.
Cô Khánh khẳng định: “Chỉ có lòng yêu nước, yêu tổ chức Công đoàn và người lao động mới giúp người cán bộ Công đoàn vượt qua mọi cản ngại, từ đó hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, tất cả phải xuất phát từ trái tim, ngoài cái tâm, cái tầm, đội ngũ cán bộ Công đoàn phải mạnh dạn đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động…”.
Cô Hoàng Thị KhánhDọc theo những con đường mòn dẫn sâu vào khu căn cứ, những ngôi nhà lợp bằng lá trung quân hiện ra. Cô thuyết minh viên nói rằng, đây là nhà ở và nơi làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh, được phục dựng với mái lợp bằng lá trung quân, bên trong có di ảnh lớn, những vật dụng sinh hoạt thường nhật của đồng chí và những dòng tiểu sử về cuộc đời sự nghiệp, về quá trình sống, chiến đấu của đồng chí trong những ngày chống Mỹ tại Trung ương cục miền Nam. Phía dưới căn nhà có giao thông hào, hầm trú ẩn… Tất cả mộc mạc, giản dị nhưng toát lên một sức mạnh kiên cường.
Còn nữa, nào là nhà thường trực, hội trường lớn, hội trường nhỏ, nhà bảo vệ, văn phòng, bếp Hoàng Cầm, nhà ở của các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng... tất cả ẩn mình trong những tán rừng mái lợp bằng lá trung quân ngã màu nâu nổi lên làm điểm nhấn trong những tán xanh của lá rừng.
Nữ cán bộ công đoàn Trần Thị Hoàng, Công đoàn cơ sở Tân Hoàng Gia bày tỏ: “Cảm xúc dâng trào khi lần đầu tiên được đặt chân đến khu di tích lịch sử đặc biệt này. Nghe và hiểu về khoảng thời gian sống và chiến đấu của các đồng chí lãnh đạo mới thấy rằng bản thân học hỏi được rất nhiều điều, trong đó là tình yêu quê hương đất nước, là sự cống hiến hết sức mình. Sau chuyến đi này sẽ cố gắng học tập, vận dụng những đức tính của các đồng chí lãnh đạo, các thế hệ cha chú đi trước để lao động thật tốt, vượt qua khó khăn, tạo thêm nhiều sáng kiến hữu ích, đóng góp cho đơn vị và cho xã hội”.
Cô hướng dẫn viên tiếp tục giới thiệu cho chúng tôi về lá trung quân. Đây là loại lá rừng, mọc xen lẫn rất nhiều dưới các tán cây trong khu căn cứ. Mỗi chiếc lá đều gợi nhớ lại những hình ảnh, kỷ niệm thân thương của các thế hệ cha chú đã sống, chiến đấu ở nơi này. Lá trung quân dài chừng 40- 45cm, rộng 5cm- 6cm, hình dáng và kích thước gần giống lá cây ngọc lan. Lá được hái về chằm thành tấm tranh dài hơn 2m, ép phẳng các tấm tranh rồi lợp thành mái nhà. Sau khoảng nửa tháng, lá trung quân khô chuyển màu nâu sáng, giống như màu ngói.
Cô Tiêu Hải VânChúng tôi lần lượt chạm tay vào những chiếc lá ấy, loại lá đã che chở chiến sĩ suốt một thời kháng chiến. Chúng tôi cũng thầm cảm phục những ai đã tìm ra lá trung quân. Và cũng thật ngưỡng mộ vì họ đã dành bao nhiêu thời gian, công sức tỉ mỉ kết thành mái nhà đẹp như bức tranh thêu.
Ngắm nhìn mái lá của căn nhà vừa là nơi làm việc vừa là nơi ở của đồng chí Phạm Hùng, cô Nguyễn Thị Mỹ Sương, công tác tại trường Đại học Sài Gòn bộc bạch rằng, căn nhà đẹp như một bức tranh nổi lên giữa tán cây rừng. Từng chiếc lá trung quân được lợp xếp chồng lên nhau đều tăm tắp. Khi nghe kể chuyện lá trung quân đốt không cháy cô càng ngạc nhiên và thán phục sự kỳ diệu của thiên nhiên. Thán phục những ai đã đặt một cái tên vô cùng ý nghĩa “trung quân”. Trung quân thì ái quốc!
Cô nói: “Khi về trường, sinh hoạt với sinh viên sẽ chia sẻ nhiều hơn về khu căn cứ này, tạo điều kiện cho các em đến trực tiếp tham quan, học tập để hiểu rõ về cống hiến của các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam ta. Từ đó khơi gợi tinh thần cố gắng học tập để trở thành người có ích cho xã hội”.
Tại khu căn cứ lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam, tất cả những căn nhà, phòng hợp, hội trường đều lợp bằng lá trung quân. Những chiếc lá ấy đã đi cùng năm tháng, không chỉ che mưa che nắng mà nhắc nhớ rằng chúng ta hãy sống sao cho thật trọn vẹn, xứng đáng với các thế hệ cha ông ngày trước vì nền độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.
Và trên con đường quay trở về nơi xuất phát chúng tôi chợt nhớ đến lời bài thơ mà tác giả Nguyễn Xuân Hải đã viết:
“Mái trung quân còn đây
Nắng xuân cài hoa trên hiên lá
Chiến khu xưa vừa quen vừa như lạ
Bâng khuâng những vách chiến hào….”