Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Văn phòng cấp ủy - Kỷ niệm 91 năm xây dựng và trưởng thành

(Thanhuytphcm.vn) - Lịch sử ra đời và phát triển của Văn phòng cấp ủy luôn gắn liền với sự phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng - Trung Quốc đã thông qua Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, ban hành các nghị quyết về nhiệm vụ và quyết định thành lập các bộ phận chuyên môn tham mưu, giúp việc của Đảng trong đó có bộ phận Văn phòng Trung ương Đảng. Từ sự kiện này, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX đã quyết định lấy ngày 18/10 hằng năm làm ngày truyền thống của Văn phòng cấp ủy. Đây là dấu mốc hết sức quan trọng, đánh dấu sự ra đời, ghi nhận những đóng góp to lớn, truyền thống vẻ vang của hệ thống Văn phòng cấp ủy đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo Từ điển Tiếng Việt: “Văn phòng” là bộ phận phụ trách công việc giấy tờ, hành chính trong một cơ quan, đơn vị và lâu nay trong xã hội vẫn thường quan niệm Văn phòng là cơ quan “bưng, bê, kê, đặt, quyền rơm vạ đá”, “làm dâu trăm họ”... Nhưng thực tế cho thấy cách hiểu như vậy vẫn chưa thực sự thuyết phục và có phần “xem nhẹ” chức năng của cơ quan này. Là một bộ phận không thể thiếu trong cơ cấu tổ chức của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các công ty trong và ngoài nước… Văn phòng gắn liền với quá trình ra đời, tồn tại và phát triển của cơ quan, đơn vị, có vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ. Văn phòng không chỉ đơn thuần thực hiện các công việc giấy tờ, hành chính mà còn được giao nhiều chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vừa giúp việc, tham mưu, vừa đôn đốc, kiểm tra; là “đầu mối công việc” được lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị ủy quyền “thừa lệnh” trong triển khai, giải quyết nhiều nội dung công việc quan trọng; hiệu quả hoạt động của Văn phòng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động chung của toàn bộ cơ quan, đơn vị…. Xuất phát từ thực tế, sự tồn tại của công tác Văn phòng là một yếu tố khách quan, có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, bởi vì Văn phòng là cơ quan tổng hợp, có những đóng góp đắc lực trong công tác tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành. 

Ở giai đoạn 1930 - 1945, khi mới thành lập, Đảng ta phải hoạt động trong điều kiện bí mật với muôn vàn khó khăn, gian khổ. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng vừa là lãnh đạo, vừa trực tiếp làm một số nhiệm vụ của công tác văn phòng như đánh máy, in ấn, vận chuyển tài liệu, gây dựng tài chính Đảng, vận động nhân dân xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng căn cứ cách mạng... Có thể nói, Bác và các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng là những “cán bộ văn phòng” đầu tiên, mở đầu cho truyền thống vẻ vang của Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng cấp ủy các cấp.

Vượt qua biết bao gian khổ, thử thách, bất chấp sự đàn áp của kẻ thù, các cán bộ chiến sỹ Văn phòng luôn bám sát và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững mối liên lạc, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ, các cấp ủy đảng với phong trào cách mạng cả nước; mối quan hệ giữa cơ quan lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài với các tổ chức đảng, phong trào cách mạng trong nước; quan hệ giữa Đảng ta với Quốc tế cộng sản cũng như các Đảng Cộng sản anh em. Công tác văn phòng đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc.

Ở giai đoạn 1945 - 1954, trước tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, khi chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới được thành lập, nước ta rơi vào tình thế hiểm nghèo. Đội ngũ cán bộ văn phòng vẫn thầm lặng làm tốt nhiệm vụ, góp phần bảo vệ an toàn, phục vụ Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng và các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng vượt qua thử thách, sóng gió.

Tháng 5/1947, tại căn cứ địa Việt Bắc (xã Quảng Nạp, nay là xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Ban Thường vụ Trung ương đã quyết định thành lập Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng (nay là Văn phòng Trung ương Đảng) do đồng chí Lê Văn Lương làm Bí thư Văn phòng. Đây là bước chuyển đặc biệt quan trọng trong lịch sử phát triển của Văn phòng Trung ương Đảng và văn phòng cấp ủy cả nước.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập Văn phòng Trung ương Đảng, vào tháng 6/1949, tại căn cứ địa Việt Bắc, Trung ương đã triệu tập Hội nghị Văn phòng toàn quốc và thông qua Nghị quyết quan trọng, xác định những vấn đề cơ bản của công tác văn phòng cấp ủy, như: nguyên tắc và hình thức tổ chức, lề lối làm việc, quan hệ công tác; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, cán bộ của Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng cấp ủy các cấp. Hội nghị này thể hiện vị trí, vai trò quan trọng, sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với công tác Văn phòng cấp ủy và hoạt động của Văn phòng Trung ương Đảng; đặt nền móng căn bản cho hoạt động của Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng cấp ủy các cấp.

Tết Nguyên đán năm 1950, khi đến thăm Văn phòng Trung ương Đảng tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã nói: “Công tác văn phòng có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình, cán bộ văn phòng nắm được tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết công việc không đúng”. Câu nói của Bác vừa là lời căn dặn, vừa là phương châm công tác đối với cán bộ văn phòng nói chung, cán bộ Văn phòng cấp ủy Đảng nói riêng.

Trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975), Văn phòng Trung ương Đảng đã trực tiếp phân bổ lực lượng, nhiều lần cử cán bộ nghiệp vụ, điện đài, cơ yếu... bổ sung, chi viện cho Văn phòng Trung ương Cục miền Nam và Văn phòng Khu ủy Khu V. Trong thời kỳ này, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Trung ương Cục miền Nam, Văn phòng Khu ủy Khu V và Văn phòng các cấp ủy trong cả nước đã luôn bám sát nhiệm vụ, vừa phục vụ chiến đấu, vừa làm tốt công tác tham mưu, tổ chức làm việc, phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và bảo đảm các điều kiện hoạt động cho Trung ương Đảng, các cấp ủy đảng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngày 26/8/1980, Bộ Chính trị ra Quyết định 76-QĐ/TW quy định cụ thể 6 nhiệm vụ của Văn phòng Trung ương - một quyết định quan trọng đối với công tác Văn phòng cấp ủy. Trong thời kỳ này, Văn phòng Trung ương Đảng được xác định là một cơ quan trong hệ thống các ban của Đảng, “có chức năng tham mưu giúp Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo của Đảng, đồng thời là một trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo”. Văn phòng cấp ủy cơ sở được giao nhiệm vụ tham mưu và phục vụ, hai nội dung này đan xen với nhau, quan hệ mật thiết với nhau, vì vậy, để đảm đương được nhiệm vụ này đòi hỏi cán bộ Văn phòng cấp ủy phải có kiến thức cả về lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Văn phòng Trung ương Đảng đã phối hợp với các cơ quan nắm tình hình, tổng hợp, cung cấp thông tin và kiến nghị những vấn đề cần thiết, góp phần quan trọng giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư có quyết định về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, giá cả, tiền lương, khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong phát triển nông nghiệp, góp phần vào hình thành quyết định đổi mới tiếp theo của Đảng. Văn phòng Trung ương Đảng đã phối hợp với các ban, bộ, ngành; các tiểu ban chuẩn bị văn kiện Đại hội VI, chủ động nêu một số kiến nghị giúp Bộ Chính trị thảo luận, góp phần đi đến kết luận quan trọng, làm cơ sở hình thành Báo cáo chính trị trình Đại hội VI của Đảng, mở ra thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước.

Ngày 8/4/1993, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 17-CT/TW về Tăng cường sự chỉ đạo công tác văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy.

Năm 2007, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới tổ chức, bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Quyết định số 45-QĐ/TW, ngày 11/4/2007 về việc hợp nhất Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tài chính - Quản trị Trung ương và Văn phòng Trung ương thành Văn phòng Trung ương Đảng, chuyển nhiệm vụ theo dõi, tham mưu tổng hợp lĩnh vực an ninh Quốc gia về Văn phòng Trung ương Đảng.

Ngày 5/5/2009, Ban Bí thư ban hành Quy định số 222-QĐ/TW về Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, Thành ủy, trong đó xác định: Văn phòng Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu, tổng hợp của Tỉnh ủy.

Năm 2012, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương tái lập trên cơ sở tách một số chức năng, nhiệm vụ và một số vụ chuyên môn của Văn phòng Trung ương Đảng.

Ngày 27/12/2013, Ban Bí thư ban hành Quy định số 220-QĐ/TW về Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy.

Theo đó, Văn phòng cấp ủy cơ sở có nhiệm vụ cấp ủy xây dựng và tổ chức làm việc theo chương trình công tác như xây dựng chương trình công tác toàn khóa; chương trình công tác hàng năm, hàng quý, tháng. Xây dựng hoặc bổ sung quy chế hoạt động của cấp ủy; tham mưu cho cấp ủy giao nhiệm vụ cho Ủy ban Kiểm tra; xây dựng chương trình công tác toàn khóa, hàng năm, quý, tháng của Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy; xây dựng quy chế hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy; giúp cấp ủy xây dựng các văn bản; thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo, kiến nghị xử lý các vấn đề thuộc chức năng lãnh đạo của cấp ủy cơ sở…

Quá trình hình thành và phát triển của Văn phòng cấp ủy đảng luôn gắn liền với lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng ta. Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, qua nhiều thời kỳ cách mạng, mỗi thời kỳ gắn với những nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu công việc, tổ chức bộ máy khác nhau, Văn phòng cấp ủy đảng các cấp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phục vụ và tham mưu đắc lực, hiệu quả cho cấp ủy và các đồng chí lãnh đạo Đảng, có nhiều đóng góp tích cực trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận và đánh giá cao cống hiến, sự hy sinh của các thế hệ cán bộ, nhân viên Văn phòng cấp ủy các cấp đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Văn phòng Trung ương Đảng phần thưởng cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng. Nhiều tập thể, cá nhân Văn phòng cấp ủy đảng các cấp đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.

Bước vào giai đoạn mới, trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, phát huy những thành tích đã đạt được trong chặng đường 91 năm qua, phát huy truyền thống: “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo” toàn thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của cơ quan Văn phòng phải thực sự thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Bác Hồ kính yêu, khắc phục mọi khó khăn, tiếp tục xây dựng ý chí quyết tâm, luôn đoàn kết, thống nhất, không ngừng đổi mới tác phong công tác, lề lối làm việc khoa học và nâng cao năng lực công tác Văn phòng. Đây vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ trước mắt, lâu dài, thường xuyên của Đảng ủy, Chỉ huy cơ quan Văn phòng. Từ đó tạo thế và lực vững chắc giúp cơ quan Văn phòng vươn lên hoàn thành toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

(Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM)


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo