Năm 1954, Mỹ nhảy vào miền Nam thay Pháp dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Trong suốt 21 năm tham chiến tại Việt Nam, nguồn viện trợ của Mỹ đóng vai trò vô cùng to lớn cho nhiệm vụ duy trì cuộc chiến. Theo thống kê, số viện trợ của Mỹ cho Sài Gòn trong 21 năm là 26 tỷ đôla. Đó là con số cao nhất của viện trợ Mỹ mà không có bất cứ nước nào khác trên thế giới nhận được kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ II[1].
Chỉ tính riêng về lực lượng quân đội Mỹ, để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh cục bộ (1964-1969), Mỹ đưa quân vào Nam Việt Nam (địa bàn đóng quân chủ yếu tại Sài Gòn - Gia Định) với con số từ 30.000 đến 550.000 quân. Và phí tổn cho cuộc chiến này của Mỹ là vô cùng lớn, đặc biệt giai đoạn đỉnh điểm vào năm 1968, có những ngày phí tổn lên đến 77 triệu đôla[2]… Dẫu vậy, dù cố gắng tối đa, huy động nhiều tiền của đổ vào chiến trường miền Nam thì cũng không thể tránh khỏi một sự thật là “chiến tranh cục bộ” thất bại trước Quân giải phóng miền Nam.
Sau “chiến tranh cục bộ”, Mỹ ngụy lại tiếp tục ngoan cố với chủ trương “Việt Nam hóa chiến tranh”, Nguyễn Văn Thiệu thực hiện tất cả các chính sách kinh tế - quân sự kể trên đều bằng tiền viện trợ của Mỹ, điều đó là nguyên nhân khiến viện trợ Mỹ tăng vọt lên gấp bội so với các giai đoạn trước. Năm 1969 lên 1,7 tỷ; năm 1970 gần 2 tỷ; năm 1971 là 2,5 tỷ; năm 1972 là 3 tỷ. Chỉ tính nguồn viện trợ trong hai năm 1971-1972 đã gấp hơn 10 lần tổng số vốn đầu tư của 10 năm trước đó, đây là con số kỷ lục, chưa bao giờ và cũng chưa nước nào được Mỹ viện trợ tới con số đó trong vòng 1 năm.
Tuy nhiên, chiếc lược “Việt Nam hóa chiến tranh” cũng không duy trì được bao lâu, ngày 27/1/1973 “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Ngay sau ngày Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực, Mỹ liền rút dần nguồn viện trợ rồi cắt hẳn, khiến các lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội Sài Gòn - Gia Định dưới sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn trở nên tiêu điều, rối loạn và khó khăn trầm trọng. Sống “tầm gửi” bằng tiền từ Mỹ nên khi thi hành Hiệp định Paris, chính quyền Sài Gòn khó khăn chồng chất khó khăn và đến gần hơn với bờ vực sụp đổ.
Đơn cử trên lĩnh vực kinh tế, sau khi Mỹ rút viện trợ, ngoại tệ giảm sút khiến hàng nhập cảng ít dần đi, hàng loạt mặt hàng từ năm 1973 không còn nhập vào nữa, hàng nhập ít cũng đồng nghĩa với việc sản xuất ở các xí nghiệp bị ngưng trệ, khiến công nhân thiếu việc làm, thu nhập giảm sút. Làng dệt ở Ngã tư Bảy Hiền phải nghỉ dệt; Thương cảng ít tàu cập bến, công nhân bến cảng bị đuổi việc hàng loạt; Công nhân kỹ thuật PACIFIC bị thất nghiệp phải ra làm khuân vác với tiền lương giảm 50%...
Lễ cuốn cờ, chính thức chấm dứt hoạt động của Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam sau hơn 11 năm ở Sài Gòn, ngày 29/3/1973. (Ảnh: tư liệu)Bên cạnh đó, giá hàng hóa tăng lên khủng khiếp do tăng thuế, lạm phát và giảm nhập khẩu nên những mặt hàng cần thiết hàng ngày tăng từ 2 đến 10 lần. So với năm 1972, trong năm 1973 giá gạo tăng lên 100%, giá đường tăng lên 165%, giá dầu đun tăng gấp 3 lần, giá xăng tăng 6 lần, giá phân bón, sợi, xi măng đều tăng từ 100% đến 200%[3]…
Đời sống nông dân cũng như công nhân, rơi vào tình cảnh bấp bênh tăm tối, họ không mua nổi xăng dầu chạy máy, giá phân bón tăng lên, thuốc trừ sâu không có để mua, trong năm 1973, sản xuất nông nghiệp giảm 20%... Các công trình công cộng đang thực hiện từ y tế, văn hóa, giáo dục... đều ngưng lại, khi quân Mỹ bắt đầu rút đi nhiều, Mỹ thu hồi một loạt các phương tiện đã cấp cho chính quyền Sài Gòn.
Thêm vào đó, hàng triệu người tại Sài Gòn - Gia Định vốn đã quen sống bằng những nghề dịch vụ, kinh doanh, phục vụ cho quân đội Mỹ bỗng mất đi nguồn thu nhập, trở nên thất nghiệp. Theo Bộ Kinh tế Sài Gòn, đến tháng 9/1973, miền Nam có hơn 2 triệu người thất nghiệp, mà 50% số này là ở Sài Gòn[4].
Ông Lâm Văn Sĩ, Tổng Giám đốc Công ty kinh doanh kỹ nghệ Sofidiv thời bấy giờ đã nhận định: “Chúng ta dùng ngoại tệ của viện trợ Mỹ để tiêu xài. Chúng ta xài tiền của người khác và chúng ta lầm tưởng là chúng ta giàu. Tiêu xài nhưng không sản xuất. Người Mỹ rút đi, chúng ta sẽ trở về với sự thật phũ phàng”[5].
Trong khi chính quyền Sài Gòn ngày càng bất lực trước thời cuộc thì cũng là lúc lực lượng cách mạng miền Nam ngày càng mạnh, ngày 14/4/1975 Bộ Chính trị, Đảng Lao động Việt Nam phê chuẩn việc mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn với tên gọi “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, quân giải phóng ngày càng tiến nhanh, tiến mạnh trên khắp chiến trường. Thời khắc quan trọng đã đến, 11 giờ trưa ngày 30/4/1975, Quân đoàn 2 với chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cổng chính và tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, chính thức kết thúc chế độ Mỹ và tay sai ở miền Nam Việt Nam - đánh dấu giờ phút lịch sử vinh quang của Đảng và Nhân dân trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Sự thất bại của Mỹ tại Việt Nam không gì khác chính là sự thất bại của chính quyền Sài Gòn và ngược lại. Chính quyền Sài Gòn đại diện cho sự có mặt của Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Và suy cho cùng lợi ích của chúng gắn liền với nhau, Mỹ dùng chính quyền Sài Gòn làm tay sai để thực hiện mưu đồ của mình, đồng thời, chính quyền Sài Gòn sử dụng viện trợ của Mỹ để duy trì sự sống, duy trì một chế độ phản động, bù nhìn với cái vẻ “phồn vinh nhưng giả tạo ở chỗ nó không tự nuôi nổi nó” như tác giả Đặng Phong đã nhận xét. Mỹ đã nuôi cả cái xã hội, nền kinh tế, quân sự của chính quyền Sài Gòn như một đứa trẻ bằng bầu sữa của viện trợ. Nhưng bầu sữa viện trợ Mỹ khác với bầu sữa mẹ, nó không giúp cho đứa trẻ đó khôn lớn lên để tự làm lấy mà ăn, tự tạo ra cơ nghiệp cho nó, thì việc đi đến sụp đổ là điều hiển nhiên và gần như đã được dự báo từ trước.
Nguyễn Huyền
---------------------------------------------------
[1] Đặng Phong, 21 năm viện trợ Mỹ ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Khoa học - Giá cả, Thị trường Hà Nội, 1991, tr.65.
[2] Đặng Phong, 21 năm viện trợ Mỹ ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Khoa học - Giá cả, Thị trường Hà Nội, 1991, tr.67.
[3] Đặng Phong, 21 năm viện trợ Mỹ ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường - giá cả Hà Nội, 1991, tr.56.
[4] Đặng Phong, 21 năm viện trợ Mỹ ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường - giá cả Hà Nội, 1991, tr.58.
[5] Tuần san Phòng thương mại và công kỹ nghệ Sài Gòn, 12-5-1972