Thứ Năm, ngày 10 tháng 7 năm 2025

Suy ngẫm – Góc nhìn:

Vẫn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!

Hội Chữ thập đỏ TPHCM vận động mạnh thường quân xây dựng nhà vệ sinh tặng học sinh  huyện Cần Giờ. (Ảnh: An Phú)

(Thanhuytphcm.vn) – Xe taxi vừa dừng trước cổng, chị Tư gọi anh Tư từ trong nhà ra gấp để trả tiền xe. Chị Tư với khuôn mặt nhăn nhó lao nhanh vào nhà vệ sinh, đóng cửa cái rầm…! Đợi ít phút chị bước ra, anh Tư thắc mắc: “Lúc sáng bà đi khám đau khớp gối, sao lúc nãy về như bị Tào Tháo rượt?!”.

Cởi chiếc áo khoác ra, đặt cuốn sổ khám bệnh lên bàn, chị Tư thong thả ngồi xuống ghế, thở nhẹ nhõm, uống hết ly nước đầy: “Sáng giờ đi khám bệnh, chờ đợi mấy tiếng đồng hồ, “mắc” quá mà phải ráng “nín”! Nhà vệ sinh gì vừa bước vào đã muốn nôn ọe, lẹ lẹ bước ra, không thể đi được”. Lúc này anh Tư đã hiểu ra câu chuyện, vẫn điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!

Anh Tư kể, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa hợp tác với các chuyên gia của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) xây dựng và khảo sát thí điểm Chỉ số hài lòng người bệnh Việt Nam thông qua phỏng vấn 3.000 người bệnh nội trú đã xuất viện qua điện thoại. Trong số 29 bệnh viện ở nhiều tỉnh thành, có đến 6 bệnh viện ở TPHCM. Kết quả, nhà vệ sinh vẫn là nơi người bệnh phiền toái nhất mỗi khi nhắc đến, chỉ đạt 3,58/5 điểm - thấp nhất trong các tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh được khảo sát.

Chị Tư bức xúc: Khắp các khoa phòng của bệnh viện đều quá tải người, và khu vực nhà vệ sinh cũng chung hoàn cảnh người người ra vào liên tục: cửa hư, sàn dơ bẩn, không có giấy, vòi nước hư, mùi hôi nồng nặc… Nhiều người nín không nổi, tay bịt mũi ráng mà đi!

Anh Tư nhớ lại, cách đây hơn chục năm, mấy đứa cháu đi học về, chưa kịp chào ông bà, ba mẹ, đã chạy lẹ vào nhà vệ sinh…! Tưởng mấy đứa nhỏ bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, hóa ra do gớm nhà vệ sinh dơ bẩn mà nín suốt từ trưa đến chiều! Nhiều năm liền, báo chí phản ánh liên tục khi học sinh “ám ảnh nhà vệ sinh trường học”, nhưng tình hình cũng không được cải thiện bao nhiêu. Nhiều học sinh vì mắc quá, không chịu được đành xin phép hoặc lén dùng nhà vệ sinh của giáo viên.

Nghe nỗi lòng của anh chị Tư, chú Tám cũng lên tiếng để chia sẻ: Thành phố mình đã rất nỗ lực “phủ sóng” hàng trăm nhà vệ sinh công cộng tập trung chủ yếu ở khu trung tâm Quận 1 bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Số lượng nhà vệ sinh vẫn chưa nhiều, nhưng tạm phục vụ du khách và người đi đường ở khu trung tâm thành phố khi có nhu cầu, hạn chế tình trạng tiêu tiểu bậy, góp phần xây dựng thành phố sạch đẹp, văn minh hơn.

Cũng do các nhà vệ sinh công cộng chủ yếu tập trung trên một số tuyến đường ở khu trung tâm thành phố nên hầu hết các quận, huyện còn lại đều “trắng” nhà vệ sinh. Ngay cả một số tuyến đường được đầu tư gần đây rất hiện đại, đẹp, lên đến hàng ngàn tỷ đồng như xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng,… vẫn thiếu nhà vệ sinh công cộng. Vì thế mà nhiều người đi xe máy, xe tải, xe khách,… vẫn vô tư tấp xe vào lề đường để “giải quyết bầu tâm sự”. Nhiều trạm xe buýt công cộng lại biến thành nhà vệ sinh công cộng, khách ngồi chờ xe bất đắc dĩ hít thở mùi thum thủm.

“Đi vệ sinh – giải quyết nhu cầu tối thiểu, hàng ngày ai ai cũng cần, dù đi đâu, ở đâu, làm gì, kể cả sau giấc ngủ. Thành phố cần đầu tư thêm, xây dựng nhà vệ sinh công cộng hiện đại phục vụ du khách, người dân; nhà hàng, quán ăn có nhà vệ sinh sạch sẽ phục vụ thực khách; bệnh viện phục vụ bệnh nhân; trường học phục vụ học sinh,… Nhà vệ sinh sạch đẹp, tiện nghi, không chỉ là nét đẹp văn hóa, còn thể hiện sự văn minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố” – anh Tư gửi gắm.

Tám Bờ Ga


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo