Cuối năm 1974, trên cơ sở nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị quyết của Tổng Quân ủy, Trung ương Cục đã họp đề ra phương hướng hoạt động trên toàn miền trong năm 1975 với yêu cầu cụ thể: “Đánh bại một bước cơ bản kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, tiêu diệt được nhiều, tiến lên tiêu diệt chiến đoàn, diệt một bộ phận quan trọng lực lượng bảo an dân vệ, giảm một số lượng lớn phòng vệ dân sự, diệt một số chi khu, giải phóng một số thị trấn, quận lỵ, làm chuyển biến một bước quan trọng phong trào vùng yếu, đưa phong trào đô thị - nhất là Sài Gòn - Gia Định tiến lên một bước tạo thêm sức ép buộc Mỹ phải thay đổi Thiệu để đẩy mạnh quá trình khủng hoảng suy sụp của địch và đưa cách mạng tiến lên”[1].
Từ quan điểm trên, Trung ương Cục tiến hành các cuộc hội nghị về quân sự, đánh phá bình định, đô thị, binh vận, xây dựng vùng giải phóng, vùng căn cứ và trực tiếp chỉ đạo từng khu trong B2 xây dựng kế hoạch mùa khô 1974 - 1975. Thực hiện quyết tâm của Trung ương Cục, Quân ủy Trung ương và Bộ Chỉ huy Miền xây dựng kế hoạch tác chiến trên toàn miền, chỉ đạo, chỉ huy đánh Đồng Xoài mở đầu cho Chiến dịch đường 14 - Phước Long ở Đông Nam Bộ.
Tháng 11 năm 1974, đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục và đồng chí Trần Văn Trà - Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, được Trung ương triệu tập ra Hà Nội họp Bộ Chính trị mở rộng mang theo Kế hoạch mùa khô 1974-1975 của chiến trường B2. Lúc này, đồng chí Hai Văn (tức Phan Văn Đáng) - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Trung ương Cục có mặt ở Hà Nội trước đó nhập vào Đoàn của chiến trường B2. Như vậy, tại cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 – 8/1/1975), đoàn đại biểu Trung ương Cục có ba nhà lãnh đạo chủ chốt của B2 tham dự. Trước khi họp Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương Cục đã làm việc cụ thể với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, với đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Trong các buổi trao đổi và báo cáo công tác, các đồng chí nhận thấy kế hoạch của Trung ương có những điểm khác với Trung ương Cục về chiến trường B2, nhưng các ông đã trao đổi cặn kẽ tạo được sự đồng thuận của Trung ương với B2. Nói về sự kiện này, trong hồi ký Những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng, Thượng tướng Trần Văn Trà nhớ lại: “Qua điện báo của anh Lê Đức Anh, tôi mới biết rằng chấp hành điện của anh Văn Tiến Dũng và của anh Ba, B2 đã điều chỉnh kế hoạch của chủ lực là không đánh Đồng Xoài, không dùng chủ lực lớn, pháo lớn và xe tăng mà chỉ đánh nhỏ thôi. Như vậy là các quân khu 6, 7, 8, 9 và Sài Gòn - Gia Định thuộc B2 vẫn hoạt động theo kế hoạch đã vạch ra lúc tôi còn ở nhà, có điều chỉnh một ít, chỉ riêng chủ lực của Miền vì không đánh lớn, không đánh Đồng Xoài nên chuyển lên đánh khu vực Bù Đăng hay Bù Na trên đường 14 quá về phía Bắc”[2].
Sau khi làm việc với Bộ Tổng Tham mưu và Quân ủy Trung ương, các đồng chí Phạm Hùng, Phan Văn Đáng và Trần Văn Trà đã trao đổi với nhau nhiều lần để đánh giá tình hình, đánh giá giai đoạn chiến lược lúc đó, về kế hoạch chung và riêng của B2, dựa trên những thảo luận của Trung ương Cục trước khi đi để chuẩn bị cho cuộc họp Bộ Chính trị bắt đầu từ ngày 18 tháng 12 năm 1974. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trong Hội nghị, các anh Phạm Hùng và Trần Văn Trà kịp thời xin ý kiến của đồng chí Bí thư thứ nhất và Quân ủy Trung ương cho phép giải phóng luôn thị xã Phước Long, có sử dụng một đại đội xe tăng và một đại đội pháo 130mm. Anh Ba chấp nhận và tôi cũng đồng ý”[3].
Chiến dịch Đường 14 - Phước Long diễn ra từ ngày 14 tháng 12 năm 1974 đến ngày 6 tháng 1 năm 1975 đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở Phước Long, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Những ý kiến từ thực tế chiến trường Khu 5, của Trung ương Cục và chiến thắng đường 14 - Phước Long đã góp phần củng cố quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976. Sau khi cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng kết thúc, Đoàn đại biểu Nam Bộ lên đường trở lại chiến trường. Từ ngày 13 đến 16 tháng 2 năm 1975, Trung ương Cục đã họp thông qua Kế hoạch hoạt động quân sự đợt 2 mùa khô của toàn B2, nhấn mạnh kế hoạch nổi dậy của quần chúng. Đây cũng chính là Hội nghị Trung ương Cục phổ biến, quán triệt tinh thần của Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng vừa diễn ra ở Hà Nội, quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Trước khi diễn ra Hội nghị quan trọng này, Trung ương Cục ra Chỉ thị số 02/CT ngày 7 tháng 2 năm 1975 về hoạt động của ta trong đợt 2 mùa khô 1974-1975 với yêu cầu “phải phấn đấu giành thắng lợi tối đa làm cho đợt 2 quyết định hoàn thành về căn bản kế hoạch của năm 1975, từ đó ta có điều kiện thuận lợi đẩy mạnh tấn công và nổi dậy cuối năm 1975 làm thay đổi so sánh lực lượng có ý nghĩa quyết định, tạo điều kiện cho năm 1976 càng liên tục”[4].
Trong lúc diễn tra Hội nghị Trung ương Cục, căn cứ vào tình hình thực tiễn chiến trường, ngày 14 tháng 3 năm 1975, Thường vụ Trung ương Cục điện cho các Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Quân ủy Miền yêu cầu phải “lao vào tiến công tiêu diệt địch” và hướng dẫn các cấp ủy bắt tay vào thực hiện những công việc khẩn cấp gồm 3 điểm lớn, trong đó có hướng dẫn “Xã giải phóng xã” gồm 5 việc; “Huyện giải phóng hoặc căn bản giải phóng” với 8 việc lớn.
Ngày 24 tháng 3, Thường vụ Trung ương Cục ban hành Thông tri số 07/TT gửi các địa phương chỉ đạo cuộc vận động chính trị tiến công binh, địch vận với 7 điểm chính sách binh vận mới, làm tan rã lớn ngụy quân, ngụy quyền và triệt nguồn bổ sung của địch, nhanh chóng xây dựng mạnh lực lượng ta về mọi mặt. Trong đó, lần đầu tiên Trung ương Cục yêu cầu các địa phương “thi đua tự lực tự cường xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”[5].
Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam không chỉ có giá trị đặc biệt đối với công tác giáo dục truyền thống, mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. (Ảnh: TTXVN)Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Cục, đợt 1 mùa khô từ tháng 12 tháng 1974 đến tháng 2 năm 1975 trên chiến trường B2, ta đã giải phóng 1 tỉnh, 4 huyện, 72 xã, 459 ấp, và giải phóng cơ bản 52 xã khác, với số dân 584.800 người. Ta đã tiêu diệt 22 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 25 tiểu đoàn ngụy, diệt 1.548 đồn, bốt trong đó có 1 tiểu khu, 8 chi khu, 3 yếu khu, 88 phân chi khu; phá hủy 108 máy bay, 110 tàu, 494 xe các loại, diệt 56.315 tên địch, thu 12.122 súng, 786 máy vô tuyến điện, 118 xe và 2 máy bay[6].
Từ đêm 9 rạng sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, B2 bước vào đợt 2 mùa khô 1974 - 1975 cũng là thời điểm mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền theo yêu cầu của Tổng hành dinh. Từ cuối tháng 3 năm 1975, “ta đã hoàn thành việc mở rộng và nối liền căn cứ quan trọng của ta hoàn chỉnh vững chắc từ Đồng Tháp Mười phía tây Sài Gòn chạy qua tây và bắc tỉnh Tây Ninh đến Phước Long, Chiến khu A bắc Biên Hòa và đến tỉnh Bình Tuy, Bà Rịa giáp biển Đông: Sài Gòn thực tế đã bị bao vây từ tây qua bắc và đông bắc”[7].
Từ thực tế chiến trường, sau khi tiếp nhận các ý kiến chỉ đạo từ Hà Nội, Trung ương Cục đã ra Nghị quyết đặc biệt của Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 15 ngày 29 tháng 3 năm 1975, chỉ đạo các khu ủy (chuyển ngay cho các tỉnh ủy), Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Phước, Quân ủy Miền và các ban ngành Trung ương Cục thực hiện. Hội nghị nhận định, bắt đầu từ đợt 2 mùa khô, cách mạng miền Nam đã chuyển lên nhảy vọt, phát triển thành cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Trung ương Cục xác định: “Nhiệm vụ trực tiếp khẩn cấp của toàn Đảng bộ ta là: động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung cao nhất mọi sức mạnh tinh thần và lực lượng của mình, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp ba mũi giáp công, ba thứ quân, ba vùng, vùng lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nhanh chóng đánh sập toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân với khí thế tấn công quyết liệt, thần tốc, táo bạo và quyết giành toàn thắng, giải phóng xã mình, huyện mình, tỉnh mình và toàn miền Nam”[8].
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tổng quan và cao nhất này, Trung ương Cục xác định ba nội dung lớn phải thực hiện là công tác tư tưởng; kế hoạch phát triển tiến công và xây dựng lực lượng; kế hoạch tiếp thu quản lý vùng giải phóng ở từng địa bàn với những hướng dẫn rất cụ thể. Trung ương Cục kêu gọi quân và dân toàn Miền: “Thời cơ chiến lược giành toàn thắng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam đã đến… Tất cả hãy vươn lên với khí thế táo bạo, thần tốc, quyết chiến và quyết thắng. Tất cả cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch. Toàn thắng ắt về ta”[9].
Trong lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương, Trung ương Cục vừa chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, vừa chủ động quyết đoán xây dựng và thực hiện các quyết sách. Sau này, Đại tướng Lê Đức Anh cho biết: “Sau khi giải phóng Phước Long, Bộ Tư lệnh Miền bắt tay vào kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn. Chúng tôi thảo phương án sử dụng lực lượng, lấy lực lượng tại chỗ là chủ yếu, tính toán kỹ thấy thiếu một quân đoàn. Bộ Tư lệnh Miền họp thống nhất điện xin Trung ương đưa Quân đoàn 3 vào tăng cường cho B2. Cả Bộ Tư lệnh Miền gần như thống nhất là sẽ giải phóng Sài Gòn vào tháng 4, vì sang tháng 5 đã vào đầu mùa mưa ở Nam Bộ… Cùng với việc soạn thảo kế hoạch là xây dựng “quyết tâm chiến đấu”, sơ đồ đã phác ra 5 hướng tấn công của chủ lực và lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị tại chỗ đánh vào sào huyệt cuối cùng của quân thù”[10].
Bên cạnh đó, Thượng tướng Trần Văn Trà cũng cho biết: “Nghiên cứu kỹ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, cân nhắc kỹ tình hình, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền chúng tôi vạch một kế hoạch tấn công Sài Gòn với lực lượng bản thân hiện có, được Trung ương Cục nhất trí báo cáo ra Trung ương. Kế hoạch 5 hướng tấn công vào nội đô, những đơn vị địch cần phải diệt, các mục tiêu phải đánh chiếm đều đã có dự kiến sẵn”[11]. Theo kế hoạch này thì hướng đông Quân đoàn 4 gồm các Sư đoàn 7, Sư đoàn 341, Sư đoàn 6 đảm nhận; hướng tây bắc do Sư đoàn 9, các Trung đoàn 16, 271B đảm trách; hướng tây do Đoàn 232 (mới thành lập) gồm Sư đoàn 5 và Sư đoàn 3 đảm nhiệm; hướng nam do các trung đoàn 88 và 24 của Quân khu 8 đảm nhiệm; hướng bắc do Trung đoàn Gia Định, nếu có lực lượng ở ngoài vào tăng cường thì sẽ tăng cường cho hướng này, nếu không có thì thay vào đó là lực lượng đặc công, biệt động tại chỗ. Đối với lực lượng đặc công và biệt động nội thành, Bộ Tư lệnh Miền quyết định lập ba bộ chỉ huy ba cánh: Hướng bắc Sài Gòn, cánh tây nam và cánh đông[12]. Như vậy, Trung ương Cục, Quân ủy - Bộ Chỉ huy Miền đã chủ động vạch kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn. Nhưng với lực lượng tại chỗ gồm Quân đoàn 4, Đoàn 232 và lực lượng vũ trang địa phương, việc đánh chiếm Sài Gòn của B2 vẫn thành công nhưng chắc chắn tốn nhiều xương máu, thời gian kéo dài hơn. Ngày 3 tháng 4, Đoàn A75 vào đến Nam Bộ và ngày 7 tháng 4, đồng chí Lê Đức Thọ cũng có mặt ở Trung ương Cục, sau khi nghe báo cáo kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn của B2, các đồng chí đều nhận xét: “Kế hoạch làm tốt, nhưng phải thêm quân”[13].
Sau hai đòn tiến công chiến lược Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, ta đã quét sạch ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng một vùng rộng lớn từ Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung. Ngày 29 tháng 3, Bộ Chính trị điện cho Trung ương Cục: “Trên thực tế, có thể coi chiến dịch Sài Gòn bắt đầu từ đây”[14]. Ngày 1 tháng 4, Bộ Chính trị lại điện chỉ đạo tiếp: “Thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu”[15]. Cũng trong điện này, Bộ Chính trị thông báo cho lãnh đạo, chỉ huy chiến trường: “Trong khi Trung ương Cục và Quân ủy Miền vẫn làm nhiệm vụ như hiện nay, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Sài Gòn để tập trung, thống nhất cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với chiến trường trọng điểm này”[16].
Ngày 9 tháng 4, Đoàn A75 của Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng đồng chí Lê Đức Thọ họp với Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền, các cán bộ chủ chốt trong các cơ quan của Miền thống nhất thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị. Hội nghị quyết định về cách làm việc và phân công rành mạch: Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền vẫn chịu trách nhiệm như cũ, chỉ đạo, chỉ huy cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong toàn B2, đặc biệt chỉ đạo sát cuộc nổi dậy của quần chúng ở Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Trung ương Cục đặc trách công tác nổi dậy của quần chúng, nhất là Sài Gòn. Đồng chí Võ Văn Kiệt - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục chỉ đạo tiếp quản Sài Gòn, điều khiển kế hoạch và tổ chức quân quản Thành phố. Cũng tại cuộc họp này, đồng chí Lê Đức Thọ công bố quyết định của Bộ Chính trị về Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (sau này có bổ sung thêm) gồm: Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy, Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Trung tướng Đinh Đức Thiện, làm Phó Tư lệnh. Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền làm Quyền Tham mưu trưởng, Trung tướng Lê Quang Hòa làm Phó Chính ủy.
Bộ Tư lệnh và các cơ quan của B2 vừa làm nhiệm vụ chỉ huy B2 vừa là cơ quan của Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh được tăng cường thêm các cán bộ của Đoàn A75. Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh sử dụng 5 quân đoàn tiến công Sài Gòn theo 5 hướng gần giống với 5 mũi tổng tiến công như Trung ương Cục vạch ra trước đây. Đó là các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232. Trong đó, lực lượng B2 tham gia chiến dịch gồm có Quân đoàn 4 và Đoàn 232, cùng 5 trung đoàn đặc công, biệt động và lực lượng vũ trang tại chỗ.
Bạn Nguyễn Thị Như Nguyệt, tỉnh Trà Vinh, tham quan các di tích kháng chiến đang lưu giữ tại nhà trưng bày Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. (Ảnh: TTXVN)Trong suốt tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị và Ban Bí thư liên tục điện cho Trung ương Cục hướng dẫn các mặt công tác trong thời điểm quyết định này. Theo đó, Trung ương Cục đã liên tục chỉ đạo các khu, các tỉnh, thành trên toàn Miền. Ngày 6 tháng 4, Thường vụ Trung ương Cục điện cho các đảng bộ về đẩy mạnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng thành thị. Đến ngày 10 tháng 4, Thường vụ Trung ương Cục chỉ thị cho Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Quân ủy Miền về chuẩn bị công tác tiếp quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Trong bức điện, Thường vụ Trung ương Cục nêu rõ yêu cầu, đặc điểm của công tác tiếp quản; Nhiệm vụ của Ủy ban Quân quản. Về thành phần và bộ máy của Ủy ban Quân quản, Thường vụ Trung ương Cục chỉ định: 1 đồng chí Trung ương Cục phụ trách, 1 đồng chí trong Quân ủy Miền, 1 đồng chí Tư lệnh Quân đoàn 4, một vài đồng chí trong Thành ủy, 1 đồng chí Tư lệnh Thành đội, 1 đồng chí phụ trách công tác an ninh - tình báo, 1 đồng chí phụ trách các vấn đề kinh tế tài chính và 1 đồng chí phụ trách công tác tuyên truyền, văn nghệ, giáo dục và y tế[17].
Trong không khí sôi sục, dồn dập của cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Xuân 1975, Trung ương Cục rất chủ động cho công tác tiếp quản Sài Gòn khi Chiến dịch Hồ Chí Minh còn chưa bắt đầu. Ngày 15 tháng 4, Thường vụ Trung ương Cục lại gửi thông tri cho Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, các khu ủy, quân khu ủy về việc tiếp thu những cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật trong đô thị giải phóng. Ngày 22 tháng 4, Thường vụ Trung ương Cục lại tiếp tục thông tri cho các khu ủy, Quân ủy Miền, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định để hướng dẫn quần chúng nhân dân nổi dậy tổng công kích, tổng khởi nghĩa trước sự kiện Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Ngày 28 tháng 4, Thường vụ Trung ương Cục lại chỉ thị cho toàn B2 về việc lãnh đạo tiếp quản các thành phố, thị xã và thị trấn. Ngày 29 tháng 4, Thường vụ Trung ương Cục tiếp tục ra Thông tri về việc tiếp quản và sử dụng các cơ sở thông tin, văn hóa, giáo dục của địch ở các thành thị.
Chiều ngày 26 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, năm cánh quân chủ lực đồng loạt đánh vào vùng ven Sài Gòn rồi phát triển vào nội đô để 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4, cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 21 năm ròng rã của dân tộc đã toàn thắng. Các tỉnh còn lại của đồng bằng sông Cửu Long được giải phóng vào ngày 1 và 2 tháng 5 năm 1975. Ngày 1 tháng 5 năm 1975, Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, được Bộ Chính trị chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định và cùng ngày có mặt ở Thành phố để ngày 5 tháng 5, Ủy ban Quân quản Thành phố ra mắt đồng bào.
Như vậy, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) cũng như trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975, Trung ương Cục, Thường vụ Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền đã có những đóng góp xứng đáng, trực tiếp quyết định trên chiến trường B2 thành đồng.
TS Lưu Trần Luân
Nguyên Ủy viên Hội đồng biên tập - xuất bản, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật
_______________________
[1] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn phòng, Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946-1975, tập 18 (1974-1975), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 571.
[2] Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 425.
[3] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 163.
[4] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn phòng, Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946-1975, Tập 18 (1974-1975), Sđd, tr.682.
[5] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn phòng, Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1945-1975, Tập 18 (1974-1975), Sđd, tr.733.
[6] Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng, Sđd, tr. 453.
[7] Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng, Sđd, tr. 469-470.
[8] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn phòng: Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946-1975, Tập 18 (1974-1975), Sđd, tr.742.
[9] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn phòng, Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946-1975, Tập 18 (1974-1975), Sđd, tr.747.
[10] Đại tướng Lê Đức Anh, Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.223.
[11] Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng, Sđd, tr.476.
[12] Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng, Sđd, tr.467.
[13] Đại tướng Lê Đức Anh, Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng (Hồi ký), Sđd, tr.223.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36 (1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.91.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36 (1975), Sđd, tr.95.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36 (1975), Sđd, tr.97.
[17] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn phòng, Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946-1975, Tập 18 (1974-1975), Sđd, tr.795.