Thứ Tư, ngày 14 tháng 5 năm 2025

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nhiều dự án Luật sửa đổi

Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 25/4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Chính phủ đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các Luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách và xác định 7 Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Trong số các nội dung được sửa đổi, bổ sung, đáng lưu ý là phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đơn vị sự nghiệp công lập được điều chỉnh theo hướng chỉ áp dụng đối với dự án của DNNN có sử dụng trên 50% vốn ngân sách nhà nước trong tổng mức đầu tư của dự án.

Đối với gói thầu thuộc dự án sử dụng dưới 50% vốn ngân sách và các dự án đầu tư khác, doanh nghiệp nhà nước tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình. Dự thảo cũng cho phép đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu khi thực hiện hoạt động đấu thầu không sử dụng ngân sách nhà nước nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị này.

Với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), dự thảo luật bổ sung quy định cho phép cá nhân được là nhà đầu tư được tham gia dự án PPP; cho phép áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng công trình; bổ sung trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án PPP khi thương mại hoá sản phẩm khoa học, công nghệ không hiệu quả...

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh cho biết Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật này. Liên quan đến phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu đối với DNNN, ông Lê Quang Mạnh nhận định, quy định “chỉ áp dụng đấu thầu đối với dự án của DNNN có sử dụng trên 50% vốn ngân sách nhà nước trong tổng mức đầu tư của dự án” giúp tăng tính tự chủ, giải phóng nguồn lực cho DNNN, nhưng cần làm rõ cơ sở pháp lý, thực tiễn, tiêu chí xác định tỷ lệ 50% và đánh giá tác động chính sách. Bên cạnh đó, đây là thay đổi chính sách lớn, đề nghị Chính phủ báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về nội dung cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan thẩm tra cho rằng, đây là nội dung sửa đổi lớn và được bổ sung sau khi hồ sơ luật được Bộ Tư pháp thẩm định, do đó Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình, đánh giá kỹ về tác động chính sách để UBTVQH, Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định…

Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng thống nhất với việc trình nội dung sửa 7 luật ra Quốc hội, song đề nghị Chính phủ cần rà soát kỹ vì dự án luật có nhiều điểm mới, phạm vi sửa đổi rộng, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tập trung ưu tiên những vấn đề cấp bách cần giải quyết trong thực tiễn như tinh gọn bộ máy, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình

Cùng với việc sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nhiều dự án luật có liên quan để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo rà soát các dự án luật và đối chiếu với các quy định để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý cơ quan soạn thảo rà soát nhằm bảo đảm sửa đổi, bổ sung phải là những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, có khả năng triển khai thực hiện ngay để giải quyết các khó khăn, ách tắc hiện nay nhằm tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng. Cần thực hiện đúng quan điểm của Nghị quyết 27, chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, được thực tế chứng minh là đúng để có sự đồng thuận và thống nhất cao. Đồng thời, thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đối với nhưng vấn đề mới, lớn vượt quá thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ cần báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền như: đối tượng áp dụng, hình thức lựa chọn nhà thầu; Nhà đầu tư của Luật Đấu thầu; quy định những khó khăn, vướng mắc trong các dự án BOT trong Luật PPP. Đối với các chính sách không quy định tiền kiểm, cần quy định cơ chế hậu kiểm. Việc quản lý theo kết quả cần phải đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí để xác định lượng hóa các kết quả đầu ra, phân cấp, phân quyền phải gắn với trách nhiệm cụ thể.

Cùng ngày, UBTVQH cũng cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND). Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành luật. Về hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân, Ủy ban tán thành với dự thảo luật và đề nghị tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định liên quan trong Luật Tổ chức VKSND hiện hành nhằm thực hiện đầy đủ, đúng đắn yêu cầu của Đảng về hệ thống VKSND có 3 cấp (VKSND Tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực), kết thúc hoạt động của VKSND cấp cao và VKSND cấp huyện.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo