Thứ Tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Toàn cảnh Phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

(Thanhuytphcm.vn) - Thực hiện phiên họp thứ 38, ngày 7/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Chính phủ trình dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối tượng áp dụng khi xây dựng chính sách đã xác định “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác” là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ. Trong quá trình nghiên cứu, để đảm bảo thống nhất với nguyên tắc nhà nước quản lý theo dòng vốn đầu tư và theo đúng phần vốn góp tại doanh nghiệp, trên cơ sở ý kiến đề nghị của các doanh nghiệp, các bộ, ngành, đơn vị có liên quan, Chính phủ thống nhất dự thảo Luật không đưa đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật và giao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước chịu trách nhiệm. Theo đó, về đối tượng áp dụng gồm: (1) Doanh nghiệp nhà nước theo quy định của luật doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên; (2) Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư của nhà nước; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Dự án Luật còn nhiều nội dung, chính sách mới cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng dự án Luật. Quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, để khẩn trương tháo gỡ, sửa đổi các vướng mắc về quy định pháp lý gây cản trợ hoạt động, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất trình Quốc hội xem xét dự án Luật này tại kỳ họp thứ 8.

Một số ý kiến cho rằng để bảo đảm căn cứ chính trị, đề nghị chưa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 cho đến khi hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết số 12-NQ/TW. Có ý kiến đề nghị chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định đang tồn tại, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho doanh nghiệp Nhà nước gắn với quy định về kiểm tra, giám sát doanh nghiệp Nhà nước, đảm bảo sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với nguồn lực nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhưng nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp; giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Việc sửa đổi Luật phải giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại liên quan đến đầu tư vốn tại doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ phiên họp, các thành viên UBTVQH đều cho rằng, dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một luật khó, có nhiều nội dung mới, vấn đề phức tạp nên cần phân tích sâu, nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc sửa đổi Luật phải đáp ứng được yêu cầu mà các Nghị quyết của Đảng, cơ quan Trung ương đề ra…

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị việc sửa đổi Luật là phải làm rõ nhiệm vụ nào do Quốc hội quy định, trách nhiệm nào do Chính phủ thực hiện; tăng cường phân cấp, phân quyền của các Bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp; tính đồng bộ, thống nhất của dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp với các luật liên quan khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc sửa đổi Luật cũng phải đảm bảo giảm chi phí cho doanh nghiệp, hạn chế cơ chế xin cho; đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó là dự án Luật phải xử lý triệt để những vướng mắc hiện nay liên quan đến đầu tư vốn tại doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đây là một luật hết sức quan trọng, có nhiều nội dung khó, mới và phức tạp. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng dự án Luật, đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến; trường hợp không kịp tiếp thu giải trình, Chính phủ đề xuất thời điểm báo cáo Quốc hội phù hợp, không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng của luật; tinh thần ưu tiên hàng đầu là đảm bảo chất lượng dự án Luật.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo