Thứ Bảy, ngày 4 tháng 1 năm 2025

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn về việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn

(Thanhuytphcm.vn) - Trong khuôn khổ phiên họp thứ 26, sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 26, UBTVQH sẽ chất vấn hai nhóm vấn đề. Một là, về việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Hai là, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hai nhóm vấn đề này được lựa chọn trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, ý kiến, kiến nghị của cử tri, dư luận xã hội.

Là người đầu tiên chất vấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi cho biết, tổng dân số của 53 dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14% nhưng tỷ lệ hộ nghèo rất cao, cứ 3 người đồng bào dân tộc thì có một người nghèo và 2 người nghèo của cả nước thì có 1 người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đáng quan tâm là thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số rất thấp so với bình quân của cả nước và có nơi chỉ bằng 1/3 bình quân thu nhập của cả nước. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch về giàu nghèo giữa các vùng miền và đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số với các dân tộc khác. ĐB đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thông tin, số hộ nghèo cả nước tính đến cuối năm 2017 là 1,642 triệu người thì hộ dân tộc thiểu số nghèo chiếm đến 52,66% và thực tế thu nhập bình quân không phải bằng 1/3 mà chỉ được 7 - 8 triệu đồng/người/năm đối với nhiều nhóm dân tộc và nhiều miền, vùng. Như vậy, so với bình quân chung của cả nước (37 triệu đồng) thì chỉ bằng 1/5.

Ủy ban Dân tộc đã tham mưu, phối hợp với Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chính sách này nhằm giải quyết căn bản hỗ trợ cho đồng bào về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện còn một số khó khăn nên hiệu quả chưa đạt được. Xác định hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, trong đó có trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc với vai trò là cơ quan tham mưu chính, Ủy ban đã đưa ra nhiều giải pháp. Đầu tiên là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là giao thông, thông tin kết nối vùng dân tộc thiểu số với vùng động lực phát triển. Thứ hai là phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số của miền núi. Thứ ba là phải tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số mà quan trọng số 1 đó là phải ổn định dân cư, trong đó chỉ riêng khu vực Tây Nguyên đã có 19.000 hộ cần phải ổn định, đưa vào các điểm tái định cư. Bên cạnh đó phải tạo sinh kế, giải quyết đất sản xuất, nước sinh hoạt, đất ở cho đồng bào; hỗ trợ khi khởi sự kinh doanh và kết nối được thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con, để con tự hào về nguồn cội của mình, tự tin là mình có thể làm được và tự lực phát huy nội lực, tự vươn lên, không trông chờ vào nhà nước.

“Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, cần nhất là phải tích hợp tất cả các chính sách lại để thành một chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nêu quan điểm và cho rằng, trong lúc còn khó khăn về đất ở, đất sản xuất thì việc đào tạo nghề cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng là một giải pháp căn cơ để có thể khắc phục được khó khăn hiện nay, có việc làm và tăng thu nhập.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại phiên chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại phiên chất vấn

Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, để phát triển vùng dân tộc thiểu số miền núi từng bước nâng cao trong thời gian tới, các bộ ngành cần quyết liệt xây dựng mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách cho các địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số; các chính sách đặc thù về dân tộc thiểu số nhất là các thôn, bản khó khăn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình yêu cầu các bộ, ngành phối hợp các địa phương phát triển cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn phát huy bản sắc của các dân tộc; tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục đào tạo thực hiện hiệu quả nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo, tiền cho con em dân tộc vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; đầu tư hệ thống y tế trên 3 phương diện như bệnh viện huyện, trạm y tế xã, nâng cao chất lượng dân số thể trạng người dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững…

Tại phiên chất vấn, một số ĐBQH còn đề cập đến việc thực hiện chính sách bồi thường, tái định cư cho các hộ dân khi thực hiện các công trình thủy lợi; vấn đề an toàn hồ đập hay lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Triển khai chương trình dạy song ngữ cho học sinh miền núi

Trả lời chất vấn của đại biểu về giáo dục miền núi, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Trong thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để đảm bảo bố trí đủ biên chế giáo viên; triển khai chương trình dạy song ngữ; cấp sách giáo khoa cho vùng khó khăn; biên soạn chương trình giáo dục phù hợp địa phương; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyện và triển khai đề án kiên cố hoá trường lớp vùng khó khăn; hướng dẫn các địa phương dồn điểm trường lẻ thành điểm chính, đảm bảo các cháu tiểu học gần nhà;… 

Còn về chính sách cử tuyển, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, giai đoạn trước chính sách này thực hiện rất tốt nhưng gần đây xem ra không hiệu quả. Khi người được cử tuyển học xong về không bố trí được việc làm. Có trường hợp cử đi chưa trúng, chất lượng học của cán bộ chưa cao,... Do đó, cần cử người thực sự gắn với đầu ra, để người đó ra thực sự là hạt giống về phục vụ cho địa phương.

Vân Thanh - Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo