Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng GDP, tăng năng suất lao động

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023.

Phiên họp tập trung thảo luận về: tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2023, tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng cuối năm 2023, dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kết hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.

Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, về công tác chỉ đạo điều hành, trong tháng 11, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, chú ý lắng nghe, phản ứng chính sách kịp thời, trong đó trình Quốc hội thông qua chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế-xã hội tháng 11 tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 3,22%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay tiếp tục xu hướng giảm (giảm bình quân khoảng 2-3% so với cuối năm 2023); an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước đạt 94,9% dự toán, ước cả năm vượt mục tiêu đã đề ra do tháng 12 thường có tỷ trọng thu cao, tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. 

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trong 11 tháng qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên ngoài và bên trong nhưng chúng ta đã nỗ lực phấn đấu, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, sức ép lạm phát vẫn cao; tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, vướng mắc; một số cơ quan, đơn vị, cá nhân còn ngại việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sự quyết tâm, quyết liệt chưa cao…

Nêu rõ, chỉ còn hơn 20 ngày nữa là sẽ kết thúc năm 2023 và còn khoảng 1 tháng nữa sẽ tiến hành hội nghị tổng kết năm 2023, Thủ tướng yêu cầu trong tháng 12, cần phấn đấu đạt kết quả cao nhất với các chỉ tiêu khó đạt như đã báo cáo Quốc hội, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng GDP, tăng năng suất lao động, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo…

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 12 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện các nghị quyết, kết luận của Trung ương; các luật, nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, đầu tư công năm 2024... đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6; các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn bị tốt các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các nghị quyết trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường sắp tới. Tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu chưa đạt trong kế hoạch năm 2023.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách; phấn đấu tăng thu, đồng thời, kiểm soát chi, tiết kiệm triệt để chi ngân sách. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu dùng).

Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Trong đó, thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ; tập trung phát triển kinh tế tại các đô thị lớn để tiếp thêm động lực cho tăng trưởng. Tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chíp bán dẫn, linh kiện… Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen.

Song song đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch. Phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023. Thực hiện các thủ tục chuyển 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công hằng năm cho Bộ Giao thông vận tải và 8 địa phương để triển khai thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia. Khẩn trương trình Chính phủ Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư... đã ban hành.

Thủ tướng cũng chỉ đạo triển khai quyết liệt, bảo đảm tiến độ, chất lượng các đề án, nhiệm vụ, công việc được giao hoàn thành trong năm 2023. Hoàn thành 3 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 70 km (cầu Mỹ Thuận 2, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Tuyên Quang - Phú Thọ); hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia…

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung làm tốt công tác chuẩn bị và tổng kết năm 2023; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp vụ cụ thể bảo đảm sát thực tế, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm cho năm 2024 để thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm và tiếp tục xử lý những vấn đề tồn đọng, yếu kém.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân theo tinh thần tháng sau hiệu quả hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo