Khoanh vùng dập dịch triệt để
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo về giải pháp, kết quả công tác phòng chống dịch COVID – 19. Tại TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tính từ ngày 5/2 đến 10/2, TPHCM đã phát hiện 35 trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, bao gồm 9 nhân viên làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa tại Sân bay Tân Sơn Nhất và 26 người khác có liên quan đến nhóm nhân viên bốc xếp tại sân bay. Qua đánh giá sơ bộ, hầu hết các trường hợp này đều không có triệu chứng và không diễn biến nặng, nhiều trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính rất nhanh sau một thời gian ngắn điều trị. Kết quả giải mã bộ gen từ các ca bệnh ở tổ bốc xếp tại sân bay, nhiều khả năng các ca bệnh này xuất phát từ một nguồn lây, chủng gây bệnh là nhóm công nhân bốc xếp tại sân bay chủng A. 23.1, không phải tuýp chủng lây lan nhanh có từ Anh.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, liên quan đến chùm ca bệnh này, ngành y tế TPHCM đã triển khai là điều tra, truy vết người tiếp xúc, phong tỏa tạm thời 36 địa điểm ổ dịch để tiêu độc, khử trùng và điều tra, xét nghiệm tầm soát. TP cũng đã mở rộng tầm soát trong cộng đồng đối với các địa điểm có nguy cơ như: khu công nghiệp, khu nhà trọ, chợ dân sinh,… Kết quả đã xét nghiệm 2.946 trường hợp F1 và F2 của 35 ca bệnh không phát sinh thêm ca nhiễm. Đồng thời, TPHCM đã xét nghiệm cho 9.864 người trong cộng đồng tại các địa điểm khu vực liên quan đến ca bệnh; xét nghiệm kiểm tra cho hơn 2.700 nhân viên y tế của 5 bệnh viện tại TP có liên quan đến các ca bệnh cũng không phát hiện người nhiễm. TPHCM đã tổ chức chiến dịch giám sát chủ động theo chiến dịch của Bộ Y tế đối với các địa điểm nguy cơ (5 bến xe liên tỉnh, 2 bến xe nội đô, 3 chợ đầu mối, 35 chợ địa phương và 25 khu nhà trọ, khu lưu trú của công nhân). Trong 4 ngày thực hiện, từ ngày 11/2 (tức 30 tết) đến 14/2 (tức mùng 3 Tết) đã có 6.551 người được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả 6.504 người âm tính, còn 47 người đang chờ kết quả.
Về các công việc sắp tới, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, TP kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly- Khoanh vùng - Dập dịch. Khẩn trương điều tra, truy vết người tiếp xúc nếu phát hiện thêm ca bệnh COVID-119 trong cộng đồng, khoanh vùng dập dịch triệt để tại những địa điểm liên quan. Yêu cầu người dân thực hiện biện pháp 5K của Bộ Y tế, trong đó nghiêm túc việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và tại nơi công cộng; thực hiện xử phạt nghiêm việc không chấp hành đeo khẩu trang. Phối hợp giữa cơ sở y tế của TP và Trung ương trên địa bàn TP đảm bảo công suất xét nghiệm 15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể huy động lên đến 25.000 – 30.000 mẫu đơn để tầm soát các đối tượng nguy cơ, phát hiện sớm nhằm ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, trong các cơ sở y tế, cơ quan đơn vị.
Về vấn đề vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thông tin, cuối tháng 2, nếu sắp xếp kịp chuyến bay và hoàn thiện tốt các thủ tục thì có vaccine theo 2 nguồn là nguồn từ chương trình COVAX (do Tổ chức Y tế thế giới khởi xướng nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với các loại vaccine ngừa COVID-19) là 4,8 triệu liều và nhập khẩu hơn 117.000 liều. Chúng ta sẽ có khoảng 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho 5 triệu người. Việt Nam là một trong những nước ở Đông Nam Á tiếp cận vaccine COVID-19 tương đối tốt.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND TPHCM. Trong tháng 2 phải có được vaccine
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương trong cả nước ta phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn, linh hoạt hơn trên tinh thần là đẩy mạnh chiến lược phòng, chống dịch, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng và nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc. “Trong trong lúc này, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng ở một số TP lớn, một số tỉnh tập trung nhiều công nhân như TP. Hà Nội, tỉnh Hải Dương…” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, UBND các tỉnh, TP, trước hết là 20 tỉnh, thành trong đó có 13 tỉnh, thành đã có xuất hiện ổ dịch và 7 tỉnh biên giới có những hành động cụ thể tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 phù hợp với hoàn cảnh của địa phương mình nghiêm túc, chặt chẽ, kịp thời. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đồng ý dừng các lễ hội, các hoạt động tôn giáo tập trung đông người; đồng thời đề nghị xem xét việc đi học cụ thể ở các địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương thực hiện chủ trương này.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, nhất là đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Trong đó, các nhà máy, xí nghiệp phải có phương án phòng, chống dịch trước khi bắt tay vào sản xuất và các cơ quan chức năng, nhất là các địa phương và ngành y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. “Chúng ta không đặt vấn đề dừng sản xuất kinh doanh nhưng sản xuất kinh doanh phải bảo đảm an toàn” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành y tế, các địa phương xét nghiệm lại các chuyên gia vào Việt Nam một cách nghiêm túc. Phải quản lý chặt chẽ các khu vực cách ly, khu vực bị phong tỏa, không để lây nhiễm chéo trong khu vực bị cách ly, bị phong tỏa. Lực lượng quân đội đảm nhận các khu cách ly tập trung. Bên cạnh đó phải tăng cường, khai báo y tế, siết lại những biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở lưu trú và cần có quy trình chuẩn xử lý những ca nghi nhiễm COVID-19.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các địa phương đang có dịch tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhanh chóng dập tắt dứt điểm dịch bệnh. Thủ tướng thống nhất việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với toàn bộ tỉnh Hải Dương để ngăn chặn dịch một cách quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Thủ tướng cũng đề nghị TPHCM, Hà Nội có thể giãn cách một số khu vực có khả năng lây nhiễm cao.
Đề cập đến vaccine phòng bệnh COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tiếp tục khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhập khẩu vaccine để sớm đưa vaccine về Việt Nam phục vụ người dân. Trong lúc này, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ. Trong tháng 2 phải có được vaccine từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX và nguồn nhập khẩu, đồng thời với đó là đẩy mạnh sản xuất trong nước. Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định cụ thể việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vaccine để triển khai thực hiện.