Thứ Tư, ngày 16 tháng 7 năm 2025

Ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ nước

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua các luật chiều 27/11

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 27/11, với 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%), Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Trước khi thông qua luật, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Báo cáo nêu rõ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ nước; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; khuyến khích thực hiện các hoạt động tích trữ nước; ứng dụng và phát triển công nghệ trong tích trữ nước; ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các hải đảo, vùng khan hiếm nước; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường quy định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định liên quan đến lượng nước được cấp phép để có thể linh động hơn trong điều kiện bình thường và bất thường vì giấy phép khai thác nước chỉ quy định một giá trị lưu lượng trong điều kiện khai thác bình thường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, việc điều chỉnh lưu lượng khai thác trong điều kiện bình thường đã được thể hiện trong giấy phép thông qua hạn ngạch khai thác nước được quy định và điều kiện bất thường thông qua phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước quy định tại dự thảo luật.

Về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, có ý kiến đề nghị cần xác định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng cho từng dự án cụ thể để tăng cường trách nhiệm của chủ dự án khi lựa chọn áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xử lý nước thải. UBTVQH nhận thấy, để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, dự thảo luật đã quy định sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước theo 3 cấp độ; đồng thời, đã quy định giao UBND cấp tỉnh có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi theo quy định của pháp luật. Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng đối với từng dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho biết, dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý, bổ sung quy định về đảm bảo cơ chế chính sách về tài chính cho các hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Dự thảo cũng đã bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông (như đang được bắt đầu với sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy thông qua xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy)…

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Các đại biểu (ĐB) đều nhất với sự cần thiết về sửa đổi Luật Lưu trữ để thể chế, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác lưu trữ trong điều kiện mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với chủ trương về Chính phủ số và xã hội số.

Quốc hội chiều 27/11 Quốc hội chiều 27/11

Đáng chú ý, ĐB Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, với định nghĩa tài liệu lưu trữ như trong dự thảo thì hiện nay số lượng tài liệu lưu trữ tư trong cộng đồng là tương đối lớn. Tuy nhiên, các loại tài liệu này hiện nay phần lớn đang được lưu trữ dưới hình thức rất đơn giản, thậm chí chủ yếu đang nằm trong rương, hòm tại các gia đình, dòng họ, chưa được đánh giá để phát huy giá trị vốn có. Vì vậy, để khuyến khích sự tự nguyện tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư, ĐB Hiếu cho rằng, cần có thêm những chính sách cho phép người dân đăng ký để được đánh giá giá trị của các tài liệu lưu trữ một cách miễn phí. Bên cạnh đó, thay vì chỉ quy định để cá nhân, tổ chức được ký gửi miễn phí tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt vào lưu trữ lịch sử, dự thảo luật nên quy định các cơ quan lưu trữ nhà nước có thể ký hợp đồng bảo quản miễn phí hoặc có chi phí thấp đối với các kho tài liệu lưu trữ của các gia đình, dòng họ, tổ chức có số lượng tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt ở một quy mô nhất định.

Cùng quan điểm, ĐB Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu có cơ chế để người dân tự nguyện công bố tài liệu lưu trữ tư để phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Đồng thời, có cơ chế xác định giá trị tài liệu cũng như công bố giá trị tài liệu để những người có nhu cầu có thể khai thác được giá trị của tài liệu lưu trữ.

ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho biết công tác văn thư, lưu trữ có vai trò quan trọng, giá trị vô cùng to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo tồn văn hóa lưu trữ tiến trình phát triển của dân tộc ta, làm tiền đề hòa nhập vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên thế giới. ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức khi xảy ra sai phạm vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ lưu trữ nhằm xử lý kịp thời, đúng kịp thời, tính chất, mức độ hành vi vi phạm, đảm bảo đúng quy định pháp luật…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo