Thứ Tư, ngày 15 tháng 1 năm 2025

Tuyển sinh đại học phải bảo đảm công bằng, chất lượng

Toàn cảnh hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 9/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị giáo dục đại học (GDĐH) năm 2024 với chủ đề “Tăng cường nguồn lực đầu tư bứt phá, nâng cao chất lượng giáo dục đại học”.

Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 cao hơn năm 2022 ở tất cả các trình độ và hình thức đào tạo. Kết quả thực hiện chỉ tiêu năm 2023 cũng tăng, góp phần mở rộng quy mô đào tạo các trình độ của GDĐH. Năm 2024, quy mô đào tạo đại học chính quy có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2023. Các cơ sở đào tạo đã quan tâm sâu hơn việc mở ngành để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của đất nước và của từng địa phương. Số lượng ngành đào tạo quan tâm mở nhiều trong năm 2024 gồm có: du lịch, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, trí tuệ nhân tạo...

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, việc các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn. Phương thức xét tuyển sớm và sự công bằng, khách quan giữa các phương thức xét tuyển, giữa các cơ sở đào tạo vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục. Tuyển sinh năm 2024 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.

Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.

Tại hội nghị, ông Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đề nghị xem xét bỏ phương thức tuyển sinh sớm, vì lúc đó học sinh chưa hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (các trường xét tuyển sớm bằng học bạ chỉ dựa vào điểm số 5 học kỳ, không tính học kỳ 2 của năm lớp 12 - PV). Thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm nhưng lại không cần để nguyện vọng đầu, như thế là mất công bằng với các thí sinh khác. Do đó, để công bằng, thì cần sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp, sử dụng các tổ hợp xét tuyển. Ông Phúc cũng đề nghị để tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống và chỉ lọc ảo chung 1 lần của Bộ GD-ĐT để bảo đảm công bằng với mọi thí sinh.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chủ đề hội nghị lần này bàn chủ yếu xoay quanh từ khóa “chất lượng”. “Điểm nhấn của chúng ta là chất lượng, vấn đề đầu tiên cần bàn là chất lượng, cần thảo luận kỹ là chất lượng và vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới cũng là chất lượng. Chúng ta thực hiện và tăng cường tự chủ cũng vì chất lượng, đổi mới cũng vì chất lượng”, Bộ trưởng nói.

Theo bộ trưởng, rất nhiều thách thức lớn đang đặt ra với GDĐH Việt Nam, đầu tiên là thách thức về sự canh tranh trên phạm vi toàn cầu đối với hệ thống GDĐH. Đó là cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thu hút giảng viên, thu hút người học, cạnh tranh xếp hạng, thu hút đầu tư và cả ảnh hưởng xã hội. Học sinh Việt Nam hiện có hơn 200.000 đang du học nước ngoài, chúng ta chấp nhận cạnh tranh và coi đó là diều đốc thúc chúng ta phát triển, đổi mới, gia tăng chất lượng. Cùng với đó là thách thức của sự kỳ vọng lớn, sự giao phó, trông đợi của Đảng, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, xã hội đặt ra với GDĐH ngày càng lớn. Kỳ vọng ngày càng lớn là một áp lực. Rồi thách thức của việc cung cấp nguồn nhân lực ngày càng nhiều, đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao cho một nền kinh tế có nhiều điểm đặc thù như kinh tế của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Do đó, GDĐH Việt Nam cần nhận thức đầy đủ thách thức đáp ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp FDI, thách thức đào tạo nhân lực công nghệ bán dẫn, công nghệ mũi nhọn vừa qua là ví dụ. Yêu cầu đặt ra với các cơ sở GDĐH là phải tự chủ ngày càng hiệu quả, tự chủ phải đảm bảo chất lượng. Riêng về công tác tuyển sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, GDĐH đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để phù hợp với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến GDĐH. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông. “Việc chúng ta xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai doạn cuối cùng của cấp học này, nên thời gian tới cần xem xét. Các cháu xét trúng tuyển sớm sẽ không học nữa trong học kỳ 2; các trường đại học chỉ yên tâm cho số sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, điểm chuẩn lên rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt của thí sinh. Việc này về phía Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau”, Bộ trưởng nêu ý kiến

Bộ trưởng cũng lưu ý không nên quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội. “Các đại học tự chủ cao trong vấn đề tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm. Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Vì việc này, Bộ GD-ĐT có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau. Tự chủ nhưng phải để cao trách nhiệm xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, thời gian tiếp theo, GDĐH cần tập trung vào chất lượng, chuyển từ số lượng sang chất lượng, bởi vì chỉ có duy trì và nâng cao chất lượng thì chúng ta mới tiếp tục nâng cao được số lượng. Vừa qua, số lượng quy mô tuyển sinh đảm bảo, chứng tỏ niềm tin của xã hội đối với GDĐH tăng lên. “Không lo về số lượng, nguồn tuyển trong thời gian tới là dồi dào, trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo chất lượng, từ đó nâng cao tư duy của người học, từ hình thức chuyển sang thực chất và hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nêu. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Về công tác tuyển sinh, Thứ trưởng giao Vụ GDĐH khẩn trương phối hợp để có dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2025 sớm nhất, làm sao đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng cũng như công bằng cho thí sinh. Các trường thực hiện tự chủ nhưng không được có tác động xấu tới giáo dục phổ thông, mà cần phải có tác động tích cực hơn đối với giáo dục phổ thông. Cần quan tâm đến tuyển sinh đa dạng cũng như tuyển sinh sớm hiện nay, các trường đại học cần đưa ra những kinh nghiệm hay để thực hiện.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo