(Thanhuytphcm.vn) - Sau hai tháng triển khai kể từ ngày ký hợp đồng chính thức, sáng 21/8, Công ty TNHH Thường Nhật tổ chức lễ hạ thủy vận hành kỹ thuật của dự án tuyến buýt đường sông Bến Bạch Đằng (Quận 1) - Linh Đông (quận Thủ Đức), giai đoạn 1.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư dự án) cho biết: Dự án tuyến buýt đường sông Bến Bạch Đằng - Linh Đông có chiều dài 10,8km đi qua các quận: 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức, gồm các bến: Bạch Đằng - Sài Gòn Pearl - Thanh Đa - Tầm Vu - Bình An - Thảo Điền - Bình Triệu - Hiệp Bình Chánh - Linh Đông.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND TP, công ty sẽ bổ sung thêm 3 bến gồm: Bến Thủ Thiêm (Quận 2), bến Tân Cảng (Bình Thạnh), bến Trường Thọ (Thủ Đức).
Cũng theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, dự án đầu tư hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn TPHCM cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể như: Thói quen sử dụng các phương tiện vận tải hành khách công cộng còn thấp, việc sử dụng phương tiện thủy công cộng càng rất lạ lẫm với đại đa số người dân; chi phí đầu tư, đặc biệt là chi phí quản lý vận hành rất cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Toản cũng cam kết đảm bảo an toàn về kỹ thuật; chú ý vấn đề bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị; luôn lắng nghe và cầu thị sự góp ý về văn hóa, về thẩm mỹ.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường cho rằng: TPHCM có lợi thế với 1.000km giao thông đường thủy, hàng hải. Việc đưa vào khai thác vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy chưa được nhiều. Hiện nay tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn TP ngày càng gia tăng; trong khi đó vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và taxi mới chỉ chiếm thị phần 10%; mục tiêu của TPHCM phấn đấu đến năm 2020 thị phần các loại hình vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP chiếm 20% khối lượng vận chuyển khách. Do đó, việc hình thành tuyến vận tải hành khách công cộng bằng buýt đường sông sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Bùi Xuân Cường cũng đề nghị chủ đầu tư cần chú ý vấn đề đảm bảo an toàn, triển khai các hạng mục còn lại của dự án để sớm đưa vào khai thác; có chiến lược giữ chân hành khách.
Sau khi trải nghiệm tuyến buýt đường sông Bến Bạch Đằng - Linh Đông, ông Nguyễn Thanh Phong, nhà ở Quận 7, TPHCM chia sẻ: Khi đi lại trên tuyến đường sông này, mọi người đều cảm thấy thoải mái, đặc biệt tuyến buýt đường sông này ngắm cảnh quan hai bên bờ sông rất đẹp. Tuy nhiên, chủ đầu tư cần trang bị thêm các tiện ích khác phục vụ hành khách mỗi khi đi lại như: Bố trí chỗ để đồ trên tàu, ở các vị trí lên xuống tàu cần chú ý việc đảm bảo an toàn cho người già, trẻ em; làm hệ thống tàu buýt có hệ thống boong ở bên trên (giống xe buýt hai tầng) để khách ngắm cảnh,… Mặt khác, để tuyến buýt sông hoạt động hiệu quả cần có sự kết nối hệ thống vận tải đường bộ như xe buýt, taxi, Grap, Uber…
Dưới đây là một số hình ảnh do phóng viên Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM ghi nhận về tuyến buýt đường sông Bến Bạch Đằng - Linh Đông:
Tàu buýt sông tuyến Bến Bạch Đằng - Linh Đông có sức chứa lên đến 80 hành khách Thuyền trưởng vận hành tuyến buýt sông Bến Bạch Đằng - Linh Đông Hệ thống rao trạm tự động được lắp đặt trên tàu nhằm báo hiệu cho hành khách biết mỗi khi muốn xuống trạm Hành khách đi lại trên tuyến buýt sông Bến Bạch Đằng - Linh Đông Hành khách khi đi lại trên tuyến buýt đường sông có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp và chụp hình các tòa nhà cao tầng khu vực trung tâm TP và dọc hai bên bờ sông Ga tàu thủy Bình An, Quận 2 Hành khách bước xuống tàu sau chuyến thưởng ngoạn sông nước bằng tuyến buýt sông Bến Bạch Đằng - Linh Đông