Tủ sách có thể là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình. (Nguồn: ictvietnam.vn)(Thanhuytphcm.vn) - Gần đây, có người đề xuất ý tưởng mỗi nhà, mỗi gia đình nên lập một kệ sách, một tủ sách cho con cái. Ý tưởng này rất hay, nhất là trong bối cảnh người có thói quen đọc sách ngày càng giảm, sự ham thích đọc sách ít đi và xã hội thì có rất nhiều thứ để đọc, để xem, có thể thay thế cho sách. Tủ sách hay kệ sách đó không chỉ có những tác phẩm chọn lọc mà cha mẹ dành cho con theo từng lứa tuổi mà còn là sự gửi gắm tình cảm, mong mỏi của người làm cha mẹ dành cho những đứa con yêu quý của mình.
Ở đó, có cuốn Tâm hồn cao thượng của Edmondo de Amicis, hẳn cha mẹ muốn con cái học được những bài học vỡ lòng về ứng xử với gia đình, với bạn bè, với thầy cô, với việc học, với lòng yêu nước… Nếu có cuốn Truyện cổ Andersen hẳn cha mẹ muốn con bay bổng với thế giới cổ tích nhưng cũng đầy hiện thực với những bài học về cuộc sống. Nếu có cuốn Truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi thì hẳn cha mẹ mong muốn con biết những câu chuyện đặc trưng của dân tộc, của đất nước và học được bao điều từ đó…
Tùy theo điều kiện cụ thể của từng gia đình, tủ sách hay kệ sách đó không chỉ có tác phẩm văn học mà còn có sách về khoa học, thường thức, văn hóa, lịch sử, tôn giáo…, không chỉ dành cho lứa tuổi thiếu nhi mà còn mở rộng đến các lứa tuổi lớn hơn, không chỉ tác phẩm Việt Nam mà còn những tác phẩm của thế giới… Tủ sách đó không chỉ giúp trẻ đọc được những cuốn sách hay và phù hợp mà còn hình thành tình yêu với sách, thói quen đọc sách và khơi gợi những khao khát về sự sáng tạo, sáng tác…
Trước đây, trên nhiều tác phẩm của một số nhà xuất bản có ghi “Tủ sách mẹ kể con nghe” và giữ được “thương hiệu” đó đến tận ngày nay. Đây là một hình thức chọn lựa của nhà xuất bản cho các bậc phụ huynh để con cái yêu quý của mình có được những tác phẩm hay, bổ ích, phù hợp lứa tuổi.
Một tủ sách cho trẻ là quá hay, nhưng với người lớn thì sao? Trong gia đình, người lớn đã có tủ sách cho riêng mình chưa, để từ đó mà làm gương cho trẻ? Đáng buồn là hiện nhiều gia đình chưa có tủ sách, kệ sách. Họ không thèm tạo ra một góc để sách, một kệ sách, nói chi đến tủ sách. Có khách, họ có khi khoe… rượu chứ không phải khoe có bao nhiêu cuốn sách, trong đó có những cuốn hay hoặc quý giá…
Dĩ nhiên một tủ sách gia đình không phải để làm màu, để trang trí, để khoe khoang, dù trên thực tế có một số người làm như vậy. Tủ sách đó trước hết là nơi sưu tập, cất giữ những cuốn sách hay, có ý nghĩa, kể cả mang nhiều kỷ niệm gia đình. Chẳng hạn, người cha giữ được cuốn sách được cha mình tặng nhân dịp sinh nhật từ thời tiểu học, đã trải qua mấy chục năm thì giá trị tinh thần, tình cảm lớn biết bao, điều đó có thể được truyền lại cho con, đáng quý hơn bao nhiêu lời nói suông. Tủ sách đó thể hiện rằng cha mẹ là người đã đọc sách và yêu quý sách. Điều đó có ý nghĩa làm gương cho con rất nhiều, thay vì chỉ kêu gọi mà không có hành động gì cụ thể. Tủ sách đó là một biểu tượng mang tính văn hóa của gia đình, nhắc nhở từng thành viên quan tâm đến sách, chăm đọc sách.
Tất nhiên, với từng gia đình, việc xây dựng kệ sách hay tủ sách không thể theo khuôn mực nào cả. Nhà có điều kiện thì có thể có phòng đọc sách riêng với các giá sách, tủ sách, được phân loại theo từng nhóm nội dung, chuyên đề. Nhà ít có điều kiện hơn có thể lắp các kệ treo tường ở chỗ nào có thể lắp được. Nhà hẹp hơn nữa thì có thể tận dụng các ô, các kệ trang trí để đặt sách…
Quan trọng là thái độ của gia đình đối với sách. Sách được xếp ngăn nắp, thẳng thớm, có trật tự riêng… biểu thị sự chăm chút, nâng niu đối với sách. Sách đọc xong được giữ thẳng gáy, không bị cong trang, rách bìa… thể hiện sự yêu quý và trân trọng sách. Sách được chọn lọc phù hợp hoặc theo một gu thẩm mỹ, một nhu cầu nhất định hẳn gia đình đó có sự quan tâm riêng đối với việc tìm kiếm kiến thức từ số sách của mình…
Tất nhiên, ta không thể đánh giá rằng nhà nào không có tủ sách thì gia đình đó không biết đọc sách, không có kiến thức, bởi họ có thể đọc sách bằng nhiều cách khác, như đọc ở thư viện, ở cơ quan, đọc sách điện tử… Tất nhiên, ta cũng không nhìn nhà nào có tủ sách hoành tráng thì cho rằng gia đình đó rất ham đọc sách bởi có thể họ chỉ sưu tập là chính hoặc đơn giản chỉ muốn làm màu… Nhưng nhìn chung, một tủ sách ở một gia đình nền nếp ít nhiều cho ta cảm giác tin cậy về mặt tri thức, văn hóa và cả tư cách, đạo đức nữa! Bởi người có đọc sách, ham đọc sách thường (xin nói rõ, “thường” chứ không phải “luôn”) có hiểu biết cả cách sống, cách ứng xử, cách làm việc, cách làm người!
Một tủ sách cho trẻ nên làm thì một tủ sách cho gia đình càng nên làm. Khi người lớn đọc sách thì sẽ rèn cho trẻ đọc sách! Thói quen hay tình yêu cũng cần được truyền dạy, chứ không phải tự dưng mà có!