Chủ Nhật, ngày 13 tháng 7 năm 2025

Đồng chí Phan Trọng Tuệ

Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Lực lượng Công an nhân dân vũ trang

(Thanhuytphcm.vn) - Đồng chí Phan Trọng Tuệ được sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Vientiane (Lào). Năm 1925, khi chưa học hết bậc tiểu học, đồng chí đi làm thợ cơ khí, sau đó nhận nhiệm vụ liên lạc cán bộ cách mạng đưa tài liệu từ Lào qua Thái Lan và ngược lại. Năm 1934, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại làng Na Hải Điền (thuộc Thành ủy Vientiane). Năm 1935, sau khi tham gia vào cuộc mít tinh lớn để phản đối Hòa ước mà triều đình nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp và đến phá nhà một tên mật thám ở Vientiane đồng chí đã bị bắt, chúng giam 8 tháng rồi trục xuất về thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây với cả gia đình và chịu sự quản thúc của chính quyền tay sai.

Chân dung đồng chí Phan Trọng Tuệ Chân dung đồng chí Phan Trọng Tuệ

Năm 1936, đồng chí làm nghề sửa xe đạp, chụp ảnh, sau đó cùng với 2 đồng chí bị trục xuất thành lập Tổ Cộng sản Đa Phúc. Tổ Cộng sản Đa Phúc ra đời đã nhanh chóng tuyên truyền, vận động cách mạng trong quần chúng Nhân dân, giác ngộ tinh thần cộng sản cho thanh thiếu niên, lựa chọn quần chúng tích cực để xây dựng tổ chức và tìm cách liên lạc với Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1937, tổ đảng Đa Phúc được chuyển thành chi bộ dự bị do đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Bí thư. Đầu năm 1938, đồng chí Trần Quý Kiên, Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội trực tiếp về Đa Phúc công nhận chi bộ dự bị thành chi bộ chính thức. Năm 1938, đồng chí Tuệ làm Bí thư Chi bộ Sài Sơn, năm 1939, được Đảng rút vào hoạt động bí mật, Chi bộ Sài Sơn đổi thành Chi bộ Sơn Tây, thuộc Liên tỉnh ủy A (Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Phủ Lý), Chi bộ Sơn Tây phụ trách cả tỉnh Sơn Tây. Tháng 10/1940, Xứ ủy Bắc Kỳ ra quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Sơn Tây, chỉ định Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 đồng chí, đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Bí thư.

Từ tháng 2 đến tháng 9/1941, đồng chí được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, sau đó làm Bí thư liên Tỉnh ủy gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách Binh vận, đặc trách Thái Nguyên, khu du kích Bắc Sơn.

Tháng 5/1943, sau cuộc họp do đồng chí Hoàng Quốc Việt, Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập tại tỉnh Hà Nam để triển khai củng cố phong trào cách mạng, vì một tên phản bội khai báo, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tạm giam ở Hà Nam sau đó chuyển về nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Sau nhiều lần dùng cực hình tra tấn dã man, không thu được tin tức gì, chúng kết án đồng chí 27 năm tù khổ sai đưa đi nhà tù Sơn La, tháng 6/1943, đồng chí bị đày đi Côn Đảo. Từ tháng 6/1943 đến tháng 9/1945, đồng chí hoạt động tích cực trong nhà tù Côn Đảo, là Chi ủy viên Chi bộ Hầm cấm cố Lao 3.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 20/9/1945, Xứ ủy Nam Bộ đón đồng chí cùng các đồng đội về đất liền.

Tháng 10/1945, đồng chí là thành viên Ủy ban kháng chiến Hậu Giang (gồm nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long). Cuối năm 1945, đồng chí phụ trách Chính trị Bộ Chủ nhiệm Chiến khu 9, Ủy viên Liên Tỉnh ủy miền Tây Nam Bộ. Năm 1946, đồng chí là Chính ủy Bộ Tư lệnh Chiến khu 9, Bí thư Khu ủy, Thường vụ Khu ủy miền Tây Nam Bộ. Năm 1947, đồng chí đắc cử vào Xứ ủy Nam Bộ.

Năm 1948 - 1949, đồng chí được cử làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Khu ủy, Thường vụ Khu ủy, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1950, đồng chí chuyển sang làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu 7 sau đó là Bí thư Quân khu ủy, Bí thư Khu ủy.

Cuối năm 1950, đồng chí là thành viên Đoàn đại biểu Nam Bộ dự Đại hội Đảng lần thứ II. Sau đó, được Bộ Tư lệnh cử làm Trưởng đoàn kiểm tra chiến dịch Trung Du.

Năm 1951, đồng chí trở vào Nam làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Khu 9, sau đó, làm Phó Chính ủy kiêm Phó Tư lệnh Phân liên khu miền Tây. Năm 1952 đến năm 1954, đồng chí được giao nhiệm vụ soạn thảo đề án “Thành lập lực lượng Công an bảo vệ biên cương và nội địa” (sau là Công an Nhân dân vũ trang), đồng chí đã trở thành vị Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng này.

Năm 1954, đồng chí cùng các lực lượng vũ trang của ta tập kết ra Bắc, sau đó, đồng chí được phong Thiếu tướng, giữ chức Phó Tổng thanh tra Quân đội. Đầu năm 1958, đồng chí được Nhà nước ra quyết định giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an.

Những năm 1954 đến năm 1958, Bộ Chính trị Trung ương Đảng giao cho Tổng Quân ủy và Đảng đoàn Bộ Công an nghiên cứu đề xuất phương án tổ chức lực lượng vũ trang thống nhất, chuyên trách bảo vệ biên cương và nội địa cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Đảng đoàn Bộ Công an đã thống nhất thành lập Ban soạn thảo “Đề án tổ chức lực lượng bảo vệ nội địa và biên cương” gồm 7 đồng chí, do đồng chí Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách.

Tháng 10/1958, Đảng đoàn Bộ Công an đã xin ý kiến Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép gọi lực lượng vũ trang bảo vệ Nội địa và Biên phòng là “Lực lượng cảnh vệ Nội địa và Biên cương”; đến tháng 2/1959, Đảng đoàn Bộ Công an xin đổi tên là Lực lượng Công an Nhân dân vũ trang và được sự chấp thuận của Ban Bí thư và Chính phủ. Ngày 11/2/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết số 106/TTg bổ nhiệm Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Thứ trưởng Bộ Công an giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Lực lượng Công an Nhân dân vũ trang.

Những ngày đầu xây dựng lực lượng Công an Nhân dân vũ trang còn rất nhiều khó khăn. Lực lượng Công an Nhân dân vũ trang giai đoạn này vừa phải củng cố xây dựng đồn, trạm biên phòng, vừa phải triển khai tiễu phỉ, đánh gián điệp, biệt kích để bảo vệ biên giới, thực hiện phương châm “vừa xây dựng, vừa chiến đấu”. Lực lượng Công an Nhân dân vũ trang, trong những năm 1959 - 1960, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới trên địa bàn nhiều tỉnh phía Bắc, miền Trung như ở Đồng Văn, Hoàng Su Phì (Hà Giang); Pha Long (Lào Cai); Vĩnh Linh… trong đó có vai trò chỉ đạo của Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ - Tư lệnh kiêm Chính ủy Lực lượng Công an vũ trang (sau là Bộ đội biên phòng).

Tháng 3/1961, đồng chí được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Năm 1965, tình hình cách mạng miền Nam có những bước tiến mới cần sự chi viện sức người, sức của cho chiến trường, Đảng, Quân đội lại điều đồng chí sang làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559 và đồng chí trở thành Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại này. Sau chiến dịch tết Mậu Thân (1968), đồng chí lại được Đảng, Nhà nước cử làm Tư lệnh Đảm bảo Giao thông Vận tải Khu 4.

Cuối năm 1974, để chuẩn bị mọi nguồn lực cho chiến dịch cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, đồng chí được Quốc hội bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Thường trực Hội đồng chi viện giải phóng miền Nam. Khi Tổ quốc thống nhất, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội thống nhất năm 1976, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho đến ngày nghỉ hưu năm 1981.

Năm 1980, trong những ngày khó khăn nhất của cách mạng Campuchia, đồng chí được cử làm Phó Tổng đoàn chuyên gia của Chính phủ Việt Nam giúp Campuchia về xây dựng kinh tế; Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Dù ở lĩnh vực công tác nào, đồng chí luôn là một cán bộ tài năng, thể hiện một tầm tư duy, trí tuệ sáng tạo, sâu sắc. Trước những nhiệm vụ mới, những vấn đề khó khăn, nóng bỏng của đất nước, Đảng ta lại giao trọng trách đó cho đồng chí và được đồng chí hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ ấy.

Đồng chí mất ngày 19/12/1991[1]. Những công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đồng chí Phan Trọng Tuệ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương, huy chương, huy hiệu, danh hiệu cao quý khác.

Trân trọng những đóng góp của đồng chí, Thủ đô Hà Nội đã đặt tuyến đường mang tên Phan Trọng Tuệ ở huyện Thanh Trì và một số trường học mang tên đồng chí trên địa bàn Hà Nội.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

_________________

[1] Có tài liệu thể hiện đồng chí mất ngày 18 tháng 12 năm 1991.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo