Chỉ huy Lực lượng TNXP TPHCM Lê Minh Khoa (bìa trái) tặng hoa cho các cựu TNXP (Thanhuytphcm.vn) - Sáng 26/7, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM phối hợp Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Em ở nông trường, em ra biên giới” nhân kỷ niệm 40 năm Lực lượng TNXP TPHCM tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam (1978 - 2018) và 71 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018).
Các thế hệ từng khoác lên mình màu áo TNXP đã cùng tề tựu ôn lại kỷ niệm và tưởng nhớ, tri ân bao đồng đội đã ngã xuống, cống hiến xương máu bồi đắp vững chắc nền hòa bình đất nước.
Tại chương trình kỷ niệm, Chỉ huy Lực lượng TNXP TPHCM Lê Minh Khoa đã ôn lại truyền thống hào hùng của Lực lượng TNXP TP, trong đó, giai đoạn hơn 1 năm trên chiến trường biên giới Tây Nam, Lực lượng TNXP TP đã hoàn thành hai nhiệm vụ lớn là cùng bộ đội bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. 99 cán bộ, đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh và gần 200 người đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường.
Tri ân những đóng góp của cán bộ, đội viên TNXP vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, nhiều năm qua, Lực lượng TNXP TP thường xuyên tổ chức chương trình “Nghĩa tình đồng đội”, quy tập mộ phần liệt sĩ TNXP về Nghĩa trang Liệt sĩ TP và tổ chức viếng hàng năm, chăm lo cho gia đình liệt sĩ, thương binh TNXP bằng nhiều hình thức (xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn làm ăn, kinh phí chữa bệnh…). Ngày 22/7 hàng năm cũng được chọn làm ngày giỗ chung cho tất cả cán bộ, đội viên TNXP hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ…
Tại chương trình kỷ niệm, nhiều người cũng đã lắng nghe tâm sự của “người trong cuộc” đã có mặt trên chiến trường Tây Nam ngày ấy. 21 năm gắn bó với Lực lượng TNXP, nguyên Phó Tổng đội trưởng Đội 3 biên giới Thái Thị Hạnh luôn tự hào về một thế hệ kế thừa xứng đáng truyền thống Lực lượng TNXP thời chống Pháp, chống Mỹ. Nhiều năm trôi qua, cô vẫn không thể quên cảm giác những cái siết tay đồng đội giữa cơn sốt rét rừng, những cái nắm tay trìu mến động viên nhau khi làm nhiệm vụ, dặn lòng phải cùng bình an trở về. “Nhiều đồng đội của tôi đã không còn nhưng những cái nắm tay ấy đã theo tôi suốt cuộc đời, nhắc nhở tôi phải sống thật tốt vì đồng đội, vì màu áo TNXP đã tôi luyện nên mình”, cô Thái Thị Hạnh chia sẻ.
Nhạc sĩ Lê Văn Lộc, cựu TNXP Liên đội 303, đã tìm thấy ở Lực lượng TNXP một môi trường rèn luyện thanh niên vượt qua mọi khó khăn và luôn lạc quan yêu đời. Thực tiễn lao động và chiến đấu trên chiến trường Tây Nam đã giúp ông cảm nhận nhiều khía cạnh của vẻ đẹp cuộc sống, từ đó cho ra đời nhiều khúc ca hay về TNXP như: Chờ anh tải đạn về, Những vết chai cho Tổ quốc, Em đi qua cầu cây…
Tiết mục Những vết chai cho Tổ quốc ca ngợi hình tượng người TNXP làm nhiệm vụ cán thương, tải đạn Cả khán phòng đã như lặng đi khi cô Nguyễn Thị Tuyết và chú Nguyễn Văn Tuấn – cựu TNXP Liên đội 303, hai người sống sót từ vụ tập kích và thảm sát kinh hoàng đêm 21 rạng 22/7/1978 khiến 24 TNXP (có 7 nữ) mãi nằm lại đất bạn Campuchia – bồi hồi chia sẻ nỗi niềm thương nhớ đồng đội, những người đã ngã xuống khi tuổi đời còn quá trẻ với bao nhiệt huyết và lý tưởng chưa tròn. 40 năm đi qua, nhưng người còn ở lại chưa bao giờ nguôi ám ảnh…
Trong chương trình, một thời lao động và chiến đấu gian lao mà hào hùng của các chàng trai, cô gái TNXP TP cũng đã được tái hiện sinh động qua các ca khúc: Hành khúc lên đường, Em ở nông trường em ra biên giới, Cô gái thông đường trên biên giới Tây Nam, Những vết chai cho Tổ quốc, Những bông hoa trên tuyến lửa…
Sau ngày đất nước thống nhất, đáp lời kêu gọi của Đảng và chính quyền cách mạng, cũng là lời sông núi đang cần những bàn tay, khối óc dựng xây lại từ hoang tàn chiến tranh, hàng vạn chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi của đô thị Sài Gòn đã gia nhập Lực lượng TNXP lên đường khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1978, bờ cõi đất nước lại bị xâm lấn khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, những chàng trai, cô gái vừa quen với cuốc xẻng khai hoang, đào kênh đó lại dùng máu viết “tâm thư” xin ra tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc. Các liên đội Trung Kiên, Thống Nhất, Dũng Chí là những đơn vị đầu tiên của Lực lượng TNXP TP lên đường phục vụ chiến trường biên giới Tây Nam với nhiệm vụ trọng tâm là: cán thương, tải đạn, vận chuyển lương thực, làm đường chống lầy, làm ngầm, làm cầu cho xe cơ giới ra chiến trường…
Ngày 26/6/1978, theo chỉ thị của Thành ủy, UBND TPHCM ra quyết định thành lập Tổng đội TNXP phục vụ chiến đấu ở khu vực biên giới Tây Ninh trực thuộc Lực lượng TNXP TP (gọi tắt là Tổng đội 3 biên giới) với quân số hơn 5.000 đội viên được biên chế làm 14 liên đội phối hợp với các đơn vị thuộc Quân đoàn 4 và các đơn vị chủ lực của Quân khu 7 để phục vụ chiến đấu. Có hơn 10.000 lượt cán bộ, đội viên TNXP đã tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam.