Thứ Tư, ngày 9 tháng 7 năm 2025

Tự hào khi được làm việc tại bảo tàng mang tên Bác

Hướng dẫn viên thuyết minh về Bác Hồ cho khách tham quan. (Ảnh: SGGP)

(Thanhuytphcm.vn) - Trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ kính yêu có một vị trí vô cùng đặc biệt. Với những hướng dẫn viên đang ngày ngày làm nhiệm vụ thuyết trình, truyền tải thông tin về cuộc đời, sự nghiệp, phẩm chất và phong cách Hồ Chí Minh đến khách tham quan trong và ngoài nước tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM (số 1 Nguyễn Tất Thành, Quận 4) thì tình cảm ấy lại càng sâu lắng, thiết tha.

Với thâm niên 16 năm, hiện chị Nguyễn Thị Kim Phú là hướng dẫn viên gắn bó lâu năm nhất với Bảo tàng. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TPHCM ngành Pháp văn, thay vì các ngành nghề kinh doanh hay du lịch, kinh tế sẽ dư dả hơn thì chị Kim Phú lại chọn làm việc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. “Thời gian đó rất khó khăn, mức lương của nhân viên Bảo tàng lại thấp nhưng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ bỏ cơ quan mà đi. Ở đây, chắc chắn phải có niềm đam mê với công việc và tình cảm dành cho Bác càng thấm dần theo thời gian. Đó là động lực để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn về vật chất cũng như luôn tự trau dồi, rèn luyện, tìm niềm hứng thú trong công việc” - chị Kim Phú chia sẻ.

Sau 5 năm công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chị Trương Thị Thanh Nhã (sinh năm 1984), thuộc lớp hướng dẫn viên trẻ của Bảo tàng, thấy rằng càng học, càng nghiên cứu, càng tìm hiểu về Bác lại càng thấy vốn hiểu biết của mình quá ít ỏi và càng yêu quý, khâm phục Người hơn: “Bác của chúng ta quá vĩ đại, Người đã hy sinh cả cuộc đời, quên đi hạnh phúc riêng tư vì dân, vì nước. Nhưng Người cũng vô cùng giản dị. Từ nhỏ, tôi đã rất yêu kính Bác. Đến nay, mỗi khi đứng giới thiệu với du khách về Bác là tôi lại tràn đầy tự hào: Được làm việc tại bảo tàng mang tên Người! Từ đó, thấy có trách nhiệm hơn với công việc của mình”. Làm công tác thuyết minh cho du khách, lại là thuyết minh về Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam thật không đơn giản. Không chỉ đơn thuần là nói theo đề cương có sẵn mà cần có học hỏi, dày công nghiên cứu cũng như tình cảm về Bác của người hướng dẫn viên. Ngoài việc tự tìm hiểu, sưu tầm thêm tài liệu để nội dung chuyên đề hướng dẫn phong phú, mới mẻ hơn, Thanh Nhã cho biết luôn đặt tình cảm, cảm xúc vào mỗi lời thuyết trình: “Được nói về Bác với tôi đã là một vinh dự!”.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM được cải tạo và mở rộng từ Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1995 có nhiệm vụ nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng với việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học, xuất bản ấn phẩm, chiếu phim tư liệu, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng hiện có khoảng hơn 18.000 tài liệu hiện vật và đón tiếp khoảng 350.000 lượt du khách tham quan, trong đó, học sinh, sinh viên chiếm khoảng 2/3. Đặc biệt, hàng trăm đoàn nguyên thủ quốc gia và cao cấp các nước cũng đã đến thăm, tìm hiểu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là người đầu tiên thuyết minh khai mạc chuyên đề Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM vào năm 2011, chị Nguyễn Thị Kim Liên (đã có 14 năm làm việc tại Bảo tàng) cho biết, chỉ riêng năm đầu tiên triển khai Chỉ thị 03, chị đã giới thiệu chuyên đề cho gần 300 đoàn khách và đưa chuyên đề đi triển lãm nhiều nơi. Với nội dung thiết thực, gần gũi, chuyên đề nhận được nhiều lời khen cũng như ý tưởng áp dụng tại cơ quan làm việc của nhiều đơn vị. “Là Chủ tịch nước nhưng Bác lại rất giản dị, những gì làm được Bác đều tự làm, không nề hà. Bác có nhiều điều để chúng ta hôm nay học hỏi, từ những việc nhỏ nhặt nhất”, chị Kim Liên chia sẻ.

Các em học sinh nghe chị Nguyễn Thị Kim Liên giới thiệu về cuộc đời của Bác. (Ảnh: NLĐ)

Luôn tự trau dồi, rèn luyện và nhất là luôn đặt tình cảm thiết tha với Bác vào công việc cũng chính là mẫu số chung của những người ngày ngày giữ gìn và quảng bá những hình ảnh, tư liệu về Bác đến công chúng. Đó không chỉ là sự giữ gìn ký ức mà còn lưu truyền tình cảm, sự ngưỡng vọng đến thế hệ mai sau.

Năm 2015, kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015) và nhiều ngày lễ lớn của dân tộc, Bảo tàng đã tổ chức các chuyên đề nổi bật: “Bác Hồ với miền Nam, miền Nam với Bác Hồ”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Chuyện kể những vị tướng từng bị giam trong nhà tù thực dân”…

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo