Thứ Tư, ngày 9 tháng 7 năm 2025

TỰ CHỈ TRÍCH - Nguyên lý phát triển của Đảng ta

Cuốn Tự chỉ trích do đồng chí Nguyễn Văn Cừ biên soạn sau cuộc tổng tuyển cử Hội đồng quản hạt ở Nam Kỳ, năm 1939. (Nguồn: Ảnh tư liệu)
(Thanhuytphcm.vn) - Nhân kỷ niệm 109 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 9/7/2021), 82 năm ngày tác phẩm Tự chỉ trích được ấn hành (20/7/1939 - 20/7/2021), xin giới thiệu một số nội dung cơ bản trong tác phẩm Tự chỉ trích, một trong những tác phẩm để lại dấu ấn đậm nét về những đóng góp của đồng chí đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giúp cho Đảng giữ được ngọn cờ tiên phong trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Tác phẩm Tự chỉ trích (1939) của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ra đời trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt; ở cuối giai đoạn 1936 - 1939, thời kỳ gắn với phong trào dân chủ và Chính phủ Bình dân ở Pháp. Nhưng đến cuối giai đoạn này, tình hình thực tiễn trên trường quốc tế và trong nước đã có những thay đổi, đòi hỏi cần có sự chuyển hướng chiến lược và phương pháp cách mạng. Trên thế giới, chủ nghĩa phát xít tạm thời thắng thế ở một số nước, ráo riết chuẩn bị chiến tranh, trở thành thách thức to lớn đối với hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Ở Đông Dương, thực dân Pháp ra sức vơ vét của cải, tiền bạc, sức người để phục vụ cho chiến tranh. Chúng thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng, thủ tiêu những quyền dân sinh, dân chủ tối thiểu mà nhân dân ta đã giành được trong những năm 1936 - 1938. Mâu thuẫn giữa các dân tộc Đông Dương với thực dân Pháp ngày càng trở nên gay gắt. Những biến động đó đã tác động vào nội bộ Đảng ta - một Đảng còn non yếu và thiếu kinh nghiệm, với nhiều luồng tư tưởng lệch lạc trong nhận thức tình hình và trong hành động, xuất hiện chủ nghĩa bè phái, sự bất đồng ý kiến trong nội bộ Đảng, sự thiếu tập trung thống nhất và phương pháp đấu tranh tập hợp lực lượng, làm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng. Kẻ thù đã ra sức lợi dụng để khoét sâu mâu thuẫn, nhằm chia rẽ Đảng, làm suy yếu phong trào đấu tranh của quần chúng. Đáng chú ý là trong cuộc tuyển cử Hội đồng Quản hạt Nam kỳ (16/4/1939), các ứng viên của Mặt trận Dân chủ không trúng cử, các phần tử Trosky lại giành được đa số phiếu và thắng cử. Trong nội bộ Đảng có nhiều ý kiến bất đồng, có đảng viên đã viết bài đăng báo, công kích lẫn nhau, thậm chí nhận xét sai lệch về đường lối chính sách của Đảng

Do vậy, trước khi vào Nam chỉ đạo và chuẩn bị Hội nghị Trung ương (tháng 11/1939), đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư của Đảng tạm lánh trong gác xép sân thượng của Nhà băng Đông Dương (nay là Trụ sở Ngân hàng quốc gia Việt Nam), để hoàn thành bản thảo tác phẩm Tự chỉ trích vào khoảng tháng 6/1939, sau đó, đưa cho các đồng chí: Tô Hiệu, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai... đọc và tham gia ý kiến.

Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại thôn Phù Khê Thượng, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại thôn Phù Khê Thượng, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Ngày 20/7/1939, tác phẩm Tự chỉ trích được ấn hành, ra mắt tại Sài Gòn, tạo ra tiếng vang lớn, góp phần đáp ứng một đòi hỏi rất cấp bách khi đất nước sắp bước vào một thời kỳ hết sức nghiêm trọng, đó là yêu cầu thực hiện cho bằng được sự thống nhất ý chí đảm bảo sự thống nhất tư tưởng và tổ chức trong toàn Đảng từ Trung ương đến cơ sở.

Đã hơn 82 năm trôi qua nhưng tinh thần chủ đạo trong Tự chỉ trích vẫn còn nguyên tính thời sự trong cuộc sống hôm nay với Đảng Cộng sản Việt Nam.

*

Tác phẩm Tự chỉ trích gồm các phần: Nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng; Bài học về cuộc tuyển cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ; Đấu tranh về bảo vệ đường lối Mặt trận Dân chủ của Đảng chống tả khuynh và hữu khuynh; Tóm tắt đường lối chiến lược và sách lược của Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Vấn đề được đặt ra trước hết là “phải nhận thế nào là tự chỉ trích bônsêvích”: “là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào tiến lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chớ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng…”.

Khi đề cập đến “một vài bài học nữa về cuộc tuyển cử”, tác giả đặc biệt nhắc nhở: “Chúng ta không bao giờ có thể đổ hết những nguyên nhân thất bại cho việc quân thù đàn áp và cử tri chưa giác ngộ. Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chúng ta gây ra, chính chúng ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm…”.

Đồng chí lưu ý: “chớ vì thấy ảnh hưởng của Đảng và chính sách Mặt trận dân chủ đang phát triển… mà mộng tưởng tự mãn cho rằng Đảng đã có cơ sở vững chãi trong quảng đại quần chúng”.

Về cách tuyên truyền và ứng dụng chính sách Đảng, phải thấy: “Mỗi một cuộc thất bại là một dịp cho ta kinh nghiệm, coi những khẩu hiệu ta đề ra có được quảng đại quần chúng hiểu, công nhận và thực hành không?... Kêu gọi quần chúng chống sinh hoạt đắt đỏ, chống tăng thuế, tăng tiền mướn phố, mà không chú ý mở những cuộc điều tra xác thực để gần gũi quần chúng để hiểu rõ nguyện vọng thiết tha của họ hơn… Sự tuyên truyền chống phát xít Nhật lại sai lầm… không hề đả động đến cuộc đấu tranh chống phản động thuộc địa, đòi tự do và cải thiện sinh hoạt cho dân chúng”.

Đối với nạn Trosky, đồng chí yêu cầu “ta phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật”, “sự thật có một số người vì tình cảm cá nhân mà bỏ thăm cho bọn Thâu, nhưng một số đông vì bất bình chính sách phản động thuộc địa và vì lầm tưởng tơrốtkít là cách mệnh cho nên mới bầu cho chúng”, cho nên “đừng kinh thường nạn tơrốtkít”.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đặt ra và giải đáp nhiều vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn về Mặt trận dân tộc thống nhất là Mặt trận dân chủ Đông Dương[1] . Đồng chí khẳng định: “Chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc này là: liên hiệp hết các tầng lớp nhân dân, các lực lượng dân chủ tiến bộ, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc vào một Mặt trận dân chủ thống nhất để chống phản động thuộc địa, chống phát xít, đòi tự do, cơm áo, hòa bình”. Tác giả cũng nhấn mạnh: “Chúng ta vận động thực hiện Mặt trận dân chủ song không vì đó mà hóa ra cải lương. Chúng ta vẫn giữ độc lập về chính trị và tổ chức… Không thể để cho quần chúng lờ mờ lộn xộn… phải giữ quyền lãnh đạo cho vô sản, kéo quần chúng ra đấu tranh, khôn khéo liên lạc sự tuyên truyền chiến sách Mặt trận dân chủ với chủ nghĩa Mác - Lênin”. Tác giả đặc biệt căn dặn: “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng, chớ không phải theo đuôi họ hay phỉnh phờ họ” và nghiêm khắc chỉ ra việc làm “rất sai lầm và nguy hiểm” là “những chủ trương chính trị mà lấy ý kiến của mình làm ý muốn của quần chúng”.

Với tinh thần tự chỉ trích nghiêm khắc, không giấu giếm sai lầm yếu kém của Đảng Cộng sản, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đồng thời cũng cảnh báo “những kẻ nghịch chớ vội hí hởn ở đây một sự chia rẽ hay mầm mống bè phái giữa những người cộng sản mà uổng công”.

Tự chỉ trích có ý nghĩa và tác dụng quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng trong Đảng; tác phẩm chỉ rõ những nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân ta trong cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình. Đây thực sự là một công cụ sắc bén trong cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng, làm cho Đảng ngày càng thống nhất về tư tưởng và hành động, quần chúng nhân dân càng tin tưởng vào đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng.

Tác phẩm là một văn kiện tổng kết thực tiễn những kinh nghiệm của Đảng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, là một đóng góp có giá trị vào kho tàng lý luận và chính sách về Mặt trận dân tộc thống nhất; về thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng của Đảng ta. Tự chỉ trích còn có giá trị chuẩn bị về mặt lý luận và tư tưởng cho thành công của Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương tháng 11/1939, tức là hai tháng sau chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Trong hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Ban Chấp hành Trung ương đã nhanh chóng quyết định chuyển hướng chiến lược và phương pháp cách mạng của Đảng phù hợp với thực tiễn thời cuộc lúc đó. Những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI, được các Hội nghị Trung ương VII (1940) và nhất là Hội nghị Trung ương VIII (5-1941) kế thừa, bổ sung và phát triển lên một bước mới, đưa tới thắng lợi lịch sử của Tổng khởi nghĩa tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Mục đích, phương pháp luận, tính đảng, tính chiến đấu của phê bình và tự phê bình trong Tự chỉ trích của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là những bài học quý giá, không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn mang tính thời sự ngày nay, cần được học tập và vận dụng trực tiếp vào đổi mới, chỉnh đốn Đảng.

Trước hết, Tự chỉ trích mang tính Đảng sâu sắc và tính chiến đấu cao, là mẫu mực về tinh thần tự phê bình và phê bình của Đảng ta, tinh thần kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, cả tả khuynh và hữu khuynh, bảo đảm tính đúng đắn và tất thắng của đường lối chính trị. 

Thứ hai, phải luôn xem tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, phải coi đây là công việc thường xuyên. Quán triệt và thực hiện Chủ nghĩ Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động, Đảng ta luôn coi trọng tự phê bình và phê bình. Đảng ta khẳng định tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là thước đo trình độ sinh hoạt dân chủ trong Đảng và là ý thức trách nhiệm của Đảng với nhân dân. Tự phê bình và phê bình là biện pháp quan trọng để giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, để giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đảng là một tổ chức chính trị, tất yếu trong quá trình vận động, phát triển, nội bộ Đảng sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng đó không phải là mâu thuẫn đối kháng, mà là mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ với cái lạc hậu.

Thứ ba, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Tự chỉ trích là hướng tới xây dựng Đảng toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức cách mạng, tác phong công tác của cán bộ đảng viên. Điều này có ý nghĩa đặc biệt khi Đảng ta đang triển khai thực Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, khóa XII. 

Thứ tư, trong tự phê bình và phê bình, phương pháp và cách làm đóng vai trò cực kỳ quan trọng để đảm bảo thành công. Bản thân mỗi đảng viên phải tự soi lại chính mình trên tinh thần cộng sản để tìm thấy những khuyết điểm phải sửa chữa, những tác phong đạo đức không phù hợp phải chỉnh đốn, những nhận thức lạc hậu phải được đổi mới. Do đó, xây dựng ý thức, trách nhiệm, thái độ và phương pháp đúng trong tự phê bình và phê bình là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã hết sức nhấn mạnh trong Tự chỉ trích.

Thứ năm, Tự phê bình và phê bình phải gắn liền với việc không ngừng mở rộng dân chủ mà Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã đề ra: “Mở rộng dân chủ, khuyến khích tranh luận; tôn trọng tập hợp và xem xét để tiếp thu hết ý kiến đúng đắn của các cấp ủy viên và đảng viên trước khi quyết định” và “Trong những năm tới… tiếp tục đưa việc tự phê bình và phê bình trong các cấp ủy và tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở thành nền nếp thường xuyên và theo định kỳ, không làm qua loa, chiếu lệ, hình thức; vận động nhân dân tích cực góp ý phê bình cán bộ, đảng viên”; triển khai các biện pháp tổ chức linh hoạt nhằm kiểm soát các quan hệ lợi ích, nắm bắt diễn biến tâm lý - tư tưởng, đặc biệt là kiểm soát quyền lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà Đảng ủy thác và nhân dân ủy quyền. Thực chất, đó cũng là một cuộc đấu tranh không kém phần gay go, phức tạp nhằm xây dựng Đảng vững mạnh, bảo vệ uy tín chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Thứ sáu, không để các vấn đề nội bộ Đảng bị thế lực thù địch và cơ hội chính trị lợi dụng chống phá Đảng trong quá trình thực hiện tự phê bình và phê bình. Đây là một yêu cầu rất căn bản mà tác phẩm Tự chỉnh trích hết sức nhấn mạnh. Không để cuộc đấu tranh nội bộ Đảng bị bên ngoài lợi dụng kích động gây chia rẽ hàng ngũ của Đảng, chia rẽ Đảng với quần chúng. Tất nhiên, trong điều kiện một đảng cầm quyền, đòi hỏi phải kết hợp rất nhiều hình thức hỗ trợ cho tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả và mang tính thực chất, nhất là phát huy vai trò của hệ thống phản biện xã hội, của báo chí - truyền thông, của hệ thống kiểm soát quyền lực.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

----------

[1]  Có những vấn đề như: Không thể liên hiệp với các đảng phái phản động. Các đảng phản động người bản xứ làm tay sai cho phát xít và đế quốc. Mặt trận thống nhất ở bên trên và Mặt trận thống nhất ở bên dưới. Trong một giai cấp có nhiều đảng. Không đánh đổ các giai cấp bản xứ trong giai đoạn lập Mặt trận dân chủ. Địa vị và năng lực của các đảng phái và lãnh tụ cải lương. Thái độ đối với Đảng Lập hiến. Cần phân biệt bọn phản động với bọn cô độc hèn nhát để kéo kẻ có thể đồng minh. Phân biệt thái độ của bọn cải lương lừng khừng hèn nhát với chủ trương thống nhất hành động để kéo quần chúng tranh đấu. Muốn thực hiện Mặt trận dân chủ phải khuyếch trương cuộc vận động của quần chúng. Phân biệt kẻ nguy hiểm nhiều và kẻ nguy hiểm ít.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo