“Bác Hồ về nước'' - Tranh sơn dầu của Trịnh Phòng, vẽ năm 1969. Khi mới về nước hoạt động, Bác thường xuất hiện trong vai một "ông Ké". (Ảnh tư liệu) (Thanhuytphcm.vn) - Những năm 1920 ở Pháp, Bác thường lui tới nhà các đồng chí cộng sản, đôi lúc được mời lưu lại dự bữa ăn tối. Một lần, khi ngồi vào bàn ăn với mẹ nữ đồng chí Jeannette Vermeersch (vợ đồng chí Maurice Thorez), sau này là Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Pháp, Bác Hồ đã nhặt những mẩu vụn bánh mì rơi trên bàn, để cẩn thận vào một tờ giấy, dành cho chim. Ðồng chí Vermeersch kể lại: “Sau khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc ra về, mẹ tôi, bây giờ đã 92 tuổi, nhận xét: “Con ạ, phải là một người biết thế nào là đói khổ mới biết quý từng vụn bánh”[1] …
Mẩu chuyện hẳn làm nhiều người trong chúng ta cảm động về cách ứng xử của Nguyễn Ái Quốc, Bác Hồ của chúng ta sau này. Mọi người đều biết Bác Hồ đã trải qua tuổi thơ cơ cực thế nào, khi sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức thanh bần. Cha Người là nhà nho Nguyễn Sinh Sắc trước và sau khi đỗ Phó bảng năm 1901 chỉ là một quan chức nhỏ, đến năm 1909 vì chống đối chính quyền thực dân nên bị bãi chức… Gia đình Người vì thế thường xuyên sống trong nghèo khó. Mẹ Người là bà Hoàng Thị Loan đã tảo tần lo cho chồng ăn học và nuôi dạy các con. Vì vậy, khi bà sinh người con cuối cùng là Nguyễn Sinh Nhuận (hay gọi là Xin) không bao lâu thì qua đời; đứa bé ấy vì sinh thiếu tháng, thiếu sữa và thiếu hơi mẹ nên cùng mất ít lâu sau đó…
Tuổi thơ đó hẳn tác động rất lớn đến lòng căm thù thực dân Pháp, lòng khao khát mang lại hòa bình, độc lập cho dân tộc, đã hình thành lòng chịu thương chịu khó, cũng như càng nuôi lớn lòng nhân ái của Bác Hồ. Đúng như mẹ của đồng chí Vermeersch đã nhận xét: Không có những trải nghiệm đói khổ thì khó mà quý từng mẩu bánh vụn…
Tìm hiểu về Bác Hồ, chúng ta sẽ còn thấy trong đời Người nhờ có nhiều trải nghiệm mà chính nó đã trui rèn bản lĩnh, khát vọng, sự sáng suốt… của Người, để từ đó có thể trở thành một người có kinh nghiệm hoạt động cách mạng dày dạn, có chiều sâu văn hóa…
Nếu so với một số nhà cách mạng cùng thời khác, mọi người có thể dễ dàng nhận ra một trong đặc điểm làm hạn chế bề dày về kiến thức, về kinh nghiệm, về độ “chín” của các quyết định trong hoạt động cách mạng… ở họ chính là thiếu những trải nghiệm phong phú. Mà đặc biệt ở đây, chính những trải nghiệm đau thương (như nghèo khó, mất mát, tủi nhục…) đã có tác động rất lớn để hình thành nên tính cách, năng lực, bản lĩnh của Bác Hồ.
Câu chuyện cho chúng ta nhiều suy nghĩ trong cuộc sống lẫn công tác. Trong sinh hoạt đời thường, hầu như ai cũng muốn được trải nghiệm cuộc sống thoải mái, sung túc, ấm áp… và rất khổ sở khi phải chấp nhận hoàn cảnh ngược lại. Thậm chí, một số người còn uất ức, than thở về nỗi bất công mà mình phải chịu đựng mà không xem đó là một trải nghiệm quý báu, là một bài học rèn luyện về tinh thần vượt khó, tính kiên nhẫn, khát vọng và ý chí vươn lên… Đó cũng là một cơ hội trui rèn bản lĩnh, bởi sau khi vượt qua được các thử thách khắc nghiệt thì bản thân người đó trở nên mạnh mẽ hơn, cứng cáp hơn, bền bỉ hơn và có thể chịu đựng rồi vượt qua được những tình huống khó khăn khác.
Nguyễn Ái Quốc và các đại biểu dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, tại Moscow năm 1924. (Ảnh tư liệu) Trong công tác cũng vậy, những khó khăn, trở ngại chính là cơ hội để góp phần hình thành, bồi đắp và làm đầy thêm tinh thần quả cảm, dám chịu trách nhiệm, tính kiên định, quyết đoán, sự sáng tạo và linh hoạt… Thử thách càng lớn, trải nghiệm càng nhiều thì khi vượt qua được, bản lĩnh sẽ càng dày, năng lực sẽ càng được khẳng định. Như khi đánh giá về một vị tướng, người ta hay dùng cụm từ “dày dạn trận mạc” để chỉ người đã có nhiều trải nghiệm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và nhờ đó phát huy được năng lực chiến đấu của mình… Đương nhiên, điều đó không dành cho những người thiếu nghị lực, e khó ngại khổ, lánh nặng tìm nhẹ…, mà thực tế hiện nay không phải hiếm.
Có người nói: Trải nghiệm cho ta cuộc sống thực. Không ai có thể trưởng thành thực sự mà thiếu những trải nghiệm. Một người cán bộ muốn ngày càng vững vàng về mặt chính trị, bản lĩnh về mặt tư tưởng, quyết đoán về mặt lãnh đạo, khéo léo về mặt ứng xử… thì bên cạnh được giáo dục của trường lớp, của tổ chức, của cấp trên cũng như các tố chất bên trong thì nhất định phải được trui rèn trong thực tiễn sinh động. Chính vì vậy, trong các tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo có những yêu cầu về nội dung này.
Từ các quy định, từng địa phương, cơ quan, đơn vị cụ thể hóa để xây dựng quy định cho địa phương, cơ quan, đơn vị mình một cách phù hợp.
Trong thực tiễn, người trải nhiều vị trí công tác cũng là được trải nghiệm ở nhiều môi trường, được tiếp xúc với nhiều tình huống, phải đối mặt với nhiều thử thách, được đúc rút nhiều kinh nghiệm, được tích lũy nhiều bài học… Không chỉ vậy, chính điều đó còn giúp hình thành nên những tình cảm tốt đẹp, những nhận thức đúng đắn mà có thể trong điều kiện bình thường không thể nào có được.
Từ đó có thể thấy, một người có bề dày về công tác sẽ thường khẳng định được bản thân, phát huy được năng lực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực đó, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Nên khi được trải nghiệm trong một số khắc nghiệt thì suy cho cùng là một điều may mắn, bởi nhờ vậy mà được rèn luyện nhiều hơn, sâu hơn, bền hơn.
Vân Tâm
_________________
[1] Nguyễn Văn Khoan, Phong cách Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ, in lần thứ 3, 2023, tr.9-10.