Thứ Ba, ngày 15 tháng 7 năm 2025

Trung tướng Dương Cự Tẩm: “Tổ quốc là thiêng liêng”

Chân dung đồng chí Dương Cự Tẩm

(Thanhuytphcm.vn) - Đồng chí Dương Cự Tẩm, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1922[1], trong một gia đình nhà nho, kiêm nghề bốc thuốc Đông y. Năm 1939, đồng chí vào học Trường kỹ nghệ Hà Nội, được giác ngộ và gia nhập Đoàn Thanh niên phản đế, sau là Thanh niên cứu quốc, tham gia phong trào cách mạng phản đế tại trường. Năm 1942, tổ chức bí mật của học sinh yêu nước bị vỡ, đồng chí bị thực dân Pháp bắt cùng một nhóm thanh niên học sinh Hà Nội. Đồng chí bị chính quyền thực dân đưa ra tòa án quân sự. Nhờ Luật sư Phan Anh biện hộ, với lý do mới 17 tuổi, nên đồng chí chỉ bị đưa đi cải tạo trẻ vị thành niên ở Bắc Giang. Năm 1943, khi bị đưa về quản thúc tại địa phương, gia đình tổ chức cho đồng chí trốn lên huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) dạy học tư và tiếp tục hoạt động cách mạng trong tổ chức Việt Minh ở huyện Yên Mô cho đến ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.

Sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí được phân công phụ trách Công đoàn Hà Nội và được Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam - Trần Văn Tuyên giới thiệu vào Đảng. Cuối năm 1945, đồng chí gia nhập Vệ quốc đoàn. Tháng 11 năm 1945, đồng chí cùng Lê Thiệu Huy, Hoàng Xuân Bình và Lê Trọng Thời, được Bộ Quốc phòng cử sang Thái Lan mua vũ khí tiếp tế cho cách mạng ở Nam Bộ.

Tháng 12 năm 1945, Trung ương Đảng chỉ đạo giúp Lào khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định làm Chính trị viên Bộ Chỉ huy Việt kiều Giải phóng quân tỉnh Thakhet.

Từ cuối năm 1946, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, Việt kiều ở Thái Lan, Lào và ở Campuchia tổ chức các đơn vị vũ trang trên đất Thái Lan. Lúc đó, Hoàng thân Prađi Phnom Yong làm Thủ tướng Chính phủ Thái Lan ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam, cho phép Việt kiều tổ chức các chiến khu trên lãnh thổ Thái Lan để luyện quân. Sau khi huấn luyện, lực lượng này tổ chức thành 4 đơn vị vũ trang, gồm: Bộ đội Độc lập số 1 (sau đổi tên là Bộ đội Hải ngoại số 1), Bộ đội Quang Trung (sau đổi tên là Bộ đội Hải ngoại số 2), Tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II (sau đổi tên là Bộ đội Hải ngoại số 3), Chi đội Trần Phú (sau đổi tên là Bộ đội Hải ngoại số 4). Đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định làm Chính trị viên phó Chi đội Trần Phú. Ban Chỉ huy Chi đội Trần Phú lúc này, ngoài đồng chí Dương Cự Tẩm, còn có các đồng chí: Nguyễn Chánh làm Chi đội trưởng, Lê Quốc Sản và Đỗ Huy Rừa làm Chi đội phó, Trần Văn Sáu làm Chính trị viên, Lê Quán Trung (Hải Nam) làm Chính trị viên phó, Sơn Ngọc Minh làm cố vấn. Với biên chế 426 cán bộ, chiến sĩ[2], Chi đội tổ chức thành 3 đại đội chiến đấu, 1 phân đội đại liên, 1 phân đội trinh sát, 1 phân đội vận tải… Vũ khí, trang bị phần lớn do Mỹ, Nhật sản xuất còn mới, mua ở Thái Lan và Mã Lai. Ngày 26 tháng 12 năm 1946, từ Thái Lan, Chi đội Trần Phú vượt qua dãy núi Đăng Rek tiến về biên giới Thái - Campuchia, từ đó hành quân về hướng phum Présenke trên bờ sông Mêkông thuộc tỉnh Kampong Cham về đến Trại Bí (Tây Ninh) ngày 27 tháng 2 năm 1947.

Những ngày đầu ở Tây Ninh, Chi đội đề nghị Tỉnh ủy cho phép ra lời kêu gọi chức sắc, tín đồ Cao Đài và Nhân dân đoàn kết đánh kẻ thù chung là thực dân Pháp. Bản kêu gọi được ký tên “Chi đội Hải ngoại 4”[3]. Tháng 3 năm 1947, Chi đội Hải ngoại 4 tham gia Liên quân B với Chi đội 11 bộ đội Hoàng Thọ, chiến đấu ở Gò Dầu và Trảng Bàng (Tây Ninh). Cuối tháng 3 năm 1947, đồng chí Dương Cự Tẩm cùng Chi đội Hải ngoại 4 được phân công về Khu 8, hoạt động ở chiến trường Sa Đéc (Đồng Tháp). Tại Sa Đéc, đơn vị được củng cố, tăng cường lực lượng. Đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định làm Chính trị viên Chi đội.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ 3 (tháng 6 năm 1947), Bộ Tư lệnh Khu 8 tiến hành củng cố, tăng cường lực lượng, phát triển các chi đội vũ trang thành các trung đoàn. Theo đó, Chi đội Hải ngoại 4 phát triển thành Trung đoàn 109. Ban Chỉ huy Trung đoàn do đồng chí Lê Quốc Sản làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Dương Cự Tẩm làm Chính trị viên, đồng chí Huỳnh Thế Phương làm Trung đoàn phó. Trung đoàn hoạt động chủ yếu ở khu vực Châu Thành, Lai Vung (Đồng Tháp).

Năm 1949, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Nam Bộ về thành lập các liên trung đoàn, tiểu đoàn tập trung, đại đội độc lập, Bộ Tư lệnh Khu 8 quyết định thành lập các liên trung đoàn. Theo đó, tháng 1 năm 1949, Trung đoàn 109 và Trung đoàn 111 nhập lại thành Liên trung đoàn 109 - 111. Đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định làm Chính trị viên Liên trung đoàn. Trong giai đoạn này, cùng với Ban Chỉ huy Liên trung đoàn, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ huy cán bộ, chiến sĩ Liên trung đoàn chiến đấu lập nhiều thành tích, nổi bật là thắng lợi của Chiến dịch Cầu Kè (7 tháng 12 đến 26 tháng 12 năm 1949), Chiến dịch Trà Vinh (26 tháng 3 đến 7 tháng 5 năm 1950)...

Bản đồ Chiến dịch Cầu Kè (Nguồn: “Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Cầu Kè anh hùng 1930 - 1975” - Huyện ủy Cầu Kè ấn hành năm 2001) Bản đồ Chiến dịch Cầu Kè (Nguồn: “Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Cầu Kè anh hùng 1930 - 1975” - Huyện ủy Cầu Kè ấn hành năm 2001)

Tháng 10 năm 1950, Bộ Tư lệnh Khu 8 thành lập Trung đoàn Đồng Tháp và Trung đoàn Cửu Long. Đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định làm Chính trị viên Trung đoàn Đồng Tháp. Trung đoàn đứng chân hoạt động chủ yếu trên địa bàn Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp. Trong thời gian này, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang và Nhân dân địa phương, đồng chí Dương Cự Tẩm cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn chiến đấu, giành nhiều thắng lợi, nổi bật là chiến thắng đợt hoạt động tháng 2 năm 1951, trên địa bàn Châu Thành (Sa Đéc), chống lại chính sách bình định lấn chiếm của địch. Thắng lợi của đợt hoạt động đã bẻ gãy âm mưu bình định lấn chiếm của địch trên địa bàn.

Tháng 2 năm 1952, đồng chí Dương Cự Tẩm được điều động về làm Chính trị viên Tỉnh đội Vĩnh Trà. Trong thời gian này, để chống lại sự lấn chiếm của địch và khôi phục phong trào du kích chiến tranh ở cơ sở, Tỉnh đội chủ trương phân tán nhỏ các tiểu đoàn 331, 333, 310, 312 thành các phân đội về hoạt động ở các huyện, xã, ấp, để tác chiến tiêu diệt địch hiệu quả. Cuối năm 1952, tỉnh Vĩnh Trà được Bộ Tư lệnh Nam Bộ khen thưởng là “lá cờ đầu trong phong trào phát triển chiến tranh du kích”.

Tháng 12 năm 1952, đồng chí Dương Cự Tẩm được điều động về làm Chính trị viên Tỉnh đội Bến Tre, Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tại đây, đồng chí cùng với Tỉnh ủy và Tỉnh đội Bến Tre lãnh đạo, chỉ huy quân và dân đẩy mạnh tiến công địch, mở rộng địa bàn cùng cả nước bước vào Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang của tỉnh kết hợp với các địa phương, mở các đợt tiến công liên tục, đều khắp, đánh tập trung, kết hợp với đánh nhỏ lẻ, đánh sâu vào lòng địch, dồn địch vào thế bị động, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến cuộc Đông Xuân và kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp toàn thắng bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève, đình chiến ở Đông Dương vào ngày 20 tháng 7 năm 1954.

Thực hiện điều khoản của Hiệp định Genève, năm 1954, đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định là Chính ủy Trung đoàn 1 miền Tây Nam Bộ tập kết ra miền Bắc. Năm 1955, đồng chí được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 332 ở biên giới Lạng Sơn trong hai năm. Ngày 11 tháng 12 năm1956, Sư đoàn 338 được thành lập, đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định làm Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn.

Năm 1959, đồng chí Dương Cự Tẩm làm Cục phó Cục Tuyên huấn, sau chuyển sang làm Cục phó Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị. Năm 1962, đồng chí được chỉ định làm Chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Nậm Thà (Lào).

Tháng 7 năm 1964, đồng chí vào Nam chiến đấu, được cử làm Cục phó Cục Chính trị Bộ Chỉ huy Miền. Ngày 13 tháng 6 năm 1966, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Sư đoàn 7. Đồng chí Dương Cự Tẩm được cử làm Chính ủy Sư đoàn. Sau khi thành lập, Sư đoàn tiếp tục được củng cố, tăng cường hoạt động ở miền Đông Nam Bộ, nâng cao sức chiến đấu, chống lại các cuộc hành quân của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong “Chiến tranh cục bộ”. Trong thời gian này, Sư đoàn tham chiến trong nhiều trận đánh tại Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Đường 13... có vai trò là bức tường phòng thủ bảo vệ các căn cứ, bộ chỉ huy, hoặc chốt chặn đường rút, khóa các luồng chi viện của quân Mỹ và Đồng minh.

Để chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, giữa năm 1967, đồng chí Dương Cự Tẩm được chỉ định làm Phó Chính ủy Quân khu 7, tham gia mặt trận tiền phương ở Cần Thơ. Năm 1969, đồng chí được bổ nhiệm làm Chính ủy Quân khu 8, làm nhiệm vụ nghiên cứu chống bình định trọng điểm của địch ở Mỹ Tho.

Tháng 9 năm 1974, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đồng chí Dương Cự Tẩm được phong quân hàm Thiếu tướng và bổ nhiệm làm Chính ủy Quân khu 7. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí được phân công tham gia cánh quân phía Đông với nhiệm vụ lãnh đạo tạo hành lang, cử lực lượng tại chỗ đón và dẫn đường cho Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Từ năm 1975 đến năm 1978, đồng chí Dương Cự Tẩm đảm nhiệm chức vụ Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2. Trong thời gian này, cùng với Đảng ủy, Ban Giám hiệu “xây dựng nhà trường từng bước vững mạnh về chính trị và tổ chức. Đi trước đơn vị một bước về xây dựng chính quy mẫu mực. Đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo và các nhiệm vụ khác của trên giao”[4].

Từ năm 1978 đến năm 1980, đồng chí làm Phó Chính ủy Quân khu 7. Thời gian này, đồng chí cùng Phó Tư lệnh Quân khu 7 - Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) phụ trách chung hai mặt trận tiền phương của Quân khu tại Siem Reap và Kampong Cham, góp phần giúp bạn Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng và hồi sinh đất nước. Năm 1980, đồng chí Dương Cự Tẩm được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 7 và được phong Trung tướng năm 1984.

Năm 1987, đồng chí Dương Cự Tẩm nghỉ hưu theo chế độ. Năm 2006, đồng chí qua đời, do tuổi cao sức yếu. Suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng, đồng chí Dương Cự Tẩm được Đảng, Nhà nước và Nhân dân vinh danh với những phần thưởng cao quý, gồm: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Quân công Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang (Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Giải phóng (Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

(Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM)

 

-----
[1] Có tài liệu thể hiện đồng chí Dương Cự Tẩm sinh năm 1921 hoặc 1924

[2] Xem Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 8, Quân khu 8 ba mươi năm kháng chiến (1945 -1975), Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1998, tr. 132.

[3] Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 8, Quân khu 8 ba mươi năm kháng chiến (1945 - 1975), Sđd, tr. 133.

[4]  Đảng ủy - Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Lục quân 2, Lịch sử Trường Sĩ quan Lục quân 2 (1961 - 1996), Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 94


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo