Toàn cảnh phiên họp(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 23/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Nêu rõ một số điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng so với hiện hành, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến, kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung và nhiều nội dung của dự thảo nghị quyết do Ban soạn thảo đề xuất. Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về việc trình bày báo cáo thẩm tra, về chủ thể giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội; về thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội; về tổng hợp, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội; về thời hạn gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội đối với các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cần tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định về thời gian phát biểu thảo luận của đại biểu Quốc hội tại hội trường, việc không trình bày báo cáo thẩm tra đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả thời gian tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội… Chủ tịch Quốc hội yêu cầu việc sửa đổi Nghị quyết lần này phải đặt trong bối cảnh, điều kiện về thực hiện chuyển đổi số, Quốc hội điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo... đồng thời, tăng cường tính minh bạch công khai. Trong đó, lưu ý tăng cường truyền hình các phiên họp của Quốc hội đối với những nội dung liên quan mật thiết tới cử tri, nội dung được cử tri quan tâm. Đặc biệt, đại biểu Quốc hội cần tăng cường tương tác với cử tri, đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương, quy định ứng dụng công nghệ, tập huấn thường xuyên để đại biểu Quốc hội sử dụng hiệu quả; tăng cường giám sát thực hiện nội quy...
Cùng ngày, UBTVQH xem xét đề xuất của Chính phủ về ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được nêu rõ trong dự thảo nghị quyết). Theo đó, UBTVQH nhất trí với đề xuất của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họpTheo dự thảo nghị quyết, thời gian áp dụng giảm thuế GTGT 2% từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026. Chính sách này không áp dụng cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).
Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 121.740 tỷ đồng (trong đó, 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39.540 tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82.200 tỷ đồng). Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Trình bày báo cáo thẩm tra về đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết Ủy ban đồng tình cần duy trì chính sách tài khóa trên để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh kinh tế trong nước đối diện khó khăn, thế giới có nhiều biến động bất ổn không thể lường trước... việc tiếp tục chính sách này là một biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động phát sinh thu - chi để đảm bảo cân đối ngân sách.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết sẽ giao cho Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cụ thể. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thông tin, năm nay chi ngân sách sẽ tăng khoảng 170.000 tỷ đồng, do các khoản chi cho công tác sắp xếp bộ máy, miễn giảm học phí và sắp tới có thể thực hiện một số chính sách về bảo hiểm y tế. Năm nay, ngân sách vẫn chịu đựng được. Tiền chi trả cho thôi việc, tinh giản bộ máy, chúng ta đã sử dụng trong quỹ tiền lương tích lũy lâu nay, đồng thời với nguồn ngân sách. Nhưng sang năm, Chính phủ sẽ báo cáo để cân đối chính sách thu, các sắc thuế để cân đối trong năm 2026 và 5 năm tới.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, hiện thuế suất GTGT của Việt Nam chưa bằng một nửa các nước. Chẳng hạn, tại châu Âu, mức thuế suất VAT khoảng 19-22%. “Chúng ta chỉ áp thuế 10%, nhưng 4 năm nay giảm còn 8% là sự ưu tiên với các doanh nghiệp, giúp họ vực lên sau đại dịch" - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói.
Dự thảo Nghị quyết giảm 2% thuế VAT sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp vào tháng 5.