Hội nghị thí điểm giáo dục STEM.(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 6/7 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai thực hiện thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học với 7 tỉnh thành tham gia thí điểm: Lào Cai, Hà Nội, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, giáo dục STEM chủ yếu sử dụng các phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, trong đó, dạy học dự án và dạy học giải quyết vấn đề là hai phương pháp dạy học được sử dụng phổ biến trong triển khai các hoạt động giáo dục STEM. Trong các hoạt động giáo dục STEM thường dựa vào/tạo ra một tình huống thực tiễn để học sinh giải quyết một cách sáng tạo bằng cách sử dụng kiến thức của hai hay nhiều môn học thuộc các lĩnh vực STEM. Giáo dục STEM tạo điều kiện để học sinh rèn luyện khả năng ứng dụng toàn diện kiến thức vào việc khám phá các khía cạnh khác nhau của thế giới thực và giải quyết các vấn đề dưới sự định dạng của tư duy liên ngành…
Bộ GD-ĐT yêu cầu các nội dung bài dạy, chủ đề bài giảng giáo dục STEM cần rõ ràng, muốn thế phải tập trung xây dựng, điều chỉnh, cần đưa ra những mô hình tham khảo (không mang tính tuyệt đối)… Về phía đội ngũ giáo viên, năng lực giảng dạy theo giáo dục STEM của nhiều giáo viên còn là thách thức. Do đó, cần được các địa phương, nhà trường tập trung bồi dưỡng, bản thân giáo viên cũng cần tự học, bồi dưỡng để nâng cao chuyên môn. Vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học không thể phụ thuộc hoàn toàn vào cơ sở vật chất, trang thiết bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, do đó, các địa phương, nhà trường cần xây dựng kế hoạch, đề án, có sự tham mưu cùng UBND tỉnh để có cơ chế, chính sách hỗ trợ; đặc biệt có cơ chế pháp lý thực hiện xã hội hóa… đảm bảo yêu cầu triển khai.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao vai trò, thế mạnh, sự cần thiết của giáo dục STEM và cho biết Bộ GD-ĐT rất quan tâm, mong muốn triển khai giáo dục STEM ở diện rộng, thông suốt từ giáo dục trung học tới tiểu học. Tuy nhiên, muốn triển khai diện rộng giáo dục STEM đại trà bậc tiểu học cần phải có lộ trình khoa học, hiệu quả và cần thiết triển khai thí điểm.
Bộ GD-ĐT trước mắt thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học tại 7 địa phương, mỗi tỉnh thành chọn 5 đơn vị cấp huyện, mỗi đơn vị cấp huyện chọn 2 trường tiểu học để tham gia tập huấn, tổ chức triển khai thực hiện xây dựng mô hình giáo dục STEM. Dự kiến, tháng 12/2022, Bộ sẽ tổng kết việc thí điểm, xây dựng mô hình giáo dục STEM cấp tiểu học, sau đó có thể bước sang tiến hành triển khai đại trà, diện rộng ở địa phương.
Sau khi tổng kết, đúc rút kinh nghiệm các mô hình ở 7 tỉnh thành này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai thí điểm diện rộng các nội dung về giáo dục STEM cấp tiểu học tại 15 địa phương: Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Gia Lai, TPHCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Bạc Liêu, với quy mô ở tất cả các trường tiểu học được tham gia tập huấn, tổ chức triển khai thực hiện mô hình giáo dục STEM.