Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại hội nghị(Thanhuytphcm.vn) - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Kết luận số 132-KL/TW ngày 18/3/2025 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, diễn ra sáng 17/4, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã trình bày tham luận về kết quả công tác tổng rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy ngoài xã hội trên địa bàn Thành phố, đồng thời chỉ ra những tồn tại, khó khăn và đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Đồng bộ chỉ đạo, quyết liệt trong triển khai
Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy cho biết, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, Thành ủy, UBND TPHCM đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng, gồm: 1 đề án, 2 nghị quyết, 1 chỉ thị, 1 quyết định, 9 kế hoạch và 4 công văn chỉ đạo, đảm bảo định hướng toàn diện, xuyên suốt trong từng giai đoạn, phù hợp với tình hình thực tiễn công tác phòng chống tội phạm và kiểm soát ma túy trên địa bàn.
Ngành Công an TP đã triển khai phương châm “không đánh khúc giữa, bắt cả đường dây, đối tượng cầm đầu và xử lý đến người sử dụng”, qua đó phát hiện 10.148 vụ, bắt giữ 25.426 đối tượng, triệt phá 306 đường dây, băng nhóm ma túy. Điển hình là chuyên án điều tra đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia từ châu Âu liên quan đến 4 tiếp viên hàng không, trong đó Công an TP đã kiên trì lần theo “dòng chảy” ma túy, triệt phá gần 500 nhánh, phân nhánh tội phạm, khởi tố 1.452 bị can, thu giữ gần 300kg ma túy.
Bên cạnh việc tập trung “cắt cung”, TP cũng tập trung triển khai các giải pháp “chặn cầu” bằng việc rà soát, thống kê, quản lý người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy. Lực lượng tuần tra kiểm soát 363 từ cấp xã đến TP được triển khai thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Từ năm 2023 đến nay, đã phát hiện 6.802 vụ với 8.249 người sử dụng, qua đó mở rộng điều tra 70 vụ (1,03%), bắt giữ 179 đối tượng.
Lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở, thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, lập hồ sơ quản lý và cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin vào phần mềm quản lý đối tượng.
Theo đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, sau khi triển khai Luật Phòng, chống ma túy mới, từ đầu năm 2022 đến nay, TPHCM đã lập hồ sơ đưa 23.648 người đi cai nghiện bắt buộc; 739 người đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập. Đặc biệt, trong 5 tháng cao điểm do Bộ Công an phát động, TP đã phát hiện 6.417 trường hợp dương tính với ma túy, lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc 4.309 trường hợp và tổ chức cai nghiện tại cộng đồng, gia đình cho 482 người. TPHCM đã đạt tỷ lệ cập nhật thông tin người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện và người sau cai nghiện lên phần mềm quản lý đối tượng lần lượt là 95,1%, 95,1% và 94,5%.
Thực hiện chủ trương giao lực lượng Công an tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về cai nghiện và hậu cai nghiện, UBND TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn tất việc chuyển giao từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Lực lượng Thanh niên xung phong sang Công an TP và các tỉnh. Đến nay, quá trình chuyển giao cơ bản hoàn tất, đảm bảo các cơ sở cai nghiện hoạt động ổn định, không gián đoạn. Đặc biệt, TPHCM đã phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân TP trong việc xét duyệt hồ sơ cai nghiện bắt buộc và bàn giao đúng hạn cho các cơ sở cai nghiện ngoài địa bàn TP, tránh tình trạng tồn đọng, quá tải.
Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống ma túy
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác rà soát, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian tới, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy đề xuất lãnh đạo cấp ủy Đảng sở, ngành, địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống ma túy nhằm tăng hiệu quả phát hiện người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy thông qua công tác tuần tra, kiểm soát; công tác kiểm tra ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, cơ sở hoạt động biến tướng có nguy cơ phức tạp về ma túy; xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với các đối tượng bị bắt giữ; truy xét từ người sử dụng trái phép chất ma túy để mở rộng phát hiện các đối tượng cùng sử dụng, các đối tượng mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy…
Đồng thời, nhận diện, phân tích, đánh giá số người nghiện, người sử dụng, người bị quản lý sau cai, người nghi nghiện, nghi sử dụng trái phép chất ma túy trê địa bàn một cách toàn diện, chính xác. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, đoàn thể các cấp trong công tác rà soát, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó lấy lực lượng Công an làm nòng cốt, hướng dẫn thực hiện các biện pháp, giải pháp đảm bảo hiệu quả công tác này.
Để đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên, không ngắt quãng đối với các cơ sở cai nghiện ma túy do Công an TP và Công an các tỉnh, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy đề xuất Chính phủ sớm ban hành văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành tiếp tục cho phép sử dụng ngân sách của TPHCM (trong khả năng cân đối) để hỗ trợ hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy hiện do lực lượng Công an các địa phương quản lý, nhưng thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận học viên từ TPHCM. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để TPHCM tiếp tục bảo đảm chế độ, chính sách cho học viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở cai nghiện.