Chủ Nhật, ngày 15 tháng 12 năm 2024

Triển khai Đề án “Đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà” tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TPHCM

Đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM phát biểu tại hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 13/12, tại Trung tâm hành chính Quận 7, Sở Công thương TPHCM phối hợp UBND Quận 7 tổ chức hội nghị giao ban với Phòng Kinh tế UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại năm 2024; nhiệm vụ trọng tâm cần phối hợp năm 2025. Đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM chủ trì hội nghị.

Trao đổi tại hội nghị, đồng chí Phan Thị Thu Minh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Tài  chính – Tổng hợp, Sở Công thương TPHCM cho biết, tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại năm 2024 ước đạt 7,17%. Trong đó, doanh thu bán lẻ đạt 567.982 tỷ đồng, tăng 11%; kim ngạch xuất khẩu đạt 46 tỷ USD, tăng 8,3%; sản xuất công nghiệp tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Chương trình bình ổn thị trường, có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia (tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023) và bổ sung nhiều mặt hàng mới (laptop, máy tính để bàn, máy in…); lượng hàng bình ổn thị trường tăng lên 4% - 6%, chiếm từ 21% - 32% thị phần trong tháng thường và chiếm 24% - 41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết.

Bên cạnh đó, Sở đưa ra các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành, nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp tiềm năng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp; hỗ trợ và triển khai hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tổ chức hơn 31 cuộc kết nối, 666.000 tỷ đồng cho 198.000 khách hàng vay; đồng thời, đưa ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu…

Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các quận, huyện, TP Thủ Đức quan tâm nhiều đến sự thay đổi các quy định pháp luật trong năm 2024, trong đó Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ có hiệu lực từ ngày 01/8/2024. Bên cạnh việc phù hợp với quy định hiện hành và thực tiễn, các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tham mưu khi chuyển giao giữa nghị định cũ và mới chỉ trong thời gian ngắn và phải chờ hướng dẫn từ cơ quan chuyên môn cấp trên tạo độ trễ trong việc tham mưu, thực hiện; các biện pháp quản lý giá; ứng dụng chuyển đổi số nền kinh tế và kiến nghị Sở Công thương có hướng dẫn cụ thể trong quản lý đối với các sàn thương mại điện tử…    

Các phòng chuyên môn thuộc Sở đã giải đáp cụ thể các đề xuất, kiến nghị, vướng mắc của các quận, huyện thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở; đồng thời, sẽ có báo cáo đề xuất, kiến nghị lên cấp trên với những nội dung vượt thẩm quyền cần xin ý kiến chỉ đạo.

Nhiệm vụ trọng tâm phối hợp năm 2025, Sở Công thương TPHCM sẽ tập trung tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; phối hợp triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 42/2024/QĐ-UBND của UBND Thành phố; phối hợp triển khai Đề án “Đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà” tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công; tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng giai đoạn 2021 – 2025; triển khai Chiến lược phát triển các ngành: cao su – nhựa; cơ khí – tự động hóa; chế biến lương thực thực phẩm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, thực hiện chương trình bình ổn thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, đảm bảo cung ứng hàng hóa; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; đồng thời, đưa ra các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, truyền thông về FTA, phối hợp xây dựng dữ liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa; tập trung thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế và Đề án xây dựng TPHCM trở thành Trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng.

Trần Hiển


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo