TPHCM vừa phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2020 - 2030”. (Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành quyết định phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2020 - 2030”.
Theo đó, TP đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo; trong đó xây dựng cơ chế, chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo; xây dựng hạ tầng tính toán; xây dựng hạ tầng dữ liệu; đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo phục vụ mục tiêu đưa TP thành một trong những trung tâm của Việt Nam và Khu vực ASEAN về nghiên cứu, triển khai và chuyển giao các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và áp dụng vào thực tiễn các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các nhóm giải pháp đề án đô thị sáng tạo, đô thị thông minh.
Đồng thời, trí tuệ nhân tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế TP phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và gia tăng tổng vốn đầu tư vào; lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Thúc đẩy các DN triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số nhằm phát huy nội lực, tăng tính cạnh tranh. Triển khai các giải pháp huy động vốn đầu tư cho phát triển các DN và thương hiệu làm trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. Tập trung xây dựng các sản phẩm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo có giá trị thực tiễn, được nhiều đơn vị, cá nhân sử dụng.
Mặt khác, TP trở thành trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong đó, thu hút nguồn lực trong và ngoài nước; đầu tư xây dựng ít nhất 2 trung tâm nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ về trí tuệ nhân tạo ngang tầm khu vực ASEAN. Xây dựng đội ngũ nhân lực trí tuệ nhân tạo đủ số lượng và đảm bảo chất lượng ở các lĩnh vực khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn, học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, nhận dạng tiếng nói, an toàn thông tin, internet vạn vật, phục vụ cho nghiên cứu, triển khai và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội của TP.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP đề ra các giải pháp như: Xây dựng và phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo. Trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo; xây dựng hạ tầng số, hạ tầng tính toán; xây dựng hạ tầng dữ liệu; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo; nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển kinh tế. Trong đó, tạo hạ tầng, môi trường đổi mới sáng tạo để gia tăng số lượng DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và gia tăng tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Thúc đẩy các DN triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số nhằm phát huy nội lực, tăng tính cạnh tranh. Thúc đẩy phát triển và triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, du lịch, thương mại điện tử, viễn thông, giáo dục…
Mặt khác, TP trở thành một trong những trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong đó, thu hút nguồn lực trong và ngoài nước; đầu tư xây dựng ít nhất 1 trung tâm nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ về trí tuệ nhân tạo. Thúc đẩy gia tăng 20%/năm công trình khoa học, bằng sáng chế về trí tuệ nhân tạo.