Thứ Ba, ngày 15 tháng 7 năm 2025

Trên 23.000 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án sân bay Long Thành

Mô hình thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Đình Lý

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 27/10, tân Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đã trình bày tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành.

Theo đó, Chủ đầu tư là UBND tỉnh Đồng Nai; tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 5.585,14ha (trong đó đất vườn cây cao su 2.378,14ha; đất của hộ gia đình cá nhân sử dụng khoảng 2.970,2ha; đất do cơ quan, tổ chức sử dụng 109,89ha; đất giao thông, sông suối khoảng 106,7ha). Chính phủ cũng cho biết, sẽ nhập toàn bộ diện tích 5.000ha cảng hàng không vào địa giới hành chính xã Bình Sơn; nhập phần diện tích 126,4ha còn lại của xã Suối Trầu vào địa giới hành chính xã Bàu Cạn (xã Suối Trầu sẽ bị giải thể). Chính phủ khẳng định, việc thực hiện Dự án gần như không có tác động về môi trường.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 23.049 tỷ đồng (theo thời giá tháng 7/2017), là vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án 35 tỷ đồng; xây dựng hạ tầng các khu tái định cư 4.042,2 tỷ đồng; tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không 479 tỷ đồng; xây dựng khu nghĩa trang 50,7 tỷ đồng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 18.054 tỷ đồng; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân 388,1 tỷ đồng.

Ngân sách trung ương đảm bảo bố trí đầy đủ để thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án; toàn bộ các khoản thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất được hoàn trả ngân sách trung ương theo quy định. Dự kiến ngân sách trung ương 21.889 tỷ đồng (chiếm 95% tổng mức đầu tư Dự án); ngân sách trung ương ứng 1.160 tỷ đồng (chiếm 5%).

Như vậy, ngoài 5.000 tỷ đồng đã được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 2 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thông qua, Dự án cần tiếp tục bố trí bổ sung nguồn vốn 18.049 tỷ đồng.

Kết quả số liệu điều tra, khảo sát, xin ý kiến của người dân bị thu hồi đất bởi Dự án CHKQT Long Thành cho thấy 100% số hộ đều có nhu cầu nhận đất tái định cư.  Có 2 khu tái định cư có thể phục vụ nhu cầu tái định cư cho Dự án (khu Lộc An - Bình Sơn và khu Bình Sơn); các khu tái định cư này có vị trí thuận lợi, kết cấu hạ tầng được quy hoạch xây dựng để trở thành đô thị, đây là những khu tái định cư có điều kiện đảm bảo cho người dân tái định cư có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn so với hiện tại.

Ngoài ra, xây dựng khu nghĩa trang với quy mô 20ha tại xã Bình An, huyện Long Thành theo quy hoạch; xây dựng các công trình (đường gom dân sinh; hệ thống thoát nước…) hoàn trả hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không do bị chia cắt khi xây dựng cảng hàng không và các khu tái định cư.

Chính phủ cho biết sẽ thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án. Tuy nhiên, do khối lượng công việc quá lớn nên không thể triển khai trong một năm mà sẽ được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện liên tục từ năm 2018. Trước mắt ưu tiên triển khai trước việc đầu tư xây dựng hạ tầng Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn; xây dựng nghĩa trang.

Chính phủ trình Quốc hội có các cơ chế đặc thù cho Dự án này như không bị thu hồi đất khi chưa đưa đất vào sử dụng theo tiến độ thực hiện dự án; hỗ trợ mỗi hộ gia đình bị ảnh hưởng với mức tương đương 4,5 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ tại thời điểm hỗ trợ như đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai; cho phép ứng trước phần vốn thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Đồng Nai từ ngân sách Trung ương để triển khai đồng bộ các công trình theo quy hoạch được duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả nguồn vốn ngân sách Trung ương được ứng theo quy định; trước mắt ngân sách cần ứng đủ vốn để thực hiện dự án, nguồn thu này sẽ được cân đối hoàn trả ngân sách theo quy định…

Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nhiều ý kiến băn khoăn về tính chính xác của số liệu diện tích đất ở, trong tổng diện tích 5.000ha chỉ có 35,64ha đất ở và cho rằng, nếu số liệu này không chính xác sẽ dẫn đến kinh phí bồi thường, hỗ trợ phát sinh lớn khi thực hiện. Do vậy, đề nghị rà soát lại cơ cấu các loại đất thu hồi xây dựng Dự án Cảng HKQT Long Thành, nhất là đất ở.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ số hộ có nhu cầu tái định cư vì theo Báo cáo trong số 4.864 hộ dân có 4.330 hộ gia đình bị giải tỏa trắng, số hộ không bị giải tỏa trắng vẫn còn đất thì có cần tái định cư không. Theo quy định, nếu hộ gia đình bị thu hồi một phần diện tích, phần còn lại vẫn đủ để ở thì không phải tái định cư. Về diện tích nghĩa trang, theo quy hoạch diện tích này là 20ha, có ý kiến đề nghị rà soát lại quy mô vì nhu cầu di dời trong khu vực dự án là 2.183 ngôi mộ trong khi khả năng đáp ứng theo quy hoạch khoảng 15.233 ngôi mộ.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần thận trọng, khảo sát lấy ý kiến cộng đồng, nhất là tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, người theo đạo về việc quy hoạch vị trí an táng, phù hợp với tôn giáo, tín ngưỡng, tránh phát sinh những phức tạp sau này.

Ủy ban cũng cho rằng, tổng mức đầu tư cho Dự án thành phần này khoảng 23.049 tỷ đồng nhưng hiện vốn ngân sách nhà nước mới bố trí được 5.000 tỷ đồng. Với lượng vốn ngân sách đã được bố trí, khó tiến hành thu hồi đất một lần theo tinh thần Nghị quyết 94, do vậy, cần phân kỳ ra nhiều giai đoạn để thực hiện giải phóng mặt bằng.

Ủy ban cũng cho rằng, số lượng các hộ dân sinh sống bằng nghề nông bị thu hồi đất trong Dự án chiếm gần 40%. Do vậy, vấn đề đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất cần phải được quan tâm thỏa đáng. Ngoài ra, việc giải quyết chế độ chính sách do bị mất việc làm của công nhân các nông trường cao su, phần lớn đều trên 40 tuổi là rất cần thiết nhằm đảm bảo đời sống cho họ, không để phát sinh những vấn đề xã hội phức tạp, đồng thời có chính sách đối với các đối tượng không còn khả năng chuyển đổi nghề nghiệp.

Ủy ban cũng tán thành việc có những cơ chế đặc thù cho dự án này.

Muốn có vốn, phải quyết tâm tiết kiệm chi thường xuyên

Đó là ý kiến của ĐB Phạm Minh Chính (ảnh - đoàn Quảng Ninh) tại phiên thảo luận tại tổ ĐBQH sáng 27/10. Đề xuất giải pháp bù đắp phần vốn còn thiếu 15-18 ngàn tỷ đồng cho dự án tái định cư, giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay Long Thành, ĐB Phạm Minh Chính cho rằng: “Dự án cần vốn lớn, trong khi các nguồn việc nào đã vào việc đấy. Vậy thì chúng ta cần phải thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu. Hồi năm 2008, khủng hoảng kinh tế, để vượt qua khó khăn, chúng ta đã tiết kiệm chi thường xuyên được tới 10%. Trong 5 năm gần đây ta đang chi thường xuyên rất lớn, cao đến 2,2 lần so với 5 năm trước. Nếu quyết tâm tiết kiệm khoản này, chỉ cần 1% thôi là ta có 10.000 tỷ đồng. Quyết tâm làm trong 2 năm là có thể đủ vốn cho dự án. Các nước khác cũng vậy, khi muốn làm việc lớn, họ đều phải tiết kiệm”. 

Phân tích thêm vấn đề này, ĐB Phạm Minh Chính nhận định, vẫn còn dư địa để tiết kiệm, bởi lẽ có một tỷ lệ rất lớn trong khoản chi thường xuyên là để trả lương. Tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả của bộ máy, theo đại biểu, chính là một mũi tên trúng hai mục đích.

Cần công khai, minh bạch, dân chủ trong thu hồi đất

Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm.   Ảnh: Long Hồ Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: Long Hồ

Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM) trong buổi Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sáng 27/10.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, điều quan trọng nhất là làm sao để đời sống người dân ổn định, nếu làm không tốt việc đền bù, thiệt thòi nhất vẫn là người dân. Phương án phục hồi sản xuất và thu nhập của người dân đã được báo cáo nêu rất ''suôn sẻ'' trong thực tế cho thấy điều đáng lo ngại là diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi và số lao động làm nông nghiệp là rất lớn. Việc bố trí khu vực tái định cư chưa tính đến đất nông nghiệp, vậy việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ như thế nào? Nếu không giải quyết tốt sẽ có thể dẫn đến thiệt hại ''kép''.

Từ thực tế việc thu hồi đất tại TPHCM, đại biểu cho rằng ngân sách bỏ ra để đào tạo nghề cho người dân rất lớn nhưng sau khi được đào tạo, người dân có tiếp tục sống bằng nghề đó hay thất nghiệp và các vấn đề nảy sinh khác là điều cần tính đến. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ mục tiêu xây dựng khu tái định cư là đô thị hiện đại như mục tiêu quy hoạch đã thể hiện: đô thị kiểu mẫu, thích ứng với điều kiện sống của người dân. 

Trung Kiên - Ngọc Khánh - Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo