Đến dự tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Thành Trung, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Lâm Đình Thắng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM Lâm Đình Thắng nhấn mạnh, trong thời gian qua, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và đặc biệt là chuyển đổi số (CĐS).
Nhiều thành quả cụ thể đã trực tiếp mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến ngày càng hoàn thiện, giúp người dân thuận tiện thực hiện các thủ tục hành chính như đăng ký cư trú, làm căn cước công dân, thủ tục về đất đai, y tế, giáo dục…, tiết kiệm thời gian và công sức. Các ứng dụng như thông tin giao thông thông minh, y tế trực tuyến, thanh toán không tiền mặt qua mã QR, ví điện tử… ngày càng phổ biến, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối với khối doanh nghiệp, các hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng, khai thuế và hải quan điện tử đã giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian. TP cũng đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN thông qua các chương trình chuyên đề và hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của Khu Công nghệ cao và các trung tâm sáng tạo.
Đồng chí Lâm Đình Thắng cho biết, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS là bước ngoặt chiến lược, đặt ra yêu cầu cấp bách và định hướng phát triển mang tính đột phá. Theo đó, cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò then chốt của KHCN, ĐMST và CĐS; hoàn thiện thể chế, chính sách; xóa bỏ rào cản, tư tưởng lạc hậu; đầu tư phát triển hạ tầng hiện đại, nhất là hạ tầng số và dữ liệu quốc gia; trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài; ứng dụng mạnh mẽ CĐS vào hệ thống chính trị, doanh nghiệp, đời sống người dân; tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến.
Riêng đối với TPHCM, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP là cơ sở pháp lý quan trọng, là “cơ hội vàng” để TP triển khai hiệu quả các nội dung mà Nghị quyết 57 đã đề ra. TPHCM có thể đi đầu, đóng vai trò dẫn dắt trong thực hiện các định hướng chiến lược quốc gia về KHCN, ĐMST và CĐS.
Đồng chí Lâm Đình Thắng nhấn mạnh, để KHCN, ĐMST và CĐS thực sự thành công, cần phổ cập kiến thức, kỹ năng cơ bản đến mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào “Bình dân học vụ số” do Ban Chỉ đạo Trung ương phát động mang tính thời sự và chiến lược, kế thừa tinh thần ham học, xóa mù chữ của dân tộc trong quá khứ, nay được đặt trong bối cảnh mới, thời đại số.
“Bình dân học vụ số” không chỉ là phổ cập công nghệ, mà còn là trang bị kỹ năng số thiết yếu để người dân tự tin tham gia không gian số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tự bảo vệ mình trên môi trường mạng, thậm chí ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế. Đây là nền tảng để xây dựng công dân số, xã hội số và chính quyền số.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm về những nội dung trọng tâm, như: xác định rõ mục tiêu, nhóm đối tượng ưu tiên của phong trào; phân định rõ vai trò, trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan; đề xuất phương thức triển khai sáng tạo, đa dạng về hình thức và nội dung; huy động hiệu quả nguồn lực con người, tài liệu, tài chính và công nghệ.
Nhiều ý kiến cho rằng, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cần phát huy vai trò tập hợp, vận động và tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân, tổ chức thành viên hưởng ứng tích cực phong trào. Đồng thời, cần tăng cường giám sát, phản biện xã hội, đảm bảo phong trào đi đúng định hướng, mang lại hiệu quả thiết thực.
* Cùng ngày, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức hội nghị ký kết ghi nhớ hợp tác xây dựng chương trình khung về triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn TPHCM.
Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết phối hổi giữa hai đơn vị.Tại chương trình, hai đơn vị thực hiện ký kết với những nội dung như: phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ được triển khai sâu rộng nhằm phổ cập kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người dân, hướng tới mục tiêu “mọi người dân có thể học tập và sử dụng công nghệ một cách linh hoạt, hiệu quả, an toàn”. Phong trào “Bình dân học vụ số” được triển khai toàn diện, sâu rộng đến các tổ dân phố tạo nên cuộc vận động người dân TP thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, thực hiện bài bản, khoa học, linh hoạt và sáng tạo, bám sát tình hình thực tế của TP. Ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và các nền tảng học tập trực tuyến, bảo đảm phương thức tiếp cận linh hoạt, phù hợp với mọi đối tượng nhất là các nhóm yếu thế.
Đối tượng tham gia nắm được thông tin về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh mới nhiều thay đổi để phát triển. Nắm bắt được các dịch vụ công thiết yếu, các công nghệ thiết yếu phục vụ chuyển đổi số, hiểu được tầm quan trọng của các vấn đề mang tính bản chất và yếu tố trọng yếu của chuyển đổi số. Đồng thời, có khả năng nhận biết và phòng tránh các mối nguy hại gây mất an toàn thông tin.
Phong trào “Bình dân học vụ số” huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị TP, trong đó: Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đảm nhiệm vai trò truyền thông, lan tỏa phong trào đến từng khu phố, tổ dân phố; kêu gọi sự tham gia của các chuyên gia, người có ảnh hưởng; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; xây dựng tiêu chí thi đua, biểu dương các mô hình hiệu quả. Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM chịu trách nhiệm thiết kế nội dung học liệu, phát động phong trào thi đua, tổ chức lớp học kỹ năng số, xây dựng nền tảng học liệu số, phổ cập AI, vinh danh các cá nhân tiêu biểu, và tích hợp nội dung kỹ năng số vào tiêu chí thi đua của cán bộ, công chức. Phong trào sẽ được tổ chức bài bản, khoa học, linh hoạt và sáng tạo, gắn với tình hình thực tiễn của TP, hướng tới việc xây dựng cộng đồng học tập số toàn diện.