Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

TPHCM tìm giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan các sản phẩm CNTT - TT trưng bày tại triển lãm

(Thanhuytphcm.vn) - Nằm trong chương trình Ngày hội doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin (CNTT) và trí tuệ nhân tạo TPHCM năm 2019, trưa 28/12, UBND TPHCM tổ chức hội thảo phát triển doanh nghiệp CNTT TPHCM. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; đại diện các DN…

Ngành Điện tử - CNTT có mức tăng cao

Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Lê Quốc Cường cho biết: Tính đến cuối năm 2018, DN hoạt động chuyên ngành chính Điện tử - CNTT là 5.636 DN tăng 23% so với năm 2016 (4.333 DN), chiếm tỷ lệ xấp xỉ 3% số DN đang hoạt động trên địa bàn TP. Ngoài ra, TPHCM có gần 1.300 DN khởi nghiệp, trong đó số DN khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT khoảng hơn 900 DN (chiếm 70%, nguồn Sở KHCN). Doanh thu toàn ngành năm 2018 ước đạt 117.638.125 tỷ đồng tăng 29,7% so với cùng kỳ (năm 2017 ước đạt 82.704.415 tỷ đồng). Về trình độ lao động, theo kết quả tổng điều tra kinh tế 2017, trình độ cao đẳng và đại học chiếm tỷ trọng chính 67,4%; thạc sỹ chiếm gần 2%. Về thu nhập bình quân người lao động đạt 152 triệu đồng/năm (năm 2016); 156 triệu đồng/năm (năm 2017); 174 triệu đồng/năm (năm 2018).

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Lê Quốc Cường, trong 3 năm gần đây, ngành Điện tử - CNTT có mức tăng cao đúng định hướng của TP. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành trong năm 2017 tăng 39,11%, năm 2018 tăng 15,54%. Đến nay, tỷ trọng của ngành điện tử - CNTT chiếm 14,91% so với toàn ngành, cao gấp 3 lần so với năm 2013 (năm 2013 tỷ trọng là 4,9%). Số lượng DN ngành trong giai đoạn 2015-2017 bình quân tăng 8,06%/năm, thấp hơn tốc độ tăng bình quân ngành công nghiệp chế biến chế tạo (9,24%).

Tuy chỉ có khoảng 348 DN nhưng đều là các DN lớn, có mức tăng trưởng cao nhờ việc tiếp thu, áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật ở trình độ cao của các tập đoàn kinh tế thế giới trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử,… Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng giai đoạn 2011-2016 là 15,21%. Giá trị gia tăng (giá hiện hành) của ngành năm 2017 đạt 30.326 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,57% trong toàn ngành công nghiệp.

Ngành điện tử - CNTT có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua, cao hơn mức tăng bình quân chung của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và toàn ngành công nghiệp. Trong giai đoạn tới ngành còn nhiều tiềm năng phát triển nhằm bắt kịp xu thế công nghiệp 4.0 và chủ trương phát triển kinh tế số của Chính phủ.

QTSC ký kết hợp tác với Trường Đại học Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM QTSC ký kết hợp tác với Trường Đại học Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM

Đưa ngành CNTT - TT trở thành ngành kinh tế chủ lực của TP

Để giúp ngành CNTT phát triển trong thời gian tới, tại hội thảo các ý kiến đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp thiết thực. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM Nguyễn Việt Dũng kiến nghị thúc đẩy các chương trình đổi mới sáng tạo trong khu vực công; nâng cao vai trò dẫn dắt của DN lớn, xây dựng mô hình liên kết 3 nhà; xây dựng môi trường, cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới; xây dựng cơ chế đưa sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo vào thị trường khu vực công.

Còn Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM Phí Anh Tuấn kiến nghị TP đưa ra các chính sách phù hợp cho doanh nghiệp CNTT phát triển bền vững. Trong đó, đánh giá đúng vai trò của doanh nghiệp CNTT trong phát triển kinh tế xã hội của TPHCM. Tăng ưu đãi cho DN đầu tư ứng dụng CNTT đặc biệt khi sử dụng sản phẩm giải pháp trong nước. Xây dựng chính sách tốt cho thị trường ứng dụng CNTT trong Nhà nước như có chính sách mở thị trường công, tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ tham gia; có chính sách giúp DN Start-up khởi nghiệp ở Việt Nam; có chính sách giúp cho ứng dụng các sản phẩm giải pháp ứng dụng các công nghệ mới của các DN Start-up.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Lê Quốc Cường đề xuất TPHCM kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với sự phát triển các loại hình kinh doanh mới hiện nay. Nghiên cứu, đánh giá chính sách ưu đãi hiện nay của ngành; cần ưu tiên phát triển các mô hình kinh doanh mới đáp ứng theo xu hướng công nghệ 4.0. Nghiên cứu đề xuất chính sách thúc đẩy các tập đoàn lớn đóng vai trò xương sống cùng với các DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp trong ngành CNTT và các lĩnh vực liên quan tạo hệ sinh thái cho ngành Điện tử - CNTT phát triển.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông TP đề xuất báo cáo UBND TP thành lập hội đồng phát triển CNTT - TT TPHCM, trong hội đồng có đại diện nhà nước, một số trường đại học, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT - TT. Đồng thời, hiện nay TP có hơn 5.000 doanh nghiệp CNTT - TT và TP nên có chuyên đề làm thế nào có thêm 1.000 DN nữa để đưa ngành CNTT - TT trở thành ngành kinh tế chủ lực của TP. Mặt khác, hiện nay có đề án số hóa TP và đề nghị các đơn vị bàn đề án này. Bên cạnh đó, nên sớm có đề án phát triển nhân lực chất lượng cao để triển khai trong thời gian tới. Ngoài ra, thí nghiệm mô hình đấu thầu theo nhóm, có DN lớn và DN nhỏ đi theo.

Hợp tác phát triển và thu hút đầu tư vào chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung

Trong khuôn khổ Ngày hội Doanh nghiệp CNTT và Trí tuệ nhân tạo, trưa ngày 28/12, Hội đồng quản lý Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã tổ chức Hội thảo “Hợp tác phát triển và thu hút đầu tư vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung”. Chuỗi QTSC ban đầu gồm 2 thành viên: QTSC, Khu Công viên Phần mềm Đại học Quốc Gia TPHCM (VNU - ITP). HueCIT là đơn vị thứ ba được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho gia nhập Chuỗi. Mỗi thành viên chuỗi QTSC đều có định hướng phát triển dựa vào thế mạnh của từng địa phương nên không cạnh tranh mà bổ trợ lẫn nhau để phát triển. Dự kiến, năm 2020 khu Công viên phần mềm Mekong (Mekong ITP) sẽ trở thành thành viên thứ 4 của chuỗi và định hướng phát triển ứng dụng CNTT trong nông nghiệp và gia công quy trình doanh nghiệp (BPO).

Dịp này, QTSC đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM nhằm xây dựng “Tài liệu hướng dẫn triển khai và quản lý khu CNTT tập trung”. Tài liệu này sẽ được đúc kết từ thực tiễn hoạt động của QTSC kết hợp chung với các khái niệm học thuật, chuyên môn nhằm từng bước chuẩn hóa các nội dung theo xu hướng quản trị khu công nghệ chung của quốc tế. Tài liệu này khi hoàn thành không chỉ để sử dụng trong các thành viên của chuỗi mà còn có thể chia sẻ, hướng dẫn triển khai và chuyển giao cho các đơn vị có định hướng xây dựng khu công nghệ tại các tỉnh phía Nam nói riêng và cả nước nói chung nên có tính ứng dụng và thực tiễn cao.

Đình Lý - Hương Thảo


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo