Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

TPHCM tập trung vào những dự án có thể làm ngay để có kết quả

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời tại phiên chất vấn

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 7/12, tại kỳ họp thứ 13, HĐND TPHCM khóa X, các đại biểu HĐND TP tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi liên quan đến lĩnh vực an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông; giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, bảo hiểm xã hội…

Xác định trọng tâm, trọng điểm để hoàn thành các chỉ tiêu

Đại biểu Lê Minh Đức (Quận 4) cho rằng, việc triển khai 4 chương trình phát triển TP gặp nhiều khó khăn và chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Các đề án, chương trình đến nay chưa đóng góp nhiều vào phát triển TP, chưa tạo đột phá, đặt biệt là đột phá về phát triển hạ tầng, đột phá về phát triển nguồn nhân lực và văn hóa, về phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực. Đại biểu đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM cho biết nguyên nhân và các giải pháp để điều hành, triển khai thực hiện 4 chương trình phát triển TP mang lại hiệu quả như Nghị quyết đã đề ra.

Đối với tờ trình danh mục dự án mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư, một số đại biểu đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM thông tin kết quả mời gọi đầu tư những năm qua và nguyên nhân TP gặp khó khăn trong kêu gọi đầu tư. Với 41 dự án  trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao dự kiến kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP vừa được trình HĐND TP, nếu được thông qua, UBND TPHCM sẽ làm như thế nào để thu hút được nhà đầu tư và sớm triển khai dự án.

Trả lời, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, TP xác định dùng cả đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội nhưng chưa chuẩn bị được quy hoạch và cơ chế chính sách nên khó thu hút đầu tư. Trong 2 năm còn lại, TP sẽ xác định trọng tâm, trọng điểm để hoàn thành các chỉ tiêu với kết quả cao nhất.

Đối với văn hóa - xã hội, đồng chí Phan Văn Mãi có biết, TP sẽ tập trung đầu tư hạ tầng xã hội bên cạnh hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, thực hiện các đề án gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tập trung vào các ngành dịch vụ có giá trị tăng trưởng lớn như dịch vụ tài chính, công nghiệp văn hóa, y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, chip, bán dẫn, công nghệ sinh học.

Về danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) lĩnh vực văn hóa thể thao, giáo dục, y tế, đồng chí Phan Văn Mãi thừa nhận, TP quan tâm hình thức PPP nhưng việc chuẩn bị đầu tư công, chưa rà soát quy hoạch, điều kiện pháp lý nên khi nhà đầu tư tìm hiểu thấy mất nhiều thời gian. Vừa qua, TPHCM lên danh mục 197 thu hút đầu tư nhưng chưa đạt kết quả.

Đối với danh mục 41 dự án lần này, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TPHCM đã rút kinh nghiệm, tính toán nhu cầu, rà soát quy hoạch và vận dụng cơ chế theo Nghị quyết 98/2023 để tăng tính khả thi.

“Sau khi HĐND TPHCM thông qua, UBND TPHCM nghiên cứu, ban hành quy trình, bộ hồ sơ thủ tục, để thực hiện nhanh gọn hơn đầu tư công, trong đó tập trung những dự án có thể làm ngay để có kết quả, tránh kéo dài gặp vướng mắc pháp lý. Việc đầu tư PPP phải nhanh hơn đầu tư công" - đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thị Kim Thúy (Bình Chánh) chất vấn tại kỳ họp thứ 13. Đại biểu Lê Thị Kim Thúy (Bình Chánh) chất vấn tại kỳ họp thứ 13.

Thiếu nhà ở, nhưng nhà chưa có người ở cũng rất lớn

Quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động, đại biểu Lê Thị Kim Thuý (Bình Chánh) cho biết, theo kết quả khảo sát chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 tại TPHCM, toàn địa bàn TP có khoảng 51.000 người lao động có nhu cầu thuê nhà và 29.000 người có nhu cầu mua nhà. Như vậy, hầu hết người lao động không có nhu cầu sở hữu nhà, chỉ thuê nhà ở xã hội.

Theo đại biểu Lê Thị Kim Thuý, không chỉ tại khu vực ngoài Nhà nước, các cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan công lập trên địa bàn cũng có nhu cầu thuê nhà ở rất cao. Do vậy, TPHCM có phương án nào để giải quyết nhu cầu thuê nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp.

Trả lời, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, nhu cầu về nhà ở của TPHCM rất lớn. Nhưng nhà ở trên địa bàn TP đang xây dang dở hoặc hoàn thiện nhưng chưa có người ở cũng rất lớn. “Đây là một thực tế ở các đô thị lớn hiện nay”- đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định.

Đối với người thu nhập thấp không có nhu cầu sở hữu nhà, chỉ có nhu cầu thuê nhà để cân đối chi tiêu, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP đã tính toán. Với chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, phát triển nhà cho thuê nhưng thực tế có nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào nhà ở xã hội.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, tính từ năm 2021 đến quý III/2023, trên địa bàn TPHCM mới có 2 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, với 623 căn. Đây là sự cách biệt lớn so với con số 26.200 căn của Chính phủ giao. “Vấn đề là TP vẫn duy trì kế hoạch phát triển nhà ở. Dự kiến trong năm 2024, với 8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó cố gắng giữ chỉ tiêu khoảng 6.500 căn nhà ở xã hội”- đồng chí Phan Văn Mãi cho biết.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, trong quá trình điều hành, TP đang tháo gỡ các dự án nhà ở xã hội. Với hơn 80 dự án nhà ở xã hội, lãnh đạo TP đã họp, nghe để tháo gỡ từng dự án. Hiện còn hơn 10 dự án có vướng mắc, khó khăn. “Nếu tập trung tháo gỡ nhanh, có thể triển khai được trong năm 2024.”- đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Minh Đức (Quận 4) chất vấn tại kỳ họp thứ 13. Đại biểu Lê Minh Đức (Quận 4) chất vấn tại kỳ họp thứ 13.

Tại phiên chất vấn, đại biểu cũng cho rằng, dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng – đã "đắp chiếu" hơn 13 năm. Đại biểu Phạm Đăng Khoa (Quận 3) chất vấn thẳng Chủ tịch UBND TP khi nào dự án này được khởi công.

Trả lời đại biểu, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, vừa qua, TP đã rà soát lại dự án này và có thể tiếp tục áp dụng hình thức BT. Tuy nhiên, TP đang cho rà soát lại, các bên cần ngồi lại để đánh giá dự án.

"Chúng tôi cũng mong muốn tổ chức triển khai sớm dự án này để có một nhà thi đấu hiện đại phục vụ các sự kiện thể thao lớn của TP và cả nước, thậm chí là quốc tế. Đồng thời, có công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn nữa, cơ bản nhất là TP có thể giải quyết được một điểm có thể nói là nhức mắt mỗi khi đi qua đi lại”- đồng chí Phan Văn Mãi cho biết.

Đồng chí Phan Văn Mãi cũng cho hay dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) từ năm 2008 và được triển khai từ tháng 3/2010. Đến nay, dự án đã "đắp chiếu" hơn 13 năm. Đây là một trong số ít các dự án được Thủ tướng đồng ý cho tiếp tục triển khai xây dựng theo hợp đồng BT sau khi phương thức hợp tác công tư này chính thức bị dừng lại năm 2019.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo