Thứ Bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024

TPHCM sẽ đề xuất nghị quyết mới về thể chế quản lý đô thị

Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại kỳ họp
(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 17, HĐND TP khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, chiều 16/7, HĐND TPHCM tổ chức phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của TP; thực hiện chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”… Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP Huỳnh Thanh Nhân điều hành phiên thảo luận tại hội trường.

Ban hành danh mục 45 cơ sở dữ liệu dùng chung

Trả lời ý kiến của các đại biểu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu HĐND TP và UBND TP sẽ khẩn trương triển khai các nghị quyết.

Đối với thực hiện chủ đề năm 2024, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, năm nay, TP tập trung và thực hiện đạt được những kết quả rất cụ thể và thiết thực về công tác chuyển đổi số. Cụ thể, TP đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số TP; đã ban hành nghị quyết của HĐND TP về mức thu lệ phí 0 đồng đối với 98 thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, đã hoàn thành rà soát máy tính để phục vụ cho việc chuyển đổi số trên toàn TP, từ sở, ngành, quận, huyện đến xã, phường; 100% thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến được triển khai trên hệ thống thông tin này. Đây là nền tảng rất quan trọng để tiến tới tất cả hồ sơ hành chính sẽ được giải quyết trên nền tảng số.

TP đã ban hành danh mục 45 cơ sở dữ liệu dùng chung và 91 tập dữ liệu mở. Đây là cơ sở để TP có thể phát triển mạnh hơn các ứng dụng.

Vấn đề chữ ký số, thanh toán số, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP sẽ tập trung chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn TP; sẽ triển khai kế hoạch chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, phấn đấu đến cuối năm 2025 có 70% hồ sơ hành chính, thủ tục hành chính của TP sẽ được giải quyết trên nền tảng số. Song song đó, TP khắc phục các điểm nghẽn của cải cách hành chính và chuyển theo hướng là hành chính số.

Đồng thời, triển khai các nền tảng thực thi triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành như: cấp phép xây dựng, quản lý đất đai, quản lý an sinh xã hội, có hồ sơ sức khỏe điện tử và có học bạ điện tử; ban hành chính sách hỗ trợ cho người nghèo các phương tiện để có thể tiếp cận thông tin thực hiện hành chính số.

Triển khai cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính cho các quận khi không có HĐND cùng cấp

Về thực hiện Nghị quyết 98, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP đã triển khai một số nội dung cơ chế, chính sách quan trọng như: đã bố trí được vốn đầu tư công cho giảm nghèo; bố trí ngân sách thực hiện dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài; vốn cho chương trình kích cầu. Bên cạnh đó, ban hành kế hoạch thực hiện về thu hút được đầu tư của các doanh nghiệp, đầu tư xã hội và danh mục các dự án BOT, dự án PPP trên lĩnh vực giao thông cũng như quy định mức vốn tối thiểu cho các dự án PPP.

Đối với lĩnh vực văn hóa xã hội, TP đã hoàn thiện đề án điện áp mái tại một số công sở và sắp tới sẽ đầu tư và trong điều chỉnh đầu tư công; thực hiện thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức; triển khai cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính cho các quận khi không có HĐND cùng cấp; triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, TPHCM đã nhận 48 hồ sơ, trong đó 21 hồ sơ đã được chọn, 15 hồ sơ được cấp kinh phí thực hiện. “Đây là những bước đi ban đầu nhưng sẽ có sức lan tỏa rất lớn trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận.

Về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TP đã xây dựng đề án là thúc đẩy hình thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế; quan tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; sẽ thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

TP cũng xây dựng cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox) cho lĩnh vực khoa học công nghệ. Vừa qua, UBND TPHCM cũng trình Ban Cán sự Đảng UBND TP cơ chế thử nghiệm chính sách cho sản xuất ô tô không người lái, máy bay không người lái và tần số wifi; hướng tới mục tiêu là địa phương đi đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Về tổ chức bộ máy, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP đã thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM; bố trí các chức danh phó chủ tịch HĐND và phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức; bố trí phó chủ tịch UBND cho huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn; bố trí 51/52 phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có trên 50.000 dân trở lên.

Quang cảnh kỳ họp Quang cảnh kỳ họp

Ngay từ khi có Nghị quyết 98/2023/QH15, TPHCM đã có bộ cơ chế tổ chức và hoạt động kể cả phụ cấp cho các phòng, ban của TP Thủ Đức sau ba năm thành lập, có cơ chế hoạt động và đang phát huy khá tốt.

Đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định, sau 1 năm triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15, TPHCM đã đạt được về khối lượng, chất lượng và tạo ra những nền tảng cơ bản hơn cả thời kỳ TP thực hiện Nghị quyết 54 vừa qua.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TP sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách nhà đầu tư chiến lược, triển khai cơ chế, định chế tài chính đầu tư (quỹ đầu tư tài chính địa phương), triển khai tín chỉ carbon, các dự án TOD (phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng), phấn đấu để Thủ tướng phê duyệt đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong quý 3; đề án đường sắt đô thị; thu hút đầu tư các dự án thể thao, giáo dục, y tế…

“Trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết 98 và Nghị quyết 131 của Quốc hội về chính quyền đô thị, TPHCM sẽ tổng kết Nghị quyết 131. Vào cuối 2025, TP sẽ đề xuất nghị quyết mới về thể chế quản lý đô thị của TPHCM sao cho phù hợp hơn” - đồng chí Phan Văn Mãi cho hay.

Long Hồ - Nguyễn Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo