Các đại biểu tham dự buổi làm việc. (Thanhuytphcm.vn) - Sáng 18/3, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT). Tham dự đoàn giám sát có các đồng chí: Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội; Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội; đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Linh hoạt, năng động trong triển khai chương trình GDPT 2018
Theo báo cáo của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, qua giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội TP nhận thấy công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT trên địa bàn TP trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. TP đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình GDPT 2018; kịp thời ban hành các quyết định về kiện toàn Ban chỉ đạo đổi mới Chương trình GDPT 2018, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng kế hoạch về triển khai chương trình GDPT mới.
UBND TP luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đảm bảo đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và phù hợp với tình hình thực tiễn của TP, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Từ đó, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và trách nhiệm hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục và tạo được sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh, nhân dân TP đối với việc đổi mới Chương trình GDPT 2018.
TP kiên trì triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp nhu cầu sử dụng, đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Hệ thống trường lớp, được quan tâm đầu tư xây dựng mới, hàng năm đều có trường lớp mới đưa vào sử dụng. Việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP được thực hiện đúng quy trình, khách quan, minh bạch, công khai, phụ huynh yên tâm và đồng thuận; việc cung ứng sách giáo khoa đảm bảo cho việc học tập và giảng dạy. Giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng chương trình GDPT mới.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đánh giá, TPHCM đã triển khai chương trình GDPT bài bản, chặt chẽ; đặc biệt TP linh hoạt, năng động triển khai chương trình trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trong đó, đã tổ chức tập huấn giáo viên bằng hình thức online. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Độ, tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 là một cuộc cách mạng về GDPT, đổi mới từ mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa đến đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Chương trình GDPT 2018 được triển khai nhằm thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại buổi làm việc. Khó khăn do tăng dân số cơ học
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng nêu những khó khăn hiện nay. Trong đó, mặc dù được quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nhưng nhiều giáo viên còn lúng túng khi được phân công dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên hay Lịch sử - Địa lý. Tại TPHCM do áp lực từ tăng dân số cơ học nên thiếu phòng học để tổ chức học 2 buổi. Tình trạng sĩ số học sinh ở nhiều cơ sở giáo dục còn cao so với quy định dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. Theo báo cáo số 3081/SGDĐT-VP ngày 29/8/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP, trên địa bàn TP có 11 quận, huyện đảm bảo 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Một số quận như Quận 12, Tân Phú, Bình Tân có tỷ lệ học sinh học 2 buổi ngày dưới 50%; các quận, huyện còn lại chỉ đảm bảo từ 70% - 90% học sinh học 2 buổi/ngày.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu, bình quân mỗi năm TP tăng thêm 40.000 học sinh. Các quận vùng ven: Quận 12, Bình Tân, Bình Chánh có số học sinh tăng nhiều nhất. Trung bình mỗi năm TP xây thêm khoảng hơn 1.000 phòng học, có năm xây thêm 1.500 phòng. Nhưng số phòng này chỉ đủ đáp ứng chỗ học cho số học sinh tăng thêm, không giảm được sĩ số/lớp và tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Mặc dù vậy, các quận huyện đều cố gắng để học sinh học chương trình GDPT 2018 được học 2 buổi/ngày với tỷ lệ cao nhất hoặc nhiều hơn 6 buổi/tuần.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, hoạt động giám sát nhằm đánh giá lại hiệu quả triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT một cách thực tế. TPHCM là một trong những địa phương có nhiều mô hình triển khai sáng tạo. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề đang đặt ra, tồn tại và vướng mắc cần được đánh giá bài bản, thấu đáo để từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ; từ đó, góp phần triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiệu quả thiết thực, sát với thực tế.