Vở xiếc nghệ thuật À Ố show lập kỷ lục về số suất diễn phục vụ du lịch(Thanhuytphcm.vn) - Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM đã mở cổng thông tin bình chọn các tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu của TPHCM hướng đến kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Căn cứ vào đề cử của các hội chuyên ngành văn học - nghệ thuật TPHCM trên các lĩnh vực: Văn học, Âm nhạc, Sân khấu, Múa, Điện ảnh, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Kiến trúc, Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, Ban tổ chức mời gọi nhân dân bình chọn các tác phẩm tiêu biểu theo địa chỉ: https://vhnt-vote.altacloud.biz/ hoặc https://binhchon.tacphamvanhocnghethuat.vn/
Kết quả bình chọn này làm cơ sở để hội đồng cấp thành phố bình chọn ra 50 tác phẩm tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực văn học - nghệ thuật TPHCM trong 50 năm qua. Qua đó, tôn vinh và biểu dương các tác phẩm xứng đáng, góp phần làm nên giá trị nền văn học nghệ thuật TPHCM trong chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển. Các đề cử cụ thể ở các lĩnh vực, như sau:
Lĩnh vực điện ảnh: Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Xa và gần, Biệt động Sài Gòn, Ngọc trong đá, Vị đắng tình yêu, Song Lang, Mê Kông ký sự, Mai, Cầu thang tối.
Lĩnh vực âm nhạc: các ca khúc Mùa xuân trên TPHCM, Đất nước trọn niềm vui, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Bên tượng đài Bác Hồ, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Một đời người một rừng cây, Thành phố của tôi, Thành phố trẻ, Thành phố tôi yêu; bản giao hưởng số 6 Sài Gòn 300 năm.
Lĩnh vực văn học: Quê hương địa đạo (nhà văn Viễn Phương), Bàn thờ tổ của một cô đào (Nguyễn Quang Sáng), Ở R - Chuyện kể sau 50 năm (Lê Văn Thảo), Nhân có chim sẻ về (Chim Trắng), Mùa hè giá buốt (Văn Lê), Rừng thiêng nước trong (Trần Văn Tuấn), Đứng trước biển (Nguyễn Mạnh Tuấn), Mắt biếc (Nguyễn Nhật Ánh), lý luận phê bình Ngoại vi thơ (Chế Lan Viên), tập thơ Thì thầm với dòng sông (Hoài Vũ).
Lĩnh vực mỹ thuật: tượng Bác Hồ với thiếu nhi (đặt tại Nhà Thiếu nhi TPHCM), tượng đài Mẹ Tổ quốc và chiến sĩ vô danh (Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM), tranh Thanh niên thành đồng (họa sĩ Nguyễn Sáng), tượng đồng Nguyễn Tất Thành (Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM), bộ tranh gốm Đền Bến Dược, biểu tượng Hồn thiêng đất nước (khu di tích lịch sử Bến Dược - Củ Chi), phù điêu Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn - Gia Định (khu di tích xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh), tranh Vì sự bình yên của đất nước (Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM), cụm tượng Ngã Ba Giồng - Hóc Môn, tượng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, TP Thủ Đức).
Lĩnh vực sân khấu: cải lương Người ven đô (Đoàn Cải lương Sài Gòn 1), Tiếng trống Mê Linh (Đoàn Cải lương Thanh Nga), Rồng phượng, Chim Việt cành Nam, Chiến binh (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); kịch nói Lá sầu riêng (Đoàn kịch nói Kim Cương), Dạ cổ hoài lang (Nhà hát Kịch sân khấu Nhỏ); hát bội Lê công kỳ án (Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM); xiếc À Ố show (Luna Production); múa rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực (Nhà hát nghệ thuật Phương Nam).
Lĩnh vực nhiếp ảnh: ảnh Mẹ con ngày gặp mặt (tác giả Lâm Hồng Long), Bí thư Võ Văn Kiệt trao cờ xuất quân cho tuổi trẻ TPHCM (Thiên Điểu); các sách ảnh Ảnh thời chiến (Lâm Tấn Tài), Sài Gòn ngoan cường (Nguyễn Á), Vượt qua bóng tối (Trần Thế Phong), Việt Nam quê hương mến yêu (Nguyễn Đặng) Lấp lánh Thành phố tôi (Ngô Thị Thu Ba), 10 năm sân khấu trong tôi (Nguyễn Thị Hồng Nga); bộ ảnh Chiếc áo mới cho những dòng kênh đen tại TPHCM (Đinh Ngọc Trung), Cầu Ba Son nối dòng phát triển (Trần Lê Huy).
Lĩnh vực múa: Mâm vàng Cửu Long và Mùa sen nở (Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen), Chuyện tình non sông (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM), Huyền thoại Rừng Sác (Đoàn văn công Quân khu 7), Ngọn lửa thành đồng (biên đạo: Xuân Hanh), Trắng đen hay Ánh sáng và bóng tối (biên đạo: Tô Nguyệt Nga).
Lĩnh vực kiến trúc: Đền tưởng niệm Vua Hùng TPHCM, quần thể công trình Nhà thiếu nhi TPHCM, Đền tưởng niệm Bến Dược - Củ Chi, Nhà hát Hòa Bình (Quận 10), Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM, Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Trung tâm hành chính Quận 10, Artex Saigon Building, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, Đài truyền hình TPHCM, Kho bạc Nhà nước TPHCM.
Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số: sách Học tập tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đoàn kết dân tộc (dân tộc Khmer); sách Người Chăm với Bác Hồ (dân tộc Chăm); thư pháp Nhật ký trong tù, Thực hiện di chúc Bác Hồ 1969 – 2019, 40 năm huy hoàng, sách Nét đẹp văn hóa cộng đồng của Hội quán người Hoa tại TPHCM, vở kịch tiếng Triều Châu Nghĩa tình năm ấy, vở kịch tiếng Quảng Đông Tô Ánh Nguyệt, tranh thủy mặc Sông Sài Gòn ngày nay, tuyển tập Việt Nam Cẩm Tú trong tranh thủy mặc (dân tộc Hoa).